Thành tựu quyền con người

Chủ nhật, 23/02/2014 23:33

(Cadn.com.vn) - Đúng vào thời điểm Quốc hội chuẩn bị thông qua bản Hiến pháp mới, Việt Nam đã được bầu vào Hội đồng Nhân quyền của Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014-2016 với số phiếu cao nhất trong số các thành viên trúng cử.

Mới đây nhất, tại Geneva, Phiên họp thứ 18 của Nhóm làm việc về Rà soát Định kỳ Phổ quát (UPR) của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đã diễn ra từ ngày 27-1 đến 7-2-2014 với 14 quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam đến kỳ trình bày báo cáo quốc gia và đối thoại về quyền con người. Với sự tham gia của đại diện từ 11 bộ, ngành, Đoàn Việt Nam đã đối thoại trực tiếp với 107 nước về các vấn đề các nước quan tâm trong lĩnh vực này.

Sau 48 giờ kể từ khi đoàn đại biểu Việt Nam do Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc làm trưởng đoàn trình bày Báo cáo quốc gia trong khuôn khổ cơ chế UPR chu kỳ II tại Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, Nhóm làm việc về UPR của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc tại Geneva chiều 7-2 đã thông qua báo cáo của Việt Nam với sự nhất trí cao. Nhiều thành tựu tích cực của Việt Nam đã được ghi nhận trong phiên họp lần này như: Những tiến bộ đạt được trong lĩnh vực KT-XH; từng bước giảm tỷ lệ hộ nghèo; tỷ lệ nhập học các trường tiểu học và trung học cao; các kế hoạch hành động quốc gia cho trẻ em (2012-2020) và bảo vệ trẻ em (2011-2015); ký kết Công ước chống tra tấn; tham gia Công ước về quyền của người khuyết tật; đạt được nhiều tiến bộ trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho những nhóm yếu thế như dân tộc thiểu số, phụ nữ và trẻ em...

Kế thừa và hoàn thiện những bản Hiến pháp trước đây, Hiến pháp (sửa đổi) khẳng định nguyên tắc nhà nước “công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội”; “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của Luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng”. Nội dung tiến bộ và dân chủ này đã thể hiện rõ quan điểm tiên quyết của Nhà nước trong việc đề cao trách nhiệm của Nhà nước trong mối quan hệ với quyền con người, quyền công dân; đồng thời nó cũng “đóng khung”, “ngăn chặn” hành vi xâm phạm, hạn chế quyền công dân từ phía các cơ quan, nhân viên công quyền. Bằng việc hiến định cụ thể này, Hiến pháp (sửa đổi) đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc để mỗi người dân bảo vệ và thực hiện quyền con người, quyền công dân của mình.

Phân tích những điểm mới trong Hiến pháp (sửa đổi), PGS-TS Lê Minh Thông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Phó Trưởng ban Biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 cho rằng, việc Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp tiếp thu ý kiến của các nhà khoa học và nhân dân chuyển nội dung quyền công dân từ Chương V lên Chương II: "Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân" là một sự thay đổi rất lớn về tư duy, nhận thức của Nhà nước đối với việc đảm bảo quyền con người, quyền công dân theo mô hình Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Cũng theo PGS-TS.Lê Minh Thông, việc Hiến pháp (sửa đổi) cụ thể hóa các quyền con người và bổ sung nhiều nội dung liên quan đến quyền công dân là một sự đúc kết từ thành quả phát triển con người gần 30 năm đổi mới của đất nước. Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân không đơn thuần chỉ là câu chuyện kỹ thuật lập hiến mà nó mang thông điệp rất rõ của Đảng, Nhà nước, dân tộc là tôn trọng, thừa nhận, bảo đảm các quyền con người, quyền công dân đúng với tinh thần Điều ước quốc tế mà Việt Nam cam kết tham gia.

Phải khẳng định rằng, quy định quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp không đơn giản là việc ghi nhận, phó mặc việc thực hiện những quyền đó tùy thuộc vào điều kiện KT-XH của đất nước. Bên cạnh việc ghi nhận quyền, kể cả quy định nghĩa vụ của công dân, Nhà nước sẽ bảo đảm cho những quyền và nghĩa vụ đó có điều kiện thực hiện. Quyền của công dân đồng thời cũng là nghĩa vụ, trách nhiệm của Nhà nước, mà cả hệ thống chính trị có trách nhiệm chấp hành. Đây chính là sự bảo đảm của Nhà nước để những quyền của công dân được thực hiện tuân theo Hiến pháp và pháp luật.

Có thể nói, trong nhiều điểm mới của Hiến pháp (sửa đổi), lần đầu tiên quyền con người, quyền của công dân được thể hiện một cách rõ nét trong đạo luật căn bản của quốc gia, kế thừa, phát huy từ các bản Hiến pháp 1946, 1959, 1980 và 1992. Đây cũng là một hành động cụ thể, thể hiện Việt Nam tiếp thu quy định của Công ước quốc tế về quyền chính trị, dân sự; quyền kinh tế, văn hóa và Tuyên ngôn nhân quyền năm 1948, phù hợp với giai đoạn phát triển mới của đất nước, đánh dấu một bước phát triển toàn diện hơn trong lịch sử lập hiến, lập pháp của đất nước ta.

Quang Vũ