KỲ HỌP THỨ 7, QUỐC HỘI KHÓA XIII:

Thảo luận dự án Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Tổ chức TAND (sửa đổi)

Thứ tư, 04/06/2014 09:40

(Cadn.com.vn) - Sáng 3-6, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Tổ chức Quốc hội, đây là một trong những dự luật đặc biệt quan trọng về hệ thống tổ chức được ưu tiên cho ý kiến sửa đổi tại kỳ họp lần này, hầu hết các ý kiến của ĐBQH đều quan tâm đến việc phát huy hiệu quả hoạt động của ĐBQH như: cơ cấu ĐBQH, số lượng ĐBQH chuyên trách; vị trí, vai trò cũng như quyền hạn, trách nhiệm của ĐBQH ở Trung ương và địa phương.

Góp ý vào dự thảo luật, Trưởng đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa đề nghị quy định rõ ràng, cụ thể tiêu chuẩn, vị trí, vai trò của đại biểu Quốc hội (ĐBQH); do đó cần cơ cấu ĐBQH có năng lực thật sự, không nên cơ cấu cho đủ thành phần; cần mạnh dạn thay đổi cách thức cơ cấu để ĐBQH thực sự là người đại diện cho nhân dân. Về vấn đề ĐBQH hoạt động chuyên trách, ĐB Huỳnh Nghĩa đề nghị tăng số lượng lên khoảng 45-50% là hợp lý. Cũng về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn (Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng) đề nghị, do nâng tỷ lệ ĐBQH chuyên trách lên nên ở mỗi Đoàn ĐBQH cần có ít nhất 7 ĐBQH. Về quy định số lượng ĐBQH, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Thân Đức Nam (Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng) nhất trí với dự Luật quy định không quá 500 người.

Các ĐBQH TP Đà Nẵng bên lề buổi thảo luận sáng 3-6.

Chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi). Qua thảo luận, đa số ý kiến ĐBQH tán thành việc sửa đổi nhằm thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013; làm rõ hệ thống, cơ cấu, tổ chức của các TAND và cơ cấu, tổ chức bộ máy trong từng TAND...

Các ĐBQH cho rằng dự án luật quy định về thành lập TAND sơ thẩm khu vực và xây dựng, phát triển án lệ là cần thiết. Việc thành lập TAND sơ thẩm khu vực sẽ góp phần khắc phục những hạn chế, bất cập về tổ chức TAND cấp huyện hiện nay, đồng thời tăng cường tính độc lập trong xét xử. Liên quan việc xây dựng và phát triển án lệ, các ĐBQH cho rằng, án lệ không thay thế các văn bản quy phạm pháp luật, TAND Tối cao có thể linh hoạt thay đổi án lệ khi có những thay đổi của pháp luật. Tuy nhiên, ĐBQH cũng còn nhiều ý kiến khác nhau về quy định nhiệm kỳ của Thẩm phán, ngạch Thẩm phán, tuổi nghỉ hưu của Thẩm phán...

Tin, ảnh: H.Hoa