Thao thức tiếng đàn đá của người Xê Đăng…

Thứ sáu, 27/05/2016 09:22

(Cadn.com.vn) - Nhắc đến vùng đất Nam Trà My (Quảng Nam), người ta thường nghĩ ngay đến những dòng thác cao, với đỉnh núi hùng vĩ và đặc sản quý hiếm sâm rừng Ngọc Linh trứ danh. Tuy nhiên có một thứ mang đậm nét văn hóa đặc sắc của núi rừng nơi đây ít ai nhắc đến, đó là âm thanh da diết từ tiếng đàn đá của người Xê Đăng. Nghệ nhân Hồ Văn Thập, già làng Măng Tó, xã Trà Cang, H. Nam Trà My là một trong những người đã có công “khai sinh” và lưu giữ loại nhạc cụ truyền thống độc đáo này...

Người thổi “hồn” vào đá

Sinh ra và lớn lên trong lời ru tiếng hát, tiếng cồng chiêng âm vang trong những đêm lễ hội, từ nhỏ Hồ Văn Thập đã có năng khiếu bẩm sinh và niềm đam mê với các nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình. Nhớ lại thời thơ ấu, ngày ngày cậu bé Thập cùng cha lên nương canh chừng thú vật phá hoại mùa màng, khi gặp những con thú lớn như heo rừng rất khó đuổi chúng đi nếu chỉ dùng động tác xua tay hay hò hét, thậm chí có lúc còn bị chúng đe dọa. Để đối phó, người ta nghĩ ra cách sử dụng những phiến đá mỏng để tạo ra âm thanh bằng cách dựa vào sức gió và nước. Với sáng tạo độc đáo này, những phiến đá va chạm vào nhau tạo thành những âm thanh khiến những con thú tưởng như có người xua đuổi nên bỏ đi. Từ lúc nghe những âm thanh vui tai ấy, cậu bé Hồ Văn Thập nảy sinh ý tưởng sáng tạo, “nâng cấp” dụng cụ đuổi thú thành một loại nhạc cụ bằng đá riêng cho dân tộc mình. Từ đó, ông dành thời gian lang thang qua các cánh rừng, các con suối để tìm đá, chọn những viên đá có âm thanh ưng ý  mang về nhà. Và thành quả của mấy năm trời lặn lội là một cây đàn đá xinh xắn, có âm thanh đặc trưng ra đời. Nghệ nhân Thập nhớ lại: “Nhiều năm mày mò, cuối cùng tôi đã cho ra đời cây đàn đá ưng ý nhất, bằng cách ghép 12 viên đá có âm thanh, kích cỡ khác nhau để trở thành một loại nhạc cụ. Đến nay tuy gia đình còn khó khăn, con cái còn nhỏ, vợ mất sớm nhưng tôi vẫn luôn nuôi dưỡng niềm đam mê của mình, và chắc chắn tôi sẽ truyền lại cho con cái sau này để tiếng đàn đá sẽ mãi là một nét văn hóa không thể thiếu trong đời sống tinh thần của dân tộc Xê Đăng”.

Cũng theo nghệ nhân Thập, một bộ đàn đá hoàn chỉnh phải mất cả mấy năm trời đi tìm đá, rồi so sánh bằng cách đánh thử để chọn, sau đó phải đẽo gọt, mài từng chút một cho viên đá phát ra tiếng kêu đúng nốt, đúng âm mình mong muốn. Cứ thế mòn mỏi suốt nhiều năm tháng, bằng niềm đam mê thôi thúc, ông Thập đã tìm được bộ đàn đá tự nhiên, riêng và duy nhất của người Xê Đăng trên đỉnh Ngọc Linh. Trời phú cho ông đôi tai có khả năng thẩm âm đặc biệt, ngoài ông không một ai khác có thể tìm, chọn được đúng và đầy đủ một bộ đá tự nhiên có thể chơi nhạc. Nhạc sĩ Dương Trinh, người đã cất công tìm hiểu, sưu tầm và gắn bó với âm nhạc dân tộc truyền thống ở Quảng Nam khẳng định về chiếc đàn đá của nghệ nhân Hồ Văn Thập: “Khác với đàn đá ở Tây Nguyên, đàn đá của người Xê Đăng là đá tự nhiên, hoàn toàn được tạo nên bằng đôi tai cảm âm của người sáng tạo ra nó. Bộ đàn của ông Thập được sắp xếp giống như cồng chiêng, tức là không có nốt thăng, nốt giáng rõ ràng, chủ yếu theo hợp âm trưởng, là hợp âm chính trong các giai điệu của người vùng cao”.

Tiếng đàn đá của Hồ Văn Thập chất chứa âm hưởng núi rừng, thể hiện tình yêu với quê hương, dân tộc.

Mang niềm vui đến với bản làng

Người Xê Đăng luôn coi nhạc cụ là nơi trú ngụ của linh hồn, tổ tiên, thần linh, trời đất, cũng là nơi gìn giữ tiếng gọi của tự nhiên, cho mọi người gửi gắm và cất lên những lời nhắn nhủ tới cây trồng, vật nuôi, với cha mẹ, anh em, người đã khuất. Họ chơi nhạc để thức tỉnh tâm linh, cầu mong thần linh che chở. Bởi vậy, mọi sự việc trong đời sống hằng ngày của từng người và dân làng đều chìm đắm trong âm thanh du dương từ các loại nhạc cụ. Hiểu rõ điều đó, cộng với niềm đam mê với các loại nhạc cụ dân tộc, già làng Măng Tó, Hồ Văn Thập đã không ngừng mày mò để tìm ra những loại nhạc cụ thỏa mãn niềm đam mê và phục vụ cho dân làng. Không chỉ sử dụng thành thạo các loại nhạc cụ truyền thống, già Thập còn tự tìm tòi, chế tác các nhạc cụ từ những vật liệu sẵn có của núi rừng làm vui cho cuộc sống. Ngoài đàn đá, ông còn chế tác ra cho mình chiếc đàn T’rưng. Theo già Thập, trong các loại nhạc cụ của người Xê đăng, đàn T’rưng cũng là loại nhạc cụ khó làm và khó chơi nhất. Để làm được một đàn T’rưng hay, phải vào tận rừng sâu, chọn cây lồ ô từ nhỏ đến lớn đủ 10 ống thật già đem về để trong mát chừng 1 tháng. Tiếp đó là hong trên giàn bếp một thời gian cho cây lồ ô bóng, chắc. Qua 3 công đoạn ấy, những đoạn lồ ô thẳng nhất, già và vàng nhất đủ tiêu chuẩn mới được đem cắt thành ống làm đàn. Một cây đàn T’rưng hoàn chỉnh và hay, thời gian làm mất từ 7 đến 9 ngày mới xong, nhưng nguyên liệu để làm nó phải chuẩn bị trước hơn 4 tháng. Không thể làm nhanh, làm ẩu mà phải làm bằng chính sự rung động của bàn tay và tâm hồn người chế tác ra nó. Công phu là thế, nhưng già Thập cho rằng làm ra một cây đàn T’rưng hay đã khó, để đánh nó có hồn còn khó gấp bội lần.

Nghe những âm thanh phát ra từ chiếc đàn đá và đàn T’rưng do nghệ nhân Hồ Văn Thập tạo ra, mặc dù không hiểu rõ ngôn ngữ tiếng đàn truyền tải, nhưng chúng tôi vẫn cảm nhận được chất chứa trong đó là âm hưởng của núi rừng hùng vĩ, cái chất mộc mạc, giản dị, đậm tình của người miền ngược. Với những nhạc cụ này, già Thập luôn giữ gìn như báu vật, chỉ có ngày lễ lớn mới mang ra phục vụ dân làng. Khi trong làng có lễ hội, âm thanh của những chiếc đàn đá và đàn T’rưng hòa quyện vào nhau tạo thành những bản nhạc say mê lòng người. Nếu ai đã từng đến vùng đất Nam Trà My và được thưởng thức những bản nhạc da diết do nghệ nhân Hồ Văn Thập thể hiện bằng nhạc cụ từ chính tay ông chế tác thì chắc hẳn sẽ khó quên vì những âm thanh đó được tạo ra từ sự đam mê, từ tình yêu quê hương, dân tộc mình. Đàn đá của nghệ nhân Hồ Văn Thập xứng danh là chiếc đàn độc đáo nhất trên đỉnh Ngọc Linh và khó có thể tìm ra cái thứ 2 ở bất cứ vùng đất nào…

Bài, ảnh: Phú Thịnh