Thành hay bại?
(Cadn.com.vn) - Saudi Arabia đã vượt mặt Ấn Độ trở thành quốc gia nhập khẩu thiết bị quân sự số 1 thế giới năm 2014 khi những lo ngại về tham vọng hạt nhân của Iran làm gia tăng căng thẳng ở Trung Đông.
AP dẫn báo cáo của tạp chí quốc phòng HIS Jane's cho biết, Saudi Arabia tăng 54% nhập khẩu số lượng trang thiết bị quân sự trị giá 6,5 tỷ USD, trong khi Ấn Độ chỉ ở mức 5,8 tỷ USD, và chính thức trở thành thị trường quan trọng nhất của Mỹ. HIS Jane's cũng dự đoán, Saudi Arabia sẽ tăng 52% nhập khẩu lên đến con số 9,8 tỷ USD trong năm nay.
Đây chắc chắn là điều chưa từng có và chưa ai ngờ đến trong lịch sử ngành buôn bán vũ khí toàn cầu. Nhưng ai cũng hiểu nguyên nhân dẫn đến nhu cầu tăng cao của Saudi Arabia là do tình trạng bất ổn ở các nước xung quanh như Syria, Iraq và Yemen và quan trọng là tham vọng hạt nhân của Iran. Giới phân tích quân sự cho rằng, Saudi Arabia đang xây dựng kho vũ khí trong bối cảnh lo ngại về sự thay đổi địa chính trị ở Trung Đông khi Mỹ đang tìm kiếm sự giúp đỡ trong cuộc chiến chống nhóm Hồi giáo cực đoan IS.
Các nhà đàm phán đang tiến gần đến thỏa thuận kiềm chế tham vọng hạt nhân của Iran và dần dần dỡ bỏ xử phạt đối với nước này, trong đó sẽ tạo ra những cơ hội mới để phát triển kinh tế và đe dọa mối quan hệ lâu đời Saudi Arabia với Mỹ. Nhưng hiện tại, bên hưởng lợi lớn nhất của thị trường phát triển ở Trung Đông là Mỹ, với 8,4 tỷ USD lô hàng vũ khí cho khu vực này trong năm ngoái, tăng từ 6 tỷ USD trong năm 2013.
Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) nhập khẩu tổng cộng 8,7 tỷ USD các hệ thống phòng thủ vào năm ngoái, "nhiều hơn tất cả các nước Tây Âu". Tăng cường mua vũ khí có thể là cách để chính phủ Saudi Arabia nhắc nhở người Mỹ về tầm quan trọng của họ như là một đồng minh quan trọng. Boeing, Lockheed Martin và Raytheon, các Cty vũ khí đều có trụ sở Mỹ, là 3 nhà xuất khẩu vũ khí lớn nhất.
Đây cũng có thể là cách để kiềm chế tham vọng hạt nhân của Iran. Saudi Arabia cũng đang lo lắng về sự gia tăng của lực lượng IS và đang hợp tác với liên minh chống nhóm cực đoan này do Mỹ dẫn đầu. "Từ quan điểm an ninh mục tiêu, Saudi Arabia nên hợp tác với Iran để ngăn chặn và đẩy lùi IS ở Iraq. Nhưng Saudi Arabia có sự khác biệt về ý thức hệ và địa chính trị sâu sắc với quốc gia Hồi giáo.
Một thỏa thuận về chương trình hạt nhân của Iran có thể đẩy các cuộc xung đột sắc tộc lâu đời giữa Saudi Arabia, nơi người Sunni chiếm ưu thế, và phần lớn người Shiite ở Iran.
Thanh Văn