Tháng Tư ở Côn Đảo

Thứ năm, 30/04/2015 08:19

(Cadn.com.vn) - Bốn mươi năm qua, Côn Đảo gồm 16 hòn lớn nhỏ, có những cái tên mộc mạc như Côn Lôn Lớn, Hòn Bà, Hòn Vung, Hòn Cau, Hòn Trọc, Hòn Tre, Hòn Trứng... với tổng diện tích 76,71 kilomet vuông như là một phần quê hương của tôi với bao kỷ niệm không thể không trở về.

Bình yên Côn Đảo.

1. Kỷ niệm sâu đậm nhất với anh chị em tù chính trị Côn Đảo là những ngày đầu tháng 5-1975. Tôi là một trong vài phóng viên có mặt tại Côn Đảo lúc ấy với nhiệm vụ được Tổng biên tập Báo Giải Phóng thuộc Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam giao viết phóng sự tù chính trị tự giải thoát và tìm người cai ngục tên Thượng, là cơ sở cách mạng, từng giúp đỡ ông trong những năm cuối thập niên 1950 khi ông bị tù tại đây. Do phải tìm tài liệu cho phóng sự mười mấy kỳ báo mà tôi biết được kế hoạch tiêu diệt tù cộng sản của đối phương (qua băng ghi âm và tài liệu tại dinh đảo trưởng - nơi làm việc của 53 đời chúa đảo), khi thấy nguy cơ mất Sài Gòn...

Chiều 21-4-1975, khi biết Xuân Lộc - phòng tuyến cuối cùng bảo vệ Sài Gòn đã mất, Trung tá Lâm Hữu Phương-Tỉnh trưởng, Giám đốc Trại giam Côn Đảo triệu tập cuộc họp mật phổ biến phương án thủ tiêu chính trị phạm (xin tóm lược từ băng ghi âm): "...Có ba trường hợp. Một, nếu tù cộng sản nổi loạn thì lực lượng canh phòng giữ chặt các cửa thành, cửa trại, thả tụi thường phạm, quân phạm với trang bị mạnh vào dẹp loạn. Hai, nếu cộng quân oanh kích bằng phi pháo hỗ trợ tù phá khám thì mỗi xà lim cho nổ hai trái lựu đạn, mỗi phòng giam cho bấm tám trái mìn định hướng Claymore. Nếu mìn chưa quét hết tụi nó thì cho tiếp lựu đạn.

Công việc này giao cho bảo an. Ba, nếu có thương thuyết trao trả tù thì trộn loại thuốc độc cực mạnh vào cơm, như các chiến hữu đã biết, trong vài phút, non nửa vạn tù cộng sản chẳng còn tên nào. Việt cộng có tố cáo, yêu sách thì chuyện đã rồi. Công việc này bên an ninh và cảnh sát kết hợp thực thi. Cả ba cách xử lý đó thượng cấp và tôi sẽ cho thời gian cụ thể sau". Nhưng chẳng có "thời gian cụ thể" nào, bởi chúa đảo Phương và những sĩ quan dưới quyền đã bỏ chạy trước khi 5 cánh quân cách mạng tiến vào Sài Gòn, dù lúc đó, bộ máy cai quản tù nhân ở Côn Đảo có đến 1.811 người cùng 127 phòng giam, 20 hầm đá, 44 xà lim, 504 phòng biệt giam (thường gọi là "chuồng cọp") cùng 18 sở lao động khổ sai.

Cũng thời gian này, nhà tù Côn Đảo có 7.448 tù nhân, trong đó có 4.334 tù chính trị (494 phụ nữ), còn lại là thường phạm, quân phạm. Trong số tù chính trị có 2.448 người bị biệt giam. Dù cai ngục bưng bít cách mấy, tin quân ta giải phóng hết tỉnh này đến tỉnh khác vẫn lọt vào trại giam. Các xà lim cấm cố, tử hình đánh tín hiệu báo tin cho nhau những tin ấy để chuẩn bị đối phó một khi địch đàn áp (tù chính trị ở Côn Đảo có sáng kiến truyền tin bằng cách gõ lên tường như là một loại morse theo 25 chữ cái xếp đặt thành 5 hàng ngang và 5 hàng dọc). Tại khu F trại 7, tối 30-4, "Tổ Trung tâm" (bí danh của tổ chức Đảng trong nhà tù Côn Đảo) biết được tin giải phóng Sài Gòn, từ đó, tin này truyền đến các trại 2, 3, 8. Sau khi trại 7 mở được cửa, anh em tù đã chạy đến trại 6 (toàn phụ nữ) và các nơi giam tử tù, phá cửa, mở xiềng cho đồng đội. Riêng trại 1, 4, 5 vẫn không hay tin miền Nam giải phóng, rạng sáng 1-5, được anh em các trại khác đến giải cứu. Một giờ sáng 1-5, Đảng ủy lâm thời Côn Đảo thành lập sau khi tập hợp được những đảng viên ưu tú nhất bị giam ở các trại, do đồng chí Trịnh Văn Tự  làm bí thư, phó bí thư là đồng chí Trần Trọng Tân (sau này cả hai là ủy viên Trung ương Đảng), lập tức đề ra những việc gấp rút như chiếm ngay kho súng, kho gạo, kho thuốc men, thành lập các đơn vị vũ trang, tổ chức quản lý chặt thường phạm, quân phạm, thành lập chính quyền cách mạng, thành lập ủy ban hòa giải dân tộc.

9 giờ ngày 1-5-1975, sau khi tù chính trị chiếm đài vô tuyến viễn thông trên núi Chúa, Đảng ủy Côn Đảo liên tục phát về Sài Gòn bức điện: "Anh chị em tù chính trị đã thiết lập chính quyền cách mạng ở Côn Đảo từ ngày 1 tháng 5. Yêu cầu được chỉ đạo của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam", nhưng mãi đến tối mới có tin đất liền muốn nói chuyện với đồng chí Trần Trọng Tân. Đầu máy trong kia là đồng chí Vũ Hồng (từng là bạn tù của Trần Trọng Tân), phụ trách công vận Sài Gòn. Vũ Hồng nói ngắn gọn là đã nhận được điện của Đảng ủy Côn Đảo, đã báo cáo với Trung ương Cục Miền Nam.

Tối 2-5, L19 liệng trên đảo, Đảng ủy nhận định không loại trừ đó là máy bay trinh sát của Mỹ, và lên phương án chiến đấu bảo vệ đảo. Đêm 3-5, Ban chỉ huy Quân sự Côn Đảo (do Đảng ủy lâm thời lập nên) báo cáo bắt được ba người nhái. Thì ra đó là ba đặc công thủy bơi từ tàu hải quân vào trinh sát. Như vậy, tin tù chính trị đã tự giải phóng Côn Đảo chưa đến được Hà Nội, vì thế, đêm 1-5, Đại tướng Võ Nguyên Giáp lệnh cho Bộ tư lệnh Hải quân tổ chức giải phóng Côn Đảo, vì thế mới có L19 (máy bay trinh sát thu được khi giải phóng Đà Nẵng) lượn trên Côn Đảo. Khi xác minh Côn Đảo đã được tù chính trị giải phóng, Ban chỉ huy Giải phóng Côn Đảo chuyển sang làm nhiệm vụ quân quản. 5 giờ chiều ngày 4-5-1975, đoàn cựu tù chính trị đầu tiên được đưa về đất liền.

Như vậy, sau 113 năm (1862-1975) bị biến thành "địa ngục trần gian", hết Pháp đến Mỹ và chính quyền bản địa do họ lập nên để đày đọa, giết hại hàng chục vạn người Việt Nam yêu nước, Côn Đảo lại là quần đảo yên bình và rộn ràng dựng xây...

2. Hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao thì tôi bị kẹt lại Côn Đảo do tất cả cựu tù chính trị đã được chuyển về đất liền, không còn tàu để quá giang. Tôi được Ban Quân quản Côn Đảo bố trí chỗ ăn nghỉ, nhưng ân tình nhất vẫn là hai cha con ông Thượng. Con gái ông Thượng trước khi thi tú tài 2, ra thăm cha, cũng bị kẹt lại đảo như tôi. Hai chúng tôi đã có những ngày lang thang khắp Côn Lôn Lớn bằng xe Honda 67, đã có những hoàng hôn thơ thẩn trên những con đường rợp bóng cây bàng cổ thụ, những bình minh tắm biển nơi bãi Đá Trắng, bãi Suối Nóng chỉ có biển, rừng, em và tôi... Những ngày gần gũi ấy, ông Thượng muốn cô con gái 18 tuổi xinh đẹp và tôi trở nên vợ chồng. Cũng nhờ kẹt lại đảo gần tháng trời mà tôi lần theo truyền thuyết ra Hòn Bà, tìm hang đá nơi Nguyễn Ánh giam Nguyễn Thị Răm (Phi Yến) vì tội khuyên chồng không được rước Tây vào đánh Nguyễn Huệ bởi người Tây đang có âm mưu chiếm đoạt Đại Việt. Phi Yến sống được nhờ một bầy khỉ ngày ngày mang trái cây rừng về nuôi, sau đó dân đảo hay tin, đưa về làng An Hải bên Côn Lôn Lớn, bà mất do tự vẫn và miếu thờ bà ở làng An Hải nay là một nơi linh thiêng, chỉ sau mộ Võ Thị Sáu, theo niềm tin của rất nhiều người.

Tôi cũng lần theo truyền thuyết tìm đến làng Cỏ Ống, nơi có Miếu Cậu thờ ấu chúa Nguyễn Hội An (hoàng tử Cải) vì quyết theo mẹ Răm mà bị Nguyễn Ánh ném xuống biển khi vội vàng dong buồm chạy về đảo Phú Quốc để tránh bị quân Tây Sơn tiêu diệt. Tôi còn tìm hiểu, ghi chép bao truyền thuyết, huyền thoại, tuy không có giá trị về sử liệu nhưng là những câu chuyện lý thú về con người và văn hóa Côn Đảo.

3. Tôi cố ý chọn những ngày tháng Tư ra Côn Đảo  để sống lại không khí của 40 năm về trước. Côn Đảo không còn đặc khu mà là một huyện của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (cách 97 hải lý), huyện duy nhất trong nước không có cấp xã. Tháng 4-1979, nhà tù Côn Đảo được Nhà nước công nhận là Khu Di tích lịch sử và tháng 5-2012, được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt, trong đó có khu giam giữ, đày đọa tù nhân 151,334 hecta và nghĩa trang Hàng Dương gần 20 hecta, nơi vùi thây hàng vạn người tù suốt hơn thế kỷ.

Côn Đảo có dân sinh sống từ đầu thế kỷ XVII, nhưng đến năm 1936, thực dân Pháp đuổi hết về đất liền để không còn là chỗ dựa cho tù chính trị vượt ngục, mãi đến năm 1976, mới lác đác có người định cư trở lại. Bây giờ Côn Đảo có 7.000 dân, kể cả công chức và lực lượng bảo vệ đảo, với đủ giọng Bắc - Trung - Nam, có cả những phương ngữ mà muốn nghe hiểu thì phải dịch!

Dễ thấy nhất là sự đổi mới của thị trấn Côn Đảo với hệ thống đường sá, phố thị được xây dựng theo quy hoạch phát triển lâu dài và những khu resort, khách sạn phục vụ du lịch đã bùng nổ lượng khách trong vài năm trở lại đây. Với 25 bãi tắm trắng phau cát mịn, hoang sơ, sạch sẽ, với gần 90% diện tích đảo là rừng núi nguyên sinh với  1.077 loài thực vật (11 loài đặc hữu), 150 loài động vật (4 loài đặc hữu) cùng những di tích lịch sử đặc biệt, Côn Đảo là một sản phẩm du lịch đặc sắc nhất Việt Nam. Lại mong tháng Tư năm sau để tôi lại cùng em lang thang Hòn Bà, bãi Suối Nóng...

Phương Hà