Thanh Chiêm - nơi khởi nguồn chữ Quốc ngữ
(Cadn.com.vn) - Lâu nay, nhiều người tin rằng giáo sĩ Alandre de Rhodes là người sáng tạo ra chữ Quốc ngữ, khi vào năm 1651 ông đã phát hành cuốn sách Việt-Bồ-La. Tuy nhiên, tại Hội thảo khoa học “Dinh trấn Thanh Chiêm và chữ Quốc ngữ”được tỉnh Quảng Nam tổ chức ngày 24-8, các nhà khoa học đã bác bỏ điều này.
Bia dinh trấn Thanh Chiêm được người dân xã Điện Phương góp tiền xây dựng |
AI SÁNG TẠO CHỮ QUỐC NGỮ?
Tại hội thảo, các nhà khoa học đều thống nhất rằng, chính Francisco de Pina–giáo sĩ người Bồ Đào Nha là người tiên phong sáng tạo ra chữ Quốc ngữ. Dẫn những cứ liệu lịch sử, bà Châu Yến Loan–Viện nghiên cứu Đông Nam Á cho biết, Francisco de Pina đến Đà Nẵng năm 1617, sau đó vào Hội An ở tại nhà các giáo dân Nhật Bản để truyền đạo. “Giống như nhiều giáo sĩ phương Tây khác khi đến Việt Nam, Pina gặp nhiều khó khăn do bất đồng ngôn ngữ với người bản địa khi truyền đạo. Ông ấy nhận xét “ngôn ngữ của người Đàng Trong có thanh điệu như một bản xướng âm, cần phải xướng âm trước đã, sau đó mới học các chữ. Vì thế Pina tự nguyện lao vào nghiên cứu, phiên âm tiếng Việt bằng mẫu tự Latinh và soạn thảo ngữ pháp, đặt nền tảng đầu tiên cho chữ Quốc ngữ”–bà Loan nói. Chính Alandre de Rhodes trong sách từ điển Việt –Bồ -La cũng khẳng định: “Trong công việc này, ngoài những điều tôi đã học được nhờ chính người bản xứ trong suốt 20 năm thì ngay từ đầu tôi đã học với cha Francisco de Pina người Bồ Đào Nha, là người dạy tiếng, người thứ nhất trong chúng tôi am tường tiếng này (tiếng Việt) và cũng là người thứ nhất bắt đầu giảng thuyết bằng phương ngữ đó mà không dùng thông ngôn”. Pina là nhà khoa học học tiếng Việt theo phương pháp khoa học, nghiên cứu ngữ âm, ngữ pháp tiếng bản xứ, hiểu được các ngõ ngách của nó nên không chỉ nắm bắt được cách phát âm, cách dùng từ mà ông còn sáng tạo ra cách ghi âm tiếng Việt. Nhờ vậy Pina có thể truyền giáo không cần người thông dịch, trong khi những nhà truyền giáo đến Việt Nam trước ông không làm được. “Pina từ chỗ đem nhiệt tâm phụng sự Chúa Kitô đã trở thành cha đẻ chữ Quốc ngữ, thứ chữ mà ông khiêm tốn xem là như một công cụ, một phương tiện mầu nhiệm để chinh phục người bản xứ, đưa họ đến với đạo. Ông không biết rằng sáng tạo ấy đã trở thành văn tự chính của một quốc gia, trở thành công cụ tuyệt hảo cho dân tộc Việt Nam phát triển và hội nhập quốc tế”–bà Châu Yến Loan nhận xét. Đến năm 1625, Pina được cử làm cha bề trên tại Thanh Chiêm, tuy nhiên đến tháng 12-1625 ông đã qua đời trong một tai nạn biển, mà theo Roland Jacquec xảy ra ở vịnh Đà Nẵng, còn Alandre de Rhodes ghi là ở ngoài khơi cửa biển Hội An.
Nhà nghiên cứu Trương Duy Hy trình bày tham luận tại hội thảo. |
Nhà sử học Dương Trung Quốc phát biểu tại hội thảo. |
VAI TRÒ THANH CHIÊM
Nếu Pina là người sáng tạo chữ Quốc ngữ thì có phải Quảng Nam là nơi đầu tiên trên cả nước Việt Nam được phổ biến chữ Quốc ngữ? Sử cũ chép lại, sau khi đến Hội An, năm 1618, do bị thiên tai hạn hán nên chúa Nguyễn đổ tội cho các giáo sĩ Dòng Tên và trục xuất họ nên Pina được quan trấn thủ Quy Nhơn là Trần Đức Hòa đón vào Nước Mặn (Bình Định) và tại đây, Pina cũng nghiên cứu ký âm tiếng Việt nhưng chẳng được bao lâu thì ông trở lại Hội An, sau đó đến Thanh Chiêm. Tại sao Pina lại chọn Thanh Chiêm? Ông Bùi Văn Tiếng – Chủ tịch Hội khoa học lịch sử thành phố Đà Nẵng cho biết, Dinh trấn Thanh Chiêm là trung tâm quyền lực chính trị của Quảng Nam và xứ Đàng Trong. Năm 1604, chúa Tiên Nguyễn Hoàng cho lập phủ Điện Bàn và cũng trong năm 1604 chúa Tiên cho xây dựng thủ phủ Quảng Nam mới–dinh trấn Quảng Nam ở Thanh Chiêm, bên bờ bắc sông Thu Bồn (thuộc xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam hiện nay). “Sở dĩ Pina chọn Thanh Chiêm–chứ không phải Hội An là vì môi trường giao lưu văn hóa đa ngôn ngữ như Hội An không thật phù hợp với yêu cầu Latinh hóa tiếng Việt so với môi trường ngôn ngữ thuần chất ở Thanh Chiêm. Ngoài ra, Pina còn phải thực hiện một nhiệm vụ quan trọng là xây dựng cư sở Thanh Chiêm năm 1623 và trực tiếp phụ trách cư sở này”–ông Tiếng cho biết. Ông Trương Duy Hy, cũng cho rằng chính Thanh Chiêm là cái nôi ra đời của chữ Quốc ngữ. Ông Hy nói: “Tuy Pina đặt chân đến Quảng Nam năm 1617, nhưng đến năm 1623 mới ổn định làm việc ở Thanh Chiêm. Và chính thời điểm này, ông mới có đủ điều kiện thời gian hệ thống hóa, biên soạn lại những gì đã thu thập trước đó để sáng tạo ra chữ Quốc ngữ. Và cũng chính tại Thanh Chiêm, Pina đã viết thư gửi cha bề trên ở Ma Cao báo cáo việc biên soạn được một chuyên luận về từ vựng, các thanh của ngôn ngữ tiếng Việt. Như vậy là quá rõ để ta tôn vinh cái nôi khai sinh chữ Quốc ngữ là thủ phủ Thanh Chiêm, tôn vinh vị thủy tổ chữ Quốc ngữ là Pina”. Còn nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng chữ Quốc ngữ là cả một tiến trình rất dài, có sự đóng góp của nhiều người. Bởi Pina cho rằng đã nhận được sự giúp đỡ của nhiều người bản xứ và sau này nhiều người nữa cũng đã đóng góp cải thiện, để chữ Quốc ngữ hoàn thiện. “Bây giờ chúng ta chưa thể khẳng định ở Thanh Chiêm hay Nước Mặn là nơi đầu tiên phổ biến chữ Quốc ngữ nhưng có thể quả quyết rằng, chữ Quốc ngữ như một dòng sông, được hội tụ từ nhiều nguồn suối khác nhau, được đóng góp và hoàn thiện bởi nhiều người. Vì vậy chữ Quốc ngữ là sản phẩm của người Việt Nam”– ông Quốc nói.
Hoàng Anh