Thăng trầm thành Điện Hải

Thứ bảy, 15/03/2014 12:09

(Cadn.com.vn) - Thông tin thành Điện Hải-một di sản cấp Quốc gia đang bị xâm hại khiến không ít người, nhất là những người làm văn hóa, xót xa cho một di tích có một không hai trên cả nước.

“Rất đau lòng"-ông Hà Phước Mai-Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng nhắc đi nhắc lại như thế khi nói về những gì đang diễn ra tại thành Điện Hải. Công trình tòa nhà Trung tâm hành chính thành phố thi công đường dẫn xung quanh, trong đó đoạn phía Tây của công trình đi sát vào chân thành. Là đơn vị đứng chân tại đây, không có chức năng quản lý nhưng khi thấy di tích thành Điện Hải bị xâm hại, Bảo tàng Đà Nẵng đã phải kêu cứu.  Không kêu cứu sao được, khi mà một di tích cấp Quốc gia có nguy cơ sạt lở và biến dạng.

"Trước đây, Sở Xây dựng còn đề xuất điều chỉnh một góc thành Điện Hải để mở đường dẫn cho tòa nhà Trung tâm hành chính thành phố. Chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần mới bỏ phương án đó. Người ta đề xuất phương án mà chẳng quan tâm gì đến di tích"-ông Mai nói. Chẳng phải đến bây giờ, mà từ nhiều năm qua di tích thành Điện Hải đã bị xâm hại và khuất lấp sau những ngôi nhà cao tầng, dân cư. Dáng uy nghi, vững chãi của một tòa thành từng là tiền đồn chống Pháp nay không còn nữa.

Thành Điện Hải thuở trước.

Lược sử ghi lại thành Điện Hải được xây dựng lần đầu tiên dưới thời Gia Long thứ 12 năm 1813, trước là đồn Điện Hải, gần cửa biển Đà Nẵng. Năm 1823 Minh Mạng thứ 4 cho dời đồn Điện Hải vào bên trong đất liền, trên một gò đất cao, được xây bằng gạch và đến năm 1835 Minh Mạng thứ 15, đồn được đổi tên là thành Điện Hải. Năm 1847 Thiệu Trị thứ 7, thành Điện Hải được mở rộng chu vi 556m, cao hơn 5m, chung quanh là hào sâu 3m. Thành có 2 cửa, một cửa mở về phía Nam, một cửa mở về phía Đông. Trong thành có hành cung, kỳ đài, các cơ sở chứa lương thực, đạn dược, thuốc súng và được trang bị 30 ụ súng đại bác cỡ lớn...

Chẳng phải ngẫu nhiên mà các vua triều Nguyễn lại chú tâm xây dựng thành Điện Hải với vị trí chiến lược trong việc phòng thủ đất nước. Trước mưu đồ thôn tính của thực dân Tây phương, các triều vua Nguyễn đã xây dựng và củng cố thành trở thành pháo đài, một công trình quân sự vững chắc, chính yếu nhất của triều đình nhà Nguyễn nhằm bảo vệ cửa biển Đà Nẵng, phên giậu từ xa cho kinh thành Huế. Vì thế mà vào năm 1858, khi liên quân Pháp-Tây Ban Nha lần đầu tiên nổ súng xâm chiếm Việt Nam, thành Điện Hải trở thành tiền đồn ngăn bước chân giặc. Vẫn đứng vững trước súng thép, đạn đồng và kìm chân tên thực dân đầu tiên muốn "đánh nhanh, thắng nhanh" để tiến thẳng ra kinh thành Huế.

Đây chắc hẳn là ký ức đau buồn nhất của đội quân thực dân viễn chinh Pháp khi đụng đến Việt Nam. Do vậy, khi hoàn thành việc chiếm nước ta thành thuộc địa năm 1885, Toàn quyền Đông Dương Richaud đã ép buộc vua Đồng Khánh ký đạo dụ thành lập thành phố Đà Nẵng thành nhượng địa vào ngày 30-11-1888. Và từ trước đó, để xóa đi phần nào di tích khó chịu này, người Pháp đã có kế hoạch chuyển đổi. Di tích thành Điện Hải cũng thăng trầm từ dạo đó.

Người Pháp biến nơi đây thành bệnh viện, trong những bản vẽ còn lưu lại cho đến ngày nay, thể hiện rõ điều này. Rồi đến sau Hiệp định Genève năm 1954, đất nước chia đôi từ vĩ tuyến 17, các trường học của người Pháp ở Hà Nội, Hải Phòng chuyển vào Đà Nẵng, họ lấy khu bệnh viện này làm trường học mang tên: Trường Trung học Blaise Pascal. Thời vua Bảo Đại chuyển sang dạy tiếng Việt và mang tên Nguyễn Hiền. Đến năm 1974, chính quyền Sài Gòn cho thành lập trường Đại học Cộng đồng Quảng Đà trên khu đất này.

Sau giải phóng 1975, thành Điện Hải được xưởng dược và Bệnh viện Da liễu Quảng - Đà tiếp quản, năm 1976 lại bàn giao cho Xí nghiệp dược phẩm Quảng Nam-Đà Nẵng... Kể như vậy để thấy rằng, trong suốt nhiều năm thành Điện Hải chẳng được quan tâm, các công trình kiến trúc vì thế mà bị xuống cấp, những hành cung và kỳ đài cũng biến mất theo thời gian. Cho mãi đến năm 2004, UBND TP Đà Nẵng quyết định di dời Xí nghiệp Dược và xây dựng Bảo tàng Lịch sử Đà Nẵng trong khuôn viên thành Điện Hải. Và thành Điện Hải được Bộ Văn hóa xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia ngày 16-11-1988, đúng 100 năm sau ngày Đà Nẵng trở thành nhượng địa của thực dân Pháp...

Việc thi công đường dẫn công trình tòa nhà Trung tâm hành chính thành phố,
khiến tường thành Điện Hải có nguy cơ sạt lở.

Nhiều năm qua, với chương trình mục tiêu chống xuống cấp di tích, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch cùng chính quyền thành phố Đà Nẵng đã đầu tư gần 5 tỷ đồng trùng tu, tôn tạo thành Điện Hải. Nhưng rồi với sự phát triển của đô thị khiến thành khuất lấp dần giữa bốn bề dân cư và cao ốc. Sự việc đường dẫn công trình tòa nhà Trung tâm hành chính thành phố xâm lấn vào thành Điện Hải một lần nữa lại gióng lên hồi chuông cảnh báo cho di tích này.

Việc Ban quản lý dự án công trình tạm dừng việc xây dựng hạng mục này là điều đúng đắn nhưng đã muộn. Nếu quan tâm và có tấm lòng với di tích thì người ta đã không đề xuất thực hiện hạng mục lấn vào thành Điện Hải như vậy. Một nhà nghiên cứu nói: "Thành Điện Hải không chỉ là một tòa thành, nó là nơi ghi dấu những chiến công và xương máu của ông cha ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Tòa thành duy nhất còn lại trong cả nước là nhân chứng cho buổi đầu chống Pháp của dân tộc Việt Nam".

Thành Điện Hải có ý nghĩa như thế!

Hoàng Anh

Ngày 14-3, Sở VH-TT&DL thành phố tổ chức tọa đàm lấy ý kiến các cơ quan chức năng, các nhà nghiên cứu về việc xây dựng Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng. Ông Trần Quang Thanh-Phó Giám đốc Thường trực Sở VH-TT&DL cho biết, theo Quyết định số 8941/UBND ngày 28-10-2008 của UBND thành phố, Bảo tàng Mỹ thuật quy định xây dựng từ năm 2008 đến 2012 tại số 78-Lê Duẩn sau khi Bảo tàng Lịch sử chuyển về Thành Điện Hải (24-Trần Phú). Trên cơ sở đó, Sở đã xây dựng Đề án thành lập Bảo tàng Mỹ thuật. Tuy nhiên, sau đó UBND TP kết luận việc thành lập Bảo tàng Mỹ thuật vào thời điểm đó là chưa phù hợp nên Đề án này phải dừng lại một thời gian. Đến nay, khi Bảo tàng Đà Nẵng hoạt động ổn định và có xu hướng phát triển tốt, Sở đã thành lập tổ công tác xúc tiến xây dựng Đề án Bảo tàng Mỹ thuật.

Công Khanh