Thanh toán bằng tiền mặt ngày càng thu hẹp dần
Thay đổi thói quen thanh toán do dịch bệnh
Từ khi xuất hiện đại dịch Covid-19 đến nay, do ngại đến chỗ đông người hay tiếp xúc trực tiếp khi mua bán sẽ dễ lây bệnh nên chị Phạm Thị Thanh Hương, trú Q.Thanh Khê, đã chọn mua sắm hàng hóa thiết yếu cho gia đình chị qua kênh online hay gọi điện thoại đặt hàng thay vì đến chợ, siêu thị, cửa hàng, v.v… như trước đây. Do thay đổi cách thức mua hàng dẫn đến thay đổi thói quen thanh toán của chị Hương là chuyển khoản qua ngân hàng thay vì trả bằng tiền mặt trực tiếp như trước đây. "Chỉ cần vài thao tác trên smartphone có cài đặt ứng dụng internet banking là sau vài giây, chủ hàng đã nhận được tiền. Hết sức nhanh chóng, tiện lợi, dễ dàng thao tác…, lại không phải tiếp xúc trực tiếp thanh toán nên tránh khỏi lây lan dịch bệnh", chị Hương chia sẻ thêm.
Theo anh Nguyễn Văn Cường, ở Q.Hải Châu, đến nay, dù việc mua sắm, ăn uống trên địa bàn TP đã trở lại bình thường nhưng do đã hình thành được thói quen thanh toán không dùng tiền mặt trong thời gian xảy ra dịch Covid-19, nhất là ở các thời điểm thực hiện giãn cách xã hội nên mỗi khi đến siêu thị mua sắm hay đến nhà hàng, tiệm ăn để ăn uống, anh và các thành viên trong gia đình anh đều chọn hình thức thanh toán không dùng tiền mặt. Cụ thể là thanh toán bằng chuyển khoản qua ngân hàng, thanh toán bằng quẹt thẻ, thanh toán qua các ví điện tử, thanh toán qua các ứng dụng thanh toán trực tuyến khác như: VNPay, ViettelMoney, ZaloPay, v.v... "Thanh toán trực tuyến khi mua hàng và sử dụng dịch vụ nhiều lần rồi thành quen, lại rất an toàn, tiện lợi, nhanh chóng nên hiện tại, gia đình tôi rất ít khi sử dụng tiền mặt khi thanh toán", anh Cường cho biết thêm.
Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt tại các siêu thị, chợ
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, trên địa bàn TP Đà Nẵng, trong thời gian qua, các siêu thị, cửa hàng tiện lợi là những khu vực bán lẻ có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ nhất của hình thức thanh toán không dùng tiền mặt trong thời gian qua. Ông Phan Thống - Giám đốc Siêu thị Co.opmart Đà Nẵng, cho biết: Trong năm 2021 và các tháng đầu năm 2022, thanh toán bằng hình thức quẹt thẻ tại quầy tính tiền của siêu thị này tăng khoảng gần 50% so với trước đây, tương tự, qua các ví điện tử tăng 40%, chuyển khoản qua ngân hàng cũng tăng 20%...
Bên cạnh đó, do dịch bệnh, đơn hàng mua hàng nhu yếu phẩm thiết yếu bằng hình thức trực tuyến (mua hàng online) trong năm 2021 tăng nhiều lần so với năm 2020, và có đến hơn 90% khách hàng mua online thanh toán trực tuyến, chỉ rất ít khách hàng giao hàng mới thanh toán tiền mặt.
"Co.opmart Đà Nẵng khuyến khích khách hàng thanh toán bằng các hình thức không dùng tiền mặt. Ngoài kênh thanh toán bằng tiền mặt, hiện chúng tôi có đầy đủ các kênh thanh toán, các hình thức thanh toán trực tuyến như: chuyển khoản qua ngân hàng, thanh toán qua các ví điện tử, quét mã thanh toán, quẹt thẻ thanh toán, v.v… tại quầy tính tiền", ông Thống thông tin thêm.
Cùng với các siêu thị, các chợ lớn trên địa bàn TP cũng bắt đầu công cuộc "số hóa" trong hoạt động thanh toán. Là chợ đầu tiên tại TP triển khai thí điểm "Chợ 4.0 - thanh toán không tiền mặt", ông Nguyễn Đắc Hùng - Trưởng ban Ban Quản lý chợ Cồn, cho biết: Với sự hỗ trợ từ phía Tập đoàn Viettel, hiện tại chợ này có khoảng 900 tiểu thương được cấp mã quét QRCode để khách hàng khi mua hàng sẽ quét mã thanh toán trực tuyến. Qua hơn 2 tháng triển khai, đến thời điểm hiện tại, thông qua ứng dụng thanh toán trực tuyến Viettel Money, tổng số tiền giao dịch giữa khách hàng với tiểu thương tại chợ đạt hơn 2 tỷ đồng. Mặc dù số tiền thanh toán trực tuyến còn thấp hơn nhiều so với số tiền thanh toán bằng tiền mặt trong cùng khung thời gian giao dịch mua bán nhưng đây là tín hiệu tích cực cho thấy có sự thay đổi trong thói quen thanh toán tại chợ Cồn theo hướng số hóa, không dùng tiền mặt. Theo ông Đàm Văn Tẩu, Giám đốc Cty Quản lý và Phát triển các chợ Đà Nẵng, cho biết thêm, ngoài chợ Cồn, 3 chợ lớn còn lại trên địa bàn TP gồm chợ Hàn, chợ Đống Đa, chợ đầu mối Hòa Cường cũng đang chuẩn bị triển khai ứng dụng thanh toán trực tuyến này.
Ngoài ứng dụng thanh toán từ ViettelMoney, nhiều tiểu thương tại các chợ truyền thống trên địa bàn TP cũng đang dần làm quen với các hình thức thanh toán trực tuyến khác nhằm góp phần tạo thuận lợi, hiệu quả hơn cho công việc buôn bán, kinh doanh của họ. Tiểu thương Ngô Thị Bé, bán hải sản khô ở chợ Hàn, chia sẻ: "Từ khi xảy ra dịch Covid-19 đến nay, tôi bán hàng và thu tiền bằng các hình thức không dùng tiền mặt ngày càng tăng lên đáng kể".
PHÚ NAM