Thảm sát rừng nguyên sinh (Kỳ 1: Rừng tự nhiên "chảy máu")
Từ nguồn tin của người dân, sau chuyến thâm nhập thực tế dài ngày tại các cánh rừng tự nhiên của xã Cà Dy (H. Nam Giang, Quảng Nam), chúng tôi không khỏi xót xa khi chứng kiến những cánh rừng nguyên sinh ít ỏi còn sót lại đang ngày đêm “rỉ máu”. Điều đáng nói, việc phá rừng tại đây diễn ra trong thời gian dài, ngay “trước mắt” Trung tâm hành chính H. Nam Giang nhưng dường như các ngành chức năng nơi đây “không nhìn thấy”.
Những cây gỗ lớn vừa bị “lâm tặc” cưa nằm ngổn ngang khắp rừng tự nhiên ở thôn Bến Giằng. |
Theo chỉ dẫn của người dân địa phương, giữa tháng 4-2019, nhóm P.V Báo Công an TP Đà Nẵng thâm nhập “điểm nóng” phá rừng tự nhiên tại 2 thôn Pà Căng và Bến Giằng (xã Cà Dy). Từ Trung tâm hành chính H. Nam Giang ở Bến Giằng, chúng tôi rẽ vào con đường bê-tông nhỏ phía sau Đài Phát thanh H. Nam Giang. Đi chừng 70m, dấu vết trâu kéo gỗ hiện rõ, hằn sâu cả mét. Di chuyển theo đường mòn trâu kéo khoảng 30 phút, chúng tôi phát hiện có nhiều lóng, phách gỗ do “lâm tặc” tập kết dọc đường. Trên đường đi, chúng tôi gặp một “lâm tặc” đang dùng trâu kéo gỗ xuống. Thấy người lạ, đối tượng này vội rút con rựa chặt đứt dây buộc ách vứt phách gỗ lại rồi dắt trâu bỏ chạy...
Sau 1 giờ men theo vết mòn trâu kéo gỗ, chúng tôi đến vùng rìa những cánh rừng nguyên sinh. Do địa hình hiểm trở, bên núi cao, bên vực sâu nên “lâm tặc” dùng cây gỗ làm rào chắn cẩn thận, dùng bìa gỗ làm bậc thang để dễ dàng cho việc kéo gỗ. Vết mòn trâu kéo gỗ chi chít khắp rừng, chúng tôi quyết định lần theo dấu vết mòn trâu kéo mới nhất còn lấm lem bùn đất. Tại đây, chúng tôi nghe tiếng máy cưa gầm rú inh ỏi khắp cả khu rừng. Lúc này chúng tôi bắt gặp một người đàn ông ngồi nghỉ chân tại con suối nhỏ. Thấy chúng tôi, người này vội lẩn vào rừng. Tầm 1 phút sau, tiếng máy cưa bỗng nhiên tắt hẳn.
Men theo con đường mòn ven con suối nhỏ, chúng tôi bắt gặp hơn 10 cây gỗ đường kính 0,6 - 1,2m bị cưa xẻ tại chỗ, hiện trường vẫn còn nhiều phách gỗ lớn chưa kịp vận chuyển ra ngoài. Theo lối mòn trâu kéo gỗ, chúng tôi chứng kiến 6 cây gỗ lớn, trong đó có cây 3 người ôm không xuể bị đốn hạ, khu vực này bán kính chỉ rộng vài chục mét. Hiện trường chỉ còn 2 phách gỗ đường kính 30x40cm, dài 2m và 1 phách gỗ 20x30cm, dài 2,5m. Bìa gỗ nằm ngổn ngang khắp con suối như một “xưởng cưa” giữa khu rừng. Từ vết mòn trâu kéo gỗ và khung cảnh hoang tàn trước mắt khi cả một khu rừng rộng lớn còn trơ trọi vài cây gỗ nhỏ cho thấy mức độ tàn phá ở đây rất khủng khiếp. Sau 40 phút ghi nhận tại khu vực này, có hơn 20 cây gỗ lớn đã bị “lâm tặc” đốn hạ, tất cả gỗ đã được rọc phách lấy đi.
Đi tiếp vào bên trong vùng lõi, 3 cây gỗ cổ thụ đường kính 1,2-1,5m bị “lâm tặc” vừa mới cưa ngã. Dụng cụ để cưa xẻ gỗ và lương thực của “lâm tặc” vẫn còn để lại hiện trường. Có lẽ “lâm tặc” nhận được tin báo của đồng bọn nên đã nhanh chóng tẩu thoát. 3 cây gỗ cổ thụ bị đốn hạ nằm cách nhau khoảng 20m. Chúng tôi đếm được có 28 phách gỗ đủ kích cỡ và 4 lóng gỗ mới được cưa xẻ, bìa gỗ nằm ngổn ngang như một “đại công trường” giữa cánh rừng già.
Dấu vết nơi đây để lại cho thấy nếu tiếp tục đi sẽ còn gặp nhiều khu rừng bị xâm hại, tuy nhiên vì thời gian không cho phép, chúng tôi quyết định rời khu rừng trước khi trời tối. Trên đường về, chúng tôi gặp nhiều người dân đang khai thác cây keo gần Đài phát thanh H. Nam Giang. Trò chuyện với chúng tôi, một người dân cho biết: “Khu rừng tự nhiên tại đây đã bị “lâm tặc” tàn phá từ nhiều năm nay. Họ dùng trâu kéo gỗ tập kết trong rừng keo, tối đến sẽ đưa xuống sông dưới chân cầu Bến Giằng rồi dùng ghe vận chuyển về xuôi. Người dân đã nhiều lần báo cho lực lượng chức năng, nhưng tình trạng này vẫn cứ tiếp diễn”.
Theo quan sát của chúng tôi, điểm tập kết gỗ dưới chân cầu Bến Giằng chỉ cách Trung tâm hành chính H. Nam Giang vài trăm mét. Nếu đứng trên cầu Bến Giằng quan sát có thể thấy rõ những dấu vết mà “lâm tặc” để lại. Và dấu vết trên đã có cách đây từ nhiều năm…
LÊ VƯƠNG - BÃO BÌNH
Kỳ 2: Mở đường trái phép vào rừng tự nhiên
Ngày 22-4, CAH Phước Sơn (Quảng Nam) cho biết, CQĐT đang củng cố hồ sơ để xử lý hai đối tượng phá rừng trái phép. Trước đó, dư luận phản ánh tình trạng phá rừng xảy ra tại Khoảnh 12, Tiểu khu 675 rừng phòng hộ Đắk Mi (thuộc xã Phước Đức, H. Phước Sơn). Qua điều tra, rà soát các đối tượng nghi vấn trên địa bàn, CQĐT xác định 2 đối tượng Hồ Văn Thanh và Hồ Văn Long (cùng trú thôn 4, xã Phước Đức) đã khai thác gỗ trái phép tại khu vực nói trên. Qua đấu tranh, các đối tượng khai nhận: Thanh là người trực tiếp cưa hạ cây và xẻ gỗ, còn Long được Thanh thuê phụ cưa xẻ gỗ.
P.V |