Tháng 5 ở tháp cổ Chiên Đàn

Thứ bảy, 21/05/2022 14:49
Vào những ngày này, sau 2 năm bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, cùng với các điểm văn hóa du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, tháp cổ Chiên Đàn là một trong những di sản được nhiều đoàn khách du lịch chọn làm điểm tham quan yêu thích.
Tấm bia có khắc 8 dòng chữ Sanskrit.
Tháp Chiên Đàn hiện nay.

Tuy nhiên, vào một buổi sáng đầu tháng 5, khi chúng tôi ghé lại nơi đây, thì nhận ra, cánh cổng Khu di tích vẫn khép kín im lìm. Liên hệ mãi, mới gặp được một người trông coi, kiêm nhiệm vụ bảo vệ và bán vé. Cỏ dại mọc rải rác vướng mắc dọc lối đi. Hỏi thăm mới biết, đến hiện nay, bên cạnh những trở ngại khách quan sau thời gian đại dịch, chủ trương việc phát huy đón khách tham quan du lịch nơi đây còn đang rất hạn chế…

Tháp Chiên Đàn thuộc thôn An Thọ, xã Tam An, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam, được xây dựng từ cuối thế kỷ XI đầu thế kỷ XII, Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia năm 1989. Di tích gồm 3 tháp xếp thành một hàng theo trục bắc - nam, cửa ra vào ở hướng đông. Ba tháp biểu tượng cho 3 vị thần tối cao trong Ấn Độ giáo : SIVA, VISHNU, BRAHMA , có niên đại cuối thế kỷ XI đến đầu thế kỷ XII, trong thời kỳ Champa chuyển kinh đô từ Quảng Nam về Bình Định, dưới thời vua Yan PuKu Vijaya. Nhìn từ bên ngoài, ba ngôi tháp có hình dạng giống nhau, đế tháp là hình vuông, mái tháp là các tầng thu nhỏ lên trên. Trên thân tháp Chiên Đàn không có hoa văn trang trí, trên các đường diềm mái bằng sa thạch có chạm một dãy mặt Kala. Quan sát kỹ hơn, có thể nhận thấy tháp Bắc nhỏ nhất trong nhóm. Tháp Nam nhỏ hơn tháp Giữa, nhưng lớn hơn tháp Bắc. Các nhà nghiên cứu cho rằng, nhóm tháp Chiên Đàn không xây cùng một lượt, mà ban đầu là tháp Nam, tiếp đến là tháp Giữa, sau cùng là tháp Bắc.

Tác giả bên một góc tháp Chiên Đàn.

Về kết cấu, các tòa tháp đều có màu đỏ sẫm tự nhiên bên ngoài bằng loại đất nung có sẵn tại địa phương. Chân tháp hầu hết có hình vuông, từ đó xây lên các mặt tường xung quanh và diện tích trung tâm thường là nơi đặt các tượng thờ theo tín ngưỡng Ấn Độ giáo. Cửa tháp hướng về phía Đông - nơi mặt trời mọc. Tháp xây lên trên với tầng cao mở rộng và thon vút đặc trưng kiểu kiến trúc trộn lẫn giữa Ấn Độ giáo và bản sắc bản địa. Xung quanh tháp là một sự sắp xếp những phù điêu, chạm trổ tinh xảo thể hiện hoa lá thiên nhiên, chim thú và các vị thần. Tượng người và động vật ở Chiên Đàn còn bảo lưu đôi nét của nghệ thuật Trà Kiệu, giai đoạn cuối thế kỷ X, nhất là hình ảnh những con voi đầu quay ngang với đôi vai to.

Còn nhớ, trong đợt trùng tu tháp Chiên Đàn vào năm 1989, khi đang là phóng viên tại báo địa phương (báo Quảng Nam- Đà Nẵng), tôi thường có dịp lui tới tiếp cận di tích này một khoảng thời gian dài. Lúc này, khu di tích Chiên Đàn còn là một hiện trường khá ngổn ngang. Họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ, nguyên cán bộ chuyên môn của Bảo tàng Quảng Nam- Đà Nẵng là một trong những thành viên tham gia công việc tu bổ nhóm tháp Chiên Đàn trong thời điểm này nhắc lại: "Lúc đó, tôi được Sở Văn hóa Quảng Nam- Đà Nẵng cử đi làm việc này, nằm trong chương trình tu bổ các kiến trúc đền tháp Chăm của Chính phủ Ba Lan - Việt Nam, trực tiếp là kiến trúc sư Ba Lan Kazit (1944 - 1997) cùng cán bộ văn hóa địa phương. Công việc là khai quật sau đó là tu bổ kiến trúc. Tôi được các chuyên gia Ba Lan chỉ đạo qua người thông dịch. Chúng tôi nghỉ tại căn phòng do Hợp tác xã nông nghiệp xã Tam An. Công việc trực tiếp và kéo dài từ những tháng mùa hạ năm 1989 đến năm 1990. Khai quật phát hiện toàn bộ chân của 3 tháp các khối sa thạch có chạm khắc và thu nhặt nhiều tác phẩm điêu khắc đẹp từ nóc , thân tháp rơi vùi trong đất. Đợt trùng tu lần này, các nhà khảo cổ đã khai quật quanh các tháp, làm lộ ra toàn bộ chân tường, các trang trí bằng sa thạch với hàng trăm tác phẩm điêu khắc có giá trị". Họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ cho biết thêm, nhóm tháp Chiên Đàn cũng được Kazik tu bổ bằng kỹ thuật khoan POK, "chặt" gạch cũ xây bề mặt nhám. Và ông ấy đã cứu thành công các tháp có nguy cơ sụp đổ.

Tấm bia có khắc 8 dòng chữ Sanskrit.

Những hiện vật phát hiện được vào năm 1989 đã làm cho các nhà nghiên cứu có một cái nhìn khác về khu tháp Chiên Đàn, bởi lẽ trước đây các học giả người Pháp chỉ tìm thấy một số lượng nhỏ các tác phẩm điêu khắc ở đây, do vậy họ đã xếp các tượng ở Chiên Đàn vào phong cách nghệ thuật Chánh Lộ (thế kỷ XI). Về sau, đến năm 1996, trong khuôn viên khu di tích Chiên Đàn được thêm xây dựng nhà trưng bày các tác phẩm điêu khắc tiêu biểu nhất, đồng thời còn trưng bày một bộ Yoni - Linga rất lớn được tìm thấy tại phế tích Champa ở Mỹ An, nằm cách Chiên Đàn 1,5 km về phía Tây Nam. Khu nhà này có thể ví như là bảo tàng mini do kiến trúc sư Kazit thiết kế. Họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ cũng đã tham gia góp phần trong việc trưng bày các hiện vật điêu khắc và sắp đặt thiết kế.

Năm 1997, khu nhà trưng bày chính thức khánh thành, bao gồm nhiều bức phù điêu, đặc biệt là bệ thờ Yoni và các bức tượng người, động vật (tượng rắn Naga, ngỗng thần Hamsa, chim thần Garuda, voi thần Gajasimha ...) có giá trị nghệ thuật cao. Đáng chú ý, vào thời điểm này, tại đây đã khai quật được một tấm bia lớn, mài bằng một mặt, trên đó có khắc 8 dòng chữ Sanskrit, nhưng đáng tiếc là suốt nhiều năm qua, các nhà chuyên môn vẫn chưa giải mã được những dòng chữ ấy viết gì. Vào cuối năm 2000, một số tác phẩm điêu khắc tiêu biểu được phát hiện có thể kể đến là: bức chạm nổi hai vị thần, tượng nữ thần ngồi xếp bằng, tượng nam thần ngồi xếp bằng, bức chạm nổi hình lá đề, tượng tu sĩ Brahman, tượng nhạc công hay Trang trí đầu makara phun ra người… Tất cả những hiện vật cổ khai quật được hầu hết đều được làm bằng sa thạch màu vàng đất với các kích thước khác nhau.

Dù không còn nguyên vẹn, nhưng với những dấu tích xưa còn lại, tháp Chiên Đàn vẫn là một trong những di sản kiến trúc độc đáo mang cả miền bí ẩn đối với hậu thế. Cho đến thời điểm hiện nay, Chiên Đàn là nơi có số lượng hiện vật điêu khắc bằng sa thạch nhiều nhất được biết đến trong các nhóm 3 tháp (gồm: Chiên Đàn, Khương Mỹ, Bằng An), phần lớn các tác phẩm điêu khắc ở đây có thể xếp vào phong cách Chánh Lộ, tuy vậy vẫn có những tác phẩm mang tính tiếp nối phong cách Trà Kiệu, và có những bức chạm thể hiện sự chuyển tiếp từ phong cách Chánh Lộ sang Tháp Mẫm. Được biết, mới đây, HĐND tỉnh Quảng Nam vừa ban hành Nghị quyết số 13 quy định cơ chế hỗ trợ đầu tư, tu bổ các di tích được xếp hạng trên địa bàn Quảng Nam giai đoạn 2022 - 2025. Tháp Chăm Chiên Đàn nằm trong 8 di tích tu bổ của hạng mục di tích quốc gia. Hy vọng, qua tình hình đó, di tích này sẽ có điều kiện bảo quản, và phát huy tốt hơn đáp ứng nhu cầu tham quan du lịch của khách trong và ngoài nước.

Trần Trung Sáng