Thanh âm ngày đông
Mùa đông năm nay thật lạ, bởi cái rét chưa đủ đậm đà, tê tái mà con phố nhỏ đã co ro. Không nhiều tiếng ồn ào xì xào của khách du lịch hay cảnh tất bật buôn bán như mọi năm. Em bé bán đậu rang, người đàn bà bán trứng vịt lộn, anh chàng bán bánh mỳ nóng,... bóng dáng họ dưới đèn đường mờ mờ càng trở nên hắt hiu…Mùa đông, nhiều người trong chúng ta có một gia đình ấm cúng, sống trong an lành và hạnh phúc, khi gió mùa về rủng rỉnh chiếc áo ấm đầy màu sắc; tối ngủ, được bao bọc bởi tấm chăn dày. Có hiểu, bên kia cánh cửa vẫn còn những cảnh đời khó khăn. Những cuộc đời, số phận với bao nỗi nhọc nhằn, cơ cực không thể gọi thành tên đang vật lộn trong cái lạnh để mưu sinh. Dịch bệnh rồi bão lụt liên tiếp, tại thành phố du lịch quê tôi, nhiều gia đình lao động rơi vào cuộc sống thiếu thốn; tiếng rao vì thế mà trở thành âm thanh quen thuộc, cần mẫn vang lên khắp mọi nẻo phố.
Lời rao mời ngày mùa đông cất lên với giọng điệu riêng. Đó là tiếng rao của người phụ nữ dáng liêu xiêu vọng vào từng ô cửa giữa đêm khuya. Là tiếng rao khàn đục của người đàn ông vọng vào hẻm nhỏ khô khốc… Đôi khi, tiếng rao đơn giản chỉ là tiếng gõ lóc cóc quen thuộc của anh chàng bán hủ tiếu đi qua khắp ngả phố vắng bóng người. Thiệt thương! Mỗi tiếng rao là một mảnh đời khác nhau, câu chữ, âm điệu cũng không giống nhau. Có khi vui, có khi buồn nhưng cùng chung một điểm, tất cả đều không còn trầm ấm như mọi khi, cứ cố biến âm vọng lên thật cao, thật to nhưng vẫn bị "nhấn chìm" bởi cái lạnh và tiếng gió thông thốc khiến lòng người không khỏi thổn thức. Có những hôm, tôi mở cửa, chạy vội ra, tiếng rao giật mình ngắt quãng bởi cố cười chào mời khách. Chỉ có thể giúp chừng vài chục ngàn, nhưng tôi biết lòng người bán hàng đang ấm lại.
Khác với nhiều nơi, khu phố quê tôi ngày càng mở rộng, nhưng tiếng rao không "hiện đại hóa" như nơi khác vì người quê tôi không muốn "khuếch đại" âm thanh. Tiếng người rao mộc mạc, thân thương vẫn đủ sức cất lên bằng lời mời chân thật như muốn gửi cả tâm trạng và tâm hồn mình vào đấy nên không cần phải mượn tiếng loa vừa to, vừa vang xa. Cùng với tiếng rao là hình ảnh các bà, các chị với những chiếc xe đạp tròng trành, chở theo kềnh càng món ăn, thức uống rong ruổi khắp nơi. Những chiếc xe đạp ấy thường đi rất chậm và dẫu đã qua rồi nhưng vẫn chờ đợi một tiếng gọi sau lưng "ơi bánh ơi, đậu rang ơi…". Riêng với tiếng rao trong trẻo "Ai bánh mì nóng, bánh xoài không", chỉ cần nghe câu đó thôi là trong tôi lại mường tượng nguyên vẹn hình ảnh cậu bé, cô bé đang đội thúng bánh nặng trên đầu, được bao bọc cho nóng bởi chiếc bao ni-lông.
Tiếng rao giữa phố mùa đông năm nay sao rất đỗi mong manh. Chợt nhớ một lời nhạc của nhạc sĩ Võ Thiện Thanh, thấy thật thấm tình: "Có tiếng rao nghe sao lạc lõng giữa phố chiều lao xao. Có tiếng rao ngơ ngác xanh xao khuất sau hàng phố cao cao…". Với ai đó, giờ đang bận rộn lao xao trên mạng, để tâm chi tiếng rao giữa phố phường. Nhưng với tôi, tiếng rao không đơn thuần là lời thông báo, lời chào hàng nữa mà chính là thanh âm mùa đông, thấm ướt cả tâm hồn một nỗi cảm thương. Thương những đôi chân, bàn tay lạnh giá, gương mặt lấm lem,... đêm đêm mong tìm một cuộc sống ấm êm hơn từ củ khoai, ổ bánh mì, chiếc bánh nhỏ... Họ chính là những đóa hoa nở lặng lẽ làm nên hương thơm, thắp lửa sưởi ấm cả mùa đông, để tôi biết gạt đi những toan tính, bon chen đời thường và càng thêm thương hơn những mảnh đời mưu sinh trên phố thị.
Phan Thị Thanh Ly
Khắc khoải tiếng rao đêm. (Ảnh minh họa)