Thăng trầm môn võ trống Bình Định
(Cadn.com.vn) - Từ xưa đến nay, võ thuật cổ truyền Bình Định vẫn được biết đến với 4 môn: Côn, Quyền, Kiếm, Cổ. Trong đó 3 môn: Côn, Quyền, Kiếm được lưu truyền, phát triển qua nhiều thế hệ. Vậy môn "Cổ" là gì, vì sao giờ đây không còn được thi đấu và rất ít người biết đến?
Tương truyền Côn, Quyền, Kiếm, Cổ đều là các môn võ thuật nổi tiếng xuất xứ từ Bình Định, được vua Tây Sơn - Nguyễn Huệ sử dụng trong huấn luyện binh sĩ, áp dụng trong chiến đấu, lập được nhiều chiến công vang dội. Trong đó "Cổ" nghĩa là "Trống", hiểu đơn giản là võ trống. Nhiều người cho rằng, môn võ trống chính là bài nhạc võ "Trống trận Quang Trung" vẫn đang được biểu diễn ở Nhà hát Tuồng Đào Tấn (Quy Nhơn, Bình Định) và Bảo tàng Quang Trung (Tây Sơn, Bình Định). Để tìm hiểu về vấn đề này, chúng tôi tìm đến Nghệ sĩ ưu tú Đào Duy Kiền, Nhà hát Tuồng Đào Tấn, người đã ký âm lại giai điệu của bài nhạc cổ "Trống trận Quang Trung" cho các nghệ sĩ của nhà hát tập luyện.
Ông Đào Duy Kiền cho biết, năm 1975, ông cùng Đoàn tuồng Liên khu 5 vào Bình Định, được trực tiếp nghe một nữ nghệ nhân trẻ thể hiện bài biểu diễn 12 trống của Tây Sơn. Tuy nhiên, từ trước đến giờ bài trống này chỉ được dạy theo phương thức truyền tay, chưa được ghi chép lại bằng nhạc lý. Ý thức phải gìn giữ nét đẹp văn hóa này nên ông đã ký âm lại bài trống, để truyền cho các thế hệ sau.
Nghệ sĩ ưu tú Đào Duy Kiền cho biết, tuy khác nhau về các sắp đoạn nhưng bài nhạc trống này chủ yếu là từ chất liệu bài nhạc "Chiến" và "Tẩu mã" của Tuồng biến hóa thành. Theo ông, đây thực chất là một bài nhạc lễ để kích thích tinh thần quân sĩ, hoặc biểu diễn mừng thắng lợi, chứ khó có thể gọi là một môn võ.
Nữ nghệ nhân năm xưa mà ông Kiền nhắc tới chính là bà Nguyễn Thị Thuận, sinh năm 1959, quê H. Tây Sơn. Bà Thuận hiện là nghệ nhân trống nổi tiếng của đoàn nghệ thuật Bảo tàng Quang Trung. Bà là truyền nhân của cụ Nguyễn Đào, người đánh 12 trống trong đội nhạc lễ đền thờ Tây Sơn xưa kia. Nghệ nhân Nguyễn Thị Thuận cho biết: Thời xa xưa, thầy dạy võ của ba anh em Quang Trung - Nguyễn Huệ là ông Đinh Văn Nhưng nổi tiếng tinh thông võ nghệ, thuần thục cả 4 bộ môn võ cổ truyền Bình Định, trong đó có võ trống. Hiện giờ, võ sư Đinh Văn Tuấn là truyền nhân nhiều đời của ông Đinh Văn Nhưng, có thể sẽ hiểu sâu hơn về môn võ kỳ bí này.
Biểu diễn nhạc võ Tây Sơn. |
Theo lời giới thiệu của bà Thuận, chúng tôi tìm gặp võ sư Đinh Văn Tuấn. Ông Tuấn năm nay đã 75 tuổi, sinh ra và lớn lên ở Tây Sơn, Bình Định. Ông luyện võ từ nhỏ và là một trong những võ sư nổi tiếng nhất của Bình Định còn sống. Ông nguyên là Phó Chủ tịch Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam. Bên bình trà, vị võ sư già kể cho chúng tôi về lịch sử môn võ trống, môn võ nổi tiếng qua nhiều thăng trầm lịch sử. Theo cuốn gia phả họ Đinh được lưu giữ tới ngày nay, ông Tuấn là cháu đời thứ 8 của võ sư Đinh Văn Nhưng, người thầy nổi tiếng của 3 anh em nhà Tây Sơn. Võ sư Đinh Văn Nhưng còn gọi là ông Chảng, vốn người ở Bằng Châu - Đập Đá (An Nhơn, Bình Định), có võ nghệ cao cường, khí phách ngang tàng, cương trực. Ngay từ thời ông Chảng, võ thuật Bình Định đã biết khai thác những vật dụng sinh hoạt trong đời sống làm võ khí, ứng dụng các sự vật, hiện tượng thiên nhiên vào việc sáng tạo ra những thế võ liên hoàn độc đáo và hiệu quả. Các thứ nông cụ quen thuộc như cào cỏ, cuốc, thuổng, xẻng, mỏ gãy, vồ vồ, đao, rựa... chính là những môn binh khí rất lợi hại mà ông đã truyền dạy cho các môn đệ. Môn luyện võ bằng trống cũng bắt nguồn từ đây.
Thời Tây Sơn, môn võ trống rất thịnh hành vì khi luyện trống, võ sinh có thể luyện được nhuần nhuyễn tứ pháp: Nhãn pháp, thân pháp, thủ pháp và bộ pháp. Nhãn pháp là dùng mắt tập trung quan sát các điểm đích, thân pháp là xoay người linh hoạt, thủ pháp là dùng tay đánh trúng đích, bộ pháp là di chuyển tới các vị trí thích hợp. Người dạy không cần phải nhìn trực tiếp mà chỉ cần nghe tiếng trống phát ra cũng có thể biết võ sinh của mình có luyện đúng bài hay không. Lúc mới luyện sẽ bắt đầu từ 3 trống, rồi tăng lên 6 trống, 9 trống, cứ thế tăng dần mỗi lần 3 trống, theo kỹ năng của người luyện tập.
Tuy nhiên, sau khi nhà Nguyễn lật đổ triều đại Tây Sơn, tất cả những gì liên quan đến triều đại này đều bị tận diệt. Dòng họ võ sư Đinh Văn Nhưng bị truy sát, phải rời bỏ nơi cư trú hoặc phải thay tên đổi họ, mai danh ẩn tích. Môn võ trống cũng không còn ai luyện tập.
Theo võ sư Đinh Văn Tuấn, từ đó môn luyện võ bằng trống không được lưu truyền rộng rãi trong dân gian, chỉ tồn tại qua những bậc tiền bối trong làng võ ở Bình Định. Hiện nay, đa số họ đã qua đời, chỉ còn duy nhất một truyền nhân là ông.
Là một võ sư nổi tiếng, với lượng đệ tử hùng hậu nhưng việc tìm người kế tục cho môn võ trống luôn là nỗi trăn trở của võ sư Đinh Văn Tuấn. Ông tâm sự: "Giờ đây các võ sinh chỉ muốn theo học các môn võ có thể thi đấu, đối kháng được như côn, quyền, kiếm. Chứ môn võ thiên về rèn luyện và biểu diễn như võ trống thì không được yêu thích. Đến giờ tôi vẫn chưa tìm được người thích hợp để truyền lại môn này". Hơn nữa, theo võ sư Tuấn, võ trống là môn rất khó luyện, đòi hỏi sự khổ luyện, phải có lòng kiên trì và sự khéo léo của nghệ thuật. Nhưng vị võ sư già vẫn tìm mọi cách để lưu giữ lại môn võ cổ truyền của dòng họ, hiện ông đã quay phim và lưu trữ lại các bài tập, đồng thời nghiên cứu ghi chép dưới dạng bài giảng, sách hướng dẫn. "Tôi luyện tập cả đời nhưng chỉ có thể điều khiển được 45 trống, mong rằng các thế hệ sau sẽ có người tập luyện và đánh được nhiều trống hơn" - ông Tuấn chia sẻ. Trước sự trăn trở, nguyện ước chưa thành ở lứa tuổi gần đất xa trời của vị võ sư già, chúng tôi tự hỏi: Ai sẽ là người đánh bài 45 trống Tây Sơn sau vị truyền nhân cuối cùng mất đi? Tỉnh Bình Định nên có những hành động thiết thực trong việc truyền giữ môn võ độc đáo của cha ông.
Quốc Dũng