Thanh Khê hướng đến mục tiêu “Đô thị giảm nhựa” và bền vững về môi trường

Thứ sáu, 14/10/2022 16:23
Là một trong những địa phương tiên phong xây dựng và triển khai Đề án Quận môi trường của TP Đà Nẵng, thời gian qua, Q.Thanh Khê đã xây dựng nhiều mô hình thiết thực, hiệu quả, hướng đến mục tiêu “Đô thị giảm nhựa” và bền vững về môi trường.
Du khách nước ngoài và người dân Q.Thanh Khê thu gom rác thải nhựa ven biển đường Nguyễn Tất Thành.
Nhân dân P.Thanh Khê Tây thu gom, phân loại rác thải nhựa tại nguồn.

Cuối tháng 9 vừa qua, bà Ann Maxine Wallace - Giám đốc Phòng Biến đổi khí hậu, năng lượng và Môi trường USAID Việt Nam đã đến giao lưu, gặp gỡ với cộng đồng dân cư tại khu dân cư (KDC) số 7 Xuân Hòa A, P.Hòa Khê, Q. Thanh Khê. Đây là KDC nằm trong hợp phần “KDC bền vững về môi trường” thuộc Dự án “Chung tay hành động bảo vệ nguồn nước” do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ - USAID tài trợ.

Ông Trần Viết Trí - Chủ tịch UBND P.Hòa Khê cho biết, trong kế hoạch chung của TP Đà Nẵng, Q.Thanh Khê đã chọn KDC số 2 P.Thanh Khê Tây và KDC số 7 Xuân Hòa A, P.Hòa Khê tham gia hoạt động Dự án này từ năm 2021 đến nay. Hiện KDC số 7 đã có hơn 100 hộ gia đình thực hành phân loại rác thải tài nguyên, xử lý rác hữu cơ làm phân vi sinh và nước tẩy rửa; giảm thiểu rác thải nhựa thông qua các sáng kiến. KCD này cũng đã thực hành tiết kiệm nước, sử dụng nước hợp lý tại các hộ gia đình, đồng thời duy trì hiệu quả “Ngày Chủ nhật xanh”, tổ chức bảo vệ nguồn nước của KDC tại hồ Xuân Hòa A. Từng là nơi tập kết rác của các hộ dân, hiện giờ nơi đây trở thành khu vui chơi, giải trí với một không gian xanh ven hồ thoáng mát, sạch đẹp.

Thanh Khê là một trong những quận nằm ở trung tâm TP Đà Nẵng tiếp giáp nhiều với biển. Đây là địa phương tiên phong xây dựng và triển khai Đề án Quận môi trường. Thời gian qua, Thanh Khê đã triển khai nhiều hoạt động bảo vệ môi trường và phong trào “Chống rác thải nhựa”. Lúc đầu thực hiện thí điểm tại P.Xuân Hà rồi nhân rộng ra 3 phường khác là Tân Chính, Vĩnh Trung và Thanh Khê Đông. Sau đó, UBND Q.Thanh Khê chọn P.Thanh Khê Tây và Hòa Khê tham gia Dự án “Quản lý chất thải rắn nhằm thúc đẩy phân loại và tái chế trên địa bàn TP Đà Nẵng” do Jica tài trợ. Thông qua các Dự án này, bước đầu người dân địa phương đã nhận thức được tác hại của túi ni-lông khó phân hủy và thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn.

Trồng cây xanh trong khu vực dự án ven hồ Xuân Hòa A.

Ông Lê Trung Minh Tân - Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường Q. Thanh Khê cho biết, qua khảo sát thực tế, các điểm nóng về rác thải trên địa bàn vẫn còn tồn tại nhiều. Một số điểm thường xuyên xuất hiện tình trạng người dân xả rác thải bừa bãi như: khu vực 2 bên bờ kênh Phú Lộc; dọc tuyến đường sắt hồ Bàu Trảng; 6 cống xả thải trực tiếp ra biển mang theo một lượng lớn rác thải nhựa, v.v. Vì thế, Dự án “Đô thị giảm nhựa” đặt mục tiêu đến năm 2022, giảm thiểu 30% ô nhiễm rác thải nhựa; xây dựng 1 mô hình thí điểm “Chợ không sử dụng túi ni-lông”… tại Q.Thanh Khê thông qua việc xây dựng các cơ chế, chính sách ưu tiên xử lý chất thải nhựa, thay đổi hành vi, nhận thức đối với tiêu dùng nhựa một lần trên biển và đất liền.

Tại Hội nghị giới thiệu Dự án “Đô thị giảm nhựa tại TP Đà Nẵng” tổ chức cách đây không lâu, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF Việt Nam) cho biết, Đà Nẵng là một trong 3 địa phương trên cả nước (cùng với Rạch Giá – Kiên Giang và Phú Yên) được hỗ trợ triển khai đồng bộ các giải pháp giảm rác thải nhựa. Bà Nguyễn Thị Diệu Thúy - Giám đốc Chương trình giảm nhựa của Tổ chức WWF Việt Nam cho biết thêm, cùng với Phú Yên và Rạch Giá (Kiên Giang), Đà Nẵng được WWF ưu tiên thực hiện khảo sát đánh giá trong nhóm đô thị đợt 1 và tiềm năng để tham gia Chương trình Đô thị giảm nhựa. Tại TP Đà Nẵng, Q.Thanh Khê được chọn là khu vực triển khai đồng bộ các giải pháp để hướng đến các mục tiêu, thông qua việc làm, đối tượng cụ thể.

Được biết, Dự án “Đô thị giảm nhựa tại TP Đà Nẵng” được triển khai từ nay đến năm 2025, chia thành 2 giai đoạn. Ngoài việc phấn đấu đến hết năm 2022, sẽ giảm 30% ô nhiễm rác thải nhựa so với năm 2020 thì phấn đấu 100% các cơ quan, đơn vị quản lý Nhà nước trên địa bàn quận không sử dụng chai nước và ống hút nhựa trong các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, sự kiện. Xoá ít nhất 3 điểm nóng rác thải và đảm bảo không phát sinh điểm nóng rác thải mới. Ít nhất 10 trường trên địa bàn của quận tổ chức được hoạt động lồng ghép chương trình giáo dục môi trường gắn với việc tổ chức các hoạt động truyền thông định kỳ về ô nhiễm rác thải nhựa và các hoạt động giảm thiểu cho cộng đồng.

Du khách nước ngoài và người dân Q.Thanh Khê thu gom rác thải nhựa ven biển đường Nguyễn Tất Thành.

Đặc biệt, theo khảo sát, lượng rác thải nhựa tại chợ dân sinh chiếm tới 15,08%. Vì vậy, trong kế hoạch triển khai Dự án, Q.Thanh Khê sẽ xây dựng một mô hình thí điểm “Chợ không sử dụng túi ni-lông” tại 1 chợ dân sinh. Các hoạt động và mô hình thí điểm thành công trong giai đoạn 2021-2022 sẽ được thể chế hóa bằng văn bản, chính sách hành động của quận. Trong đó, có đánh giá kết quả về mô hình "Chợ không sử dụng túi ni-lông" để làm cơ sở xem xét nhân rộng ra toàn quận. Mục tiêu, đến năm 2025, sẽ giảm được 50% ô nhiễm rác thải nhựa so với năm 2020; 100% hộ dân, trường học, doanh nghiệp, công sở và các đơn vị khác trên địa bàn quận thực hiện phân loại rác tại nguồn; ít nhất 50% các cơ sở kinh doanh không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần tại các khu du lịch và dịch vụ ven biển; ít nhất 50% ngư dân không thải bỏ ngư cụ, rác nhựa xuống biển; triển khai hiệu quả cơ chế giám sát, xử phạt người xả rác không đúng nơi quy định.

Ông Hồ Thuyên - Chủ tịch UBND Q.Thanh Khê cho biết, Thanh Khê là địa bàn được chính quyền TP Đà Nẵng và các tổ chức lựa chọn triển khai thí điểm nhiều dự án bảo vệ môi trường. “Cách đây một năm, với Dự án đô thị giảm nhựa, quận đã tập trung vào công tác nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp và cộng đồng về giảm thiểu rác thải nhựa. Chúng tôi cam kết tạo mọi điều kiện để Dự án triển khai một cách có hiệu quả”- Chủ tịch Q.Thanh Khê cho biết thêm. Bà Nguyễn Thị Diệu Thúy cũng khẳng định, WWF Việt Nam sẽ nỗ lực hết mình hỗ trợ Q.Thanh Khê xây dựng các hoạt động cụ thể để xóa các điểm nóng, phân loại rác thải tại nguồn và nâng cao nhận thức cho học sinh ở các trường học. Từ mô hình điểm của Q.Thanh Khê sẽ được nhân rộng khắp không chỉ ở Đà Nẵng mà còn trong cả nước để giải quyết bài toán ô nhiễm rác thải nhựa hiện nay.

Phương Kiếm