Thành phố Huế mở rộng gấp gần 3,8 lần so với hiện tại

Thứ tư, 28/04/2021 07:55

Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính và sắp xếp, thành phố Huế có diện tích 265,99km2 (tăng gấp gần 3,8 lần so với hiện tại), dân số tăng thêm hơn 200.000 người.

Sau khi mở rộng, diện tích thành phố Huế tăng gấp gần 3,8 lần so với hiện tại.

Ngày 27-4, Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, vào lúc 10 giờ 40 cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết điều chỉnh địa giới để mở rộng thành phố Huế và sắp xếp, thành lập các phường thuộc thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2021.

Theo Nghị quyết, sau khi điều chỉnh địa giới hành chính và sắp xếp, thành lập các phường, thành phố Huế có 265,99 km2 thay vì diện tích gần 71 km2 như hiện tại và dân số tăng từ 450.000 người lên 652.572 người. Toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của các xã, phường: Thủy Vân, Thủy Bằng (thị xã Hương Thủy) Hương Hồ, Hương An, Hương Thọ, Hương Phong, Hương Vinh, Hải Dương (thị xã Hương Trà) Phú Thượng, Phú Dương, Phú Mậu, Phú Thanh, thị trấn Thuận An (huyện Phú Vang) sẽ về thành phố Huế quản lý.

Theo tờ trình của Chính phủ về phương án sắp xếp 9 phường thuộc thành phố Huế thành 5 phường, các phường Phú Cát và Phú Hiệp được sáp nhập để thành lập phường mới lấy tên là Gia Hội; các phường Phú Bình và Thuận Lộc được sáp nhập để thành lập phường lấy tên Thuận Lộc; các phường Phú Hòa và Thuận Thành được sáp nhập để thành lập phường mới lấy tên Đông Ba. Thành phố sẽ điều chỉnh 0,46 km2 diện tích tự nhiên và hơn 7.500 người của phường Phú Thuận vào phường Tây Lộc; điều chỉnh 0,8 km2 diện tích tự nhiên và hơn 4.900 người còn lại của phường Phú Thuận vào phường Thuận Hòa. 

Lý giải nguyên nhân cần thiết phải điều chỉnh mở rộng thành phố Huế, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, đây là đô thị di sản, cảnh quan thiên nhiên, bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa nhưng hiện nay có quy mô diện tích quá nhỏ so với tốc độ phát triển đô thị. Bên cạnh đó, mật độ dân số toàn đô thị cao (7.222 người/km2), hạ tầng xã hội khu vực trung tâm đang quá tải, hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị. Một số tiêu chuẩn của đô thị đạt vượt trội so với quy định.

Bộ trưởng Nội vụ cũng nhấn mạnh, việc mở rộng thành phố Huế là một bước cụ thể hóa Đồ án Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Thừa Thiên - Huế và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2050 đã được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 649 ngày 6-5-2014. Bên cạnh đó, trên địa bàn thành phố Huế vẫn còn một số phường có diện tích khá nhỏ (dưới 50% tiêu chuẩn); không gian phát triển bị chia cắt, gây khó khăn trong việc lập kế hoạch, quy hoạch dài hạn, định hướng phát triển kinh tế - xã hội cũng như quy hoạch, kế hoạch phát triển vùng. Đồng thời, nguồn lực cho phát triển bị phân tán, nhất là trong điều kiện đẩy mạnh phân cấp, trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho chính quyền địa phương.

Chính phủ cũng đề xuất thành lập 4 phường thuộc thành phố Huế, gồm: Hương Vinh, Thủy Vân, Phú Thượng, Thuận An trên cơ sở nguyên trạng các xã Hương Vinh, Thủy Vân, Phú Thượng và thị trấn Thuận An. Theo đó, thành phố Huế giáp huyện Phú Vang, huyện Quảng Điền, thị xã Hương Thủy, thị xã Hương Trà và biển Đông. Kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành, tỉnh Thừa Thiên - Huế có 9 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 6 huyện, 2 thị xã và 1 thành phố; 141 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 95 xã, 39 phường và 7 thị trấn.

Theo UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết điều chỉnh địa giới để mở rộng thành phố Huế và sắp xếp, thành lập các phường thuộc thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên- Huế là một bước quan trong trọng tiến trình cụ thể hóa nhiệm vụ xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên- Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10-12-2019 của Bộ Chính trị, đó là: đến năm 2025, xây dựng Thừa Thiên- Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế.

HẢI LAN