Thân thương lá chuối

Thứ sáu, 28/06/2019 13:16

Chiều nay ghé siêu thị, lúc dạo sang quầy rau củ quả, tôi thấy quầy hàng có một sự thay đổi khác lạ. Không phải vì có thêm ít loại trái cây nhập khẩu tận châu Âu mà là các bọc rau được quấn bằng lá chuối, thay thế cho túi ni-lông, màng bọc thực phẩm. Thật ra thì chuyện này đã được nghe, xem trên Internet mấy hôm trước rồi, nhưng là với các siêu thị ở thành phố lớn. Tôi cũng hơi bất ngờ khi siêu thị bé vùng ven ngoại ô lại nhanh chóng áp dụng cách làm tuyệt vời này. Tôi học về chuyên ngành môi trường, hơn ai hết hiểu được sự tác hại của rác thải nhựa nói chung, túi ni-lông nói riêng đến chừng nào. Trước đây, khi đi chợ, mua đồ tôi lúc nào cũng hạn chế tối đa từ bỏ thói quen dùng đồ nhựa, túi ni-lông...

 

Nhìn những bọc lá chuối trên các quầy rau, tôi không ngờ rằng có một ngày chiếc lá quê lại có thể lên phố và làm được việc góp phần bảo vệ môi trường như thế này. Thầm cảm ơn người đã sáng tạo ra khi dùng lá chuối thay cho túi ni-lông. Hẳn lá chuối quê trong mắt nhiều người càng thêm thân thuộc, gần gũi và thân thương. Quê tôi vùng nông thôn, cây cối bao quanh xóm ngút ngàn, xanh mướt. Cây chuối là một trong những loại cây ăn quả thân thuộc, hiện hữu trong vườn nhà như những người bạn thân thời thơ ấu. Bố tôi trồng chuối thành từng hàng trong vườn ngay ngắn, nào là chuối tiêu, chuối ngự, chuối hột. Lá chuối khô dùng để gói bánh ít, bánh gai, bánh ú, còn lá chuối tươi thì dùng gói bánh chưng, bánh tẻ, bánh bột lọc. Ngày xưa tôi hay thắc mắc tại sao người ta gói bánh lại chọn lá chuối mà không phải là một loại lá khác. Sau này lớn lên mới hiểu ra rằng, lá chuối không đơn thuần chỉ làm nhiệm vụ bọc bánh mà còn giúp bánh có thêm hương vị đậm đà hơn. Mùi lá chuối khô quyện với hương nếp, đỗ xanh tạo thành mùi hương đặc trưng, không thể lẫn vào đâu được. Còn nhớ, khi xưa mỗi lần mẹ chạy chợ về, hai chị em lại lon ton ra chiếc làn lục từng đồng bánh tẻ mẹ mua. Hai chị em háo hức mở từng lớp lá đang còn âm ấm nóng, hít hà hương lá bên ngoài rồi mới ăn.

Hồi ngoại còn sống, mỗi lần qua thăm bà vẫn thường có dăm ba bọc mía chẻ sẵn, một vài chiếc kẹo bột, bánh đậu xanh làm quà. Ngoại để tất cả những thứ đó vào bọc lá chuối khô, đến nỗi hai chị em chỉ cần nhìn đùm lá chuối trên tay của ngoại là biết ngay có quà rồi, cười tít mắt reo hò. Ngoại đã tỉ mẩn gói cho chị em tôi những đồng quà yêu thương bằng lá chuối. Sau này mỗi lần nhận được quà trong ngày sinh nhật, nhìn những món quà được bọc trong giấy bọc bóng loáng, lại quay quắt nhớ về những bọc quà năm xưa của ngoại. Bọc quà bằng lá chuối khô giản dị là cả tình yêu thương vô ngần mà ngoại đã dành cho chúng tôi.

Lá chuối còn hiện diện trong những lần lễ lạt hay mỗi dịp tết đụng lợn, người dân quê tôi tay cắp mủng ngang hông, bên trong lót lớp lá chuối mang phần của mình về. Đơn giản mà tiện lợi. Lá chuối cũng nhiều lần lên phố trong các món ăn thị thành như bún đậu mắm tôm, xôi xéo, các món bánh, giò chả. Trên bề mặt lá chuối có một lớp sáp rất mỏng. Lớp sáp này có mùi thơm dìu dịu, khi tiếp xúc với độ nóng vừa phải của thức ăn, vô tình phủ lên một lớp màng bóng bẩy, giúp đồ ăn có vẻ ngon hơn. Và hơn hết, lá chuối không có phản ứng hóa học như các đồ hộp, đựng bằng nhựa hay ni-lông.

Một ngày về quê, bước ra khoảnh vườn nhà, hàng chuối xào xạc vẫy tay trong gió, tôi khẽ khàng đưa tay sờ lên từng tàu lá chuối, nghĩ chuyện ở phố mà lòng rắc đầy nắng ấm. Với tôi, lá chuối quê là ân tình, là kỷ niệm, là năm tháng ngọt ngào sâu lắng khó có thể nào quên.

Mai Hoàng