Tháng Tám năm 1945 trên quê hương Tam Nghĩa

Thứ năm, 18/08/2016 10:00

(Cadn.com.vn) - Cụ Lê Hường quê thôn Tịch Tây, xã Tam Nghĩa, H.Phú Ninh (Quảng Nam) thoát ly hoạt động cách mạng và tập kết ra miền Bắc. Sau ngày thống nhất đất nước, cụ tiếp tục làm công tác xã hội tại tỉnh Bình Phước. Là người phụ trách Đoàn thanh niên khi chưa tròn 16 tuổi, cụ đã trực tiếp tham gia cướp chính quyền tại thôn Tịch Tây, xã Tam Nghĩa, H. Tam Kỳ (nay là H. Núi Thành) trong ngày 19-8-1945. Đến nay, do tuổi cao, sức yếu, không về thăm quê được, cụ viết thư thăm bà con và ghi lại kỷ niệm khó quên trong ngày Cách mạng tháng Tám tại quê nhà năm ấy.

Tôi còn nhớ, cách đây 71 năm, trong ngày lịch sử (19-8-1945), tại làng Tịch Tây, phủ Tam Kỳ, nay là thôn Tịch Tây, xã Tam Nghĩa thuộc huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, những tiếng trống khởi nghĩa vang lên thúc giục, báo hiệu cuộc cách mạng "long trời lở đất" đánh tan bọn phong kiến-cường hào-ác bá, giành chính quyền về tay nhân dân...

Sáng mùa thu hôm ấy, bầu trời trong xanh, không một áng mây. Bỗng có những hồi trống, rồi tiếng mõ, thanh la...từ phía đầu làng, tiếp theo là từng đoàn dân quân và cả nam, phụ, lão ấu...với những bước chân rầm rập như nước vỡ bờ, khiến những tên tay sai của bọn cường hào chế độ phong kiến phải tháo chạy! Từ mọi ngả đường trong các làng Tịch Tây đến làng An Thiện, Long Phú, An Tân, Long Bình...trong toàn Tổng Đức Hòa (xã Tam Nghĩa) lan rộng ra khắp các thôn, xã trong địa bàn toàn phủ Tam Kỳ.

Đoàn người thôn Tịch Tây do cụ Nguyễn Quý, cụ Nguyễn Cừu dẫn đầu; tại làng Long Phú do cụ Nguyễn Vỹ, cụ Nguyễn Nghệ; làng Long Bình có cụ Dương Tứ, Dương Loan...dẫn đầu đoàn biểu tình. Họ vừa đi, vừa hô vang khẩu hiệu: "Ủng hộ Việt Minh, Việt Minh quyết thắng"; "Đánh đổ đế quốc Pháp, tiêu diệt phát xít Nhật. Việt Nam độc lập muôn năm..."! Đoàn biểu tình hô vang khẩu hiệu, kéo biểu ngữ tiến chiếm các công sở của bọn hương-lý và quân đội Nhật. Riêng cụ Lê Bá, cụ Nguyễn Đình Lang, cụ Nguyễn Nhật Tấn, cụ Huỳnh Ái trực tiếp đến bắt tên Chánh tổng Đức Hòa. Đến trước cửa Chánh tổng, cụ Lê Bá nói như ra lệnh: "Tất cả chính quyền của các ông đã bị xóa bỏ, các ông muốn sống bình yên hãy mau trao ấn tín cho chúng tôi và thông báo cho hương, lý trong toàn tổng đứng về phía chúng tôi giành chính quyền về tay nhân dân, lật đổ bọn phong kiến thối nát, phát xít Nhật"! Vừa nói, cụ Lê Bá vừa lệnh cho Tổ dân quân và Đoàn thanh niên bắt hết những người trong Tổng giải về đình làng, đợi xử lý. Chỉ trong một ngày, Đoàn biểu tình thôn An Tân (nay là khối 4-5 thị trấn Núi Thành), tiến chiếm nhà ga An Tân, các thôn khác cũng đến trụ sở bọn hương lý thu hết tài liệu, ấn tín và hoàn thành cuộc biểu tình chỉ trong ngày 19-8, toàn bộ bọn quan lại không hề có một sự chống cự nào. Cuộc biểu tình đã giải thoát cho nhân dân, không còn cảnh đàn áp, thống trị của bọn thực dân đế quốc. 17 giờ cùng ngày lá cờ đỏ sao vàng đã phấp phới tung bay trên các đình làng, báo hiệu cuộc khởi nghĩa đã thắng lợi hoàn toàn. Các cơ quan của chánh, phó tổng đều răm rắp trao hết sổ sách, công quỹ, đồng triện và vũ khí cho đoàn quân cách mạng.

Sáng ngày 22-8-1945, xã Tam Nghĩa tuyên bố thành lập chính quyền cách mạng lâm thời, do cụ Nguyễn Tuyên làm Chủ tịch, cụ Nguyễn Huấn làm phó Chủ tịch kiêm Trưởng ban tự vệ cứu quốc xã. Cuộc cách mạng đã đi vào lịch sử, đến nay vẫn còn nguyên vẹn không khí khởi nghĩa tại quê mình tôi vẫn còn nhớ mãi...

Cách mạng Tháng Tám đã đem lại niềm hạnh phúc cho nhân dân đúng như sự khẳng định ngay trong ngày đầu khởi nghĩa: "Xóa bỏ chế độ phong kiến, xây dựng nền độc lập, tự do đem cơm no áo ấm cho nhân dân".

Nguyễn Huy Hoàng