Thăm thẳm xứ dừa
(Cadn.com.vn) - Đêm qua cầu Rạch Miễu tôi nghe chênh chao từng hơi thở Sông Tiền. Những cụm lục bình nhấp nhô trong ánh sáng đèn phà gợi nhớ những ngày đánh giặc. Miên man gió. Gió mặn phả vào mặt, vào tóc như những ngón tay ve vuốt. Đây là lần đầu tiên tôi đến Bến Tre. Háo hức và hồi hộp. Vì đã đọc thơ Lê Anh Xuân, rồi nghe hát hoài câu “dừa ơi ta nhớ lắm nghe” mà tôi chưa một lần đến xứ dừa. Chỉ một đêm và quá nửa ngày thôi, tôi đã bị đất và người Bến Tre ám ảnh...
Về Bến Tre, tôi nhận ra mảnh đất này nhiều điều lạ lùng lắm, thăm thẳm lắm. Như là nằm cho sông chảy qua hồn. Trước đây muốn về Bến Tre bất cứ ở hướng nào nhất định phải qua một con phà: Phà Rạch Miễu, phà Cổ Chiên, phà Đình Khảo, phà Tân Phú. Nhà văn Kim Ba bảo: “Bến Tre là một hòn đảo tách biệt với các tỉnh”. Bây giờ thì có cầu rồi, thông thương rồi. 3 cù lao: cù lao An Hóa, cù lao Bão và cù lao Minh do phù sa của 4 nhánh sông Cổ Chiên, sông Tiền, sông Ba Lai, sông Hàm Luông bồi đắp tạo nên địa hình Bến Tre như một rẽ quạt trước biển Đông cuộn sóng. Nhìn trên bản đồ, tôi lại thấy Bến Tre như một bông hoa loa kèn hướng biển. Về Bến Tre nhưng chẳng thấy nhiều tre hơn nơi khác, chỉ thấy dừa dừa bạt ngàn. Tôi lớn lên đã thấy dừa trước ngõ/ Dừa ru tôi giấc ngủ tuổi thơ... (Lê Anh Xuân).
Trung tâm thị xã, Tượng đài Đồng Khởi, biểu tượng của Bến Tre vút lên trời cao, được thắp sáng thâu đêm. Người Bến Tre tính khí mạnh mẽ. Tính khí đó đã sinh ra học sinh Trần Văn Ơn xông lên trước mũi súng trong cuộc biểu tình phản đối bọn Pháp đàn áp học sinh sinh viên Sài Gòn. Tính khí đó đã sinh ra kỹ sư tài năng Nguyễn Ngọc Nhựt, theo lời kêu gọi của Bác Hồ, tự nguyện xin về nước phục vụ cách mạng, bị Pháp bắt, chúng dụ dỗ, mua chuộc vẫn không lay chuyển tinh thần... Ấy là tính khí của cụ Đồ Chiểu: ...Thà đui mà giữ đạo nhà/ Còn hơn có mắt ông cha không thờ... Tính khí đó sinh ra nhà thơ Lê Anh Xuân, tốt nghiệp đại học ở Hà Nội, một mực xin vào quê hương đánh giặc và đã anh dũng hy sinh ở chiến trường, để lại một “Dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ”,... Chỉ riêng tướng lĩnh cách mạng trong hai cuộc kháng chiến đánh Pháp và đánh Mỹ, Bến Tre đã có tới 18 vị. Có lẽ ít có địa phương nào mà tướng lĩnh nhiều đến vậy!
Ở Bến Tre, từ xa xưa con người đã phải gồng mình lên để sống. Nước ngập, con người phải đắp vồng (giồng) đất lên cao để ở. Cái chữ Giồng gắn trước các địa danh ở Bến Tre (như Giồng Trôm) sinh ra từ đó. Xưa dân rất ít, ở tách biệt từng xóm nhỏ. Bốn bên rừng rậm. Cọp và người tranh chấp nhau nơi ở. Thời ấy cây dừa, cây sộp mọc khắp nơi, làm nơi trú ẩn cho cọp. Sống như thế nên con người phải khôn ngoan, mạnh mẽ. Chuyện “ông già Ba Tri” Trùm cả Kiểm cơm đùm gạo bới từ Ba Tri, không chờ mùa ghe bầu ra xứ Quảng, mà đi bộ ra Huế hơn ngàn cây số đánh trống kêu kiện lên vua Minh Mạng chuyện cả Hạc đắp đập ngăn không cho ghe từ sông Hàm Luông vào chợ Ba Tri, làm cho bà con không buôn bán được. Vua Minh Mạng lắng nghe rồi phán chỉ: “Dù làng riêng nhưng rạch chung, phủ huyện phải coi phá đập”. Thế là Trùm cả Kiểm thắng kiện. Từ đó sinh ra hình tượng “Ông già Ba Tri” để chỉ những người có ý chí lớn, làm chuyện khác người. Năm 1946, từ cửa sông Hàm Luông, một chiếc thuyền buồm nhỏ đã nhổ neo vượt biển ra miền Bắc xin vũ khí cho miền
![]() |
Các văn nghệ sĩ Huế mua kẹo dừa ở Bến Tre. |
Ở Bến Tre, dừa đồng hành với con người như hình với bóng. Từ cây dừa, trong chiến tranh người Bến Tre làm cầu, làm hầm chống giặc, làm bè bộ đội vượt sông, làm nhà, làm áo quan chôn đồng đội, làm cột cờ kháng chiến,... Trong ẩm thực dân gian Bến Tre cũng rất nhiều món ăn chế biến từ dừa như món bí rợ nấu canh dừa, ếch xào dừa, chuột quay nước cốt dừa, lươn um dừa, tép kho sả - nước cốt dừa... Thời hội nhập người Bến Tre thông minh tinh nhạy đã làm ra hàng chục thứ hàng hóa xuất khẩu từ hàng thực phẩm cho đến hàng chục thứ hàng thủ công mỹ nghệ làm từ dừa. Hàng chục nhà đầu tư từ Đài Loan, Trung Quốc, Pháp, Hàn Quốc, Sri Lanka, Hà Lan... đã đầu tư vào Bến Tre chỉ để sản xuất những sản phẩm từ dừa.
Ngày 19-2-2009, tỉnh Bến Tre đã tổ chức Festival dừa Bến Tre lần thứ 1 , dịp kỷ niệm 49 năm Bến Tre Đồng khởi và khánh thành cầu Rạch Miễu. Chao ôi, Festival dừa! Có nghĩa dừa đã thành chiều sâu văn hóa một vùng đất, đã làm nên lễ hội của riêng mình.
Ghi chép: Ngô Minh