Thấp thỏm sống dưới chân "bom" nước
(Cadn.com.vn) - Tại Tây Nguyên, mùa mưa lũ đã cận kề nhưng hàng trăm hồ đập thủy lợi xuống cấp, hư hỏng vẫn chưa được sửa chữa khiến người dân sống dưới vùng hạ du thấp thỏm lo âu.
Đắc Lắc hiện có 665 công trình thủy lợi (CTTL), trong đó có 539 hồ chứa, 79 đập dâng, 46 trạm bơm và 1 hệ thống đê bao. Qua kiểm tra mới đây của Sở NN&PTNT Đắc Lắc, có đến 67 công trình (CT), hồ chứa xuống cấp cần sửa chữa. Trong đó, có 16 CT hư hỏng nặng cần được sửa chữa gấp với tổng kinh phí khoảng 16 tỷ đồng.
Tại tỉnh Đắc Nông có khoảng 200 hồ đập thủy lợi, riêng Cty TNHH MTV khai thác CTTL tỉnh Đắc Nông quản lý, khai thác 153 hồ đập chứa nước, có dung tích khoảng 130 triệu khối nước. Kết quả kiểm tra cho thấy có gần một nửa số hồ đập này không đảm bảo an toàn kỹ thuật. Cụ thể, có 32 đập đất bị sụp lún, xói lở, thấm nước; 28 tràn xả lũ bị rò rỉ, sạt lở; 19 cống đầu mối bị rò rỉ nước nghiêm trọng. Ông Trịnh Văn Tường- Phó Giám đốc Cty TNHH MTV khai thác CTTL Đắc Nông cho biết: Năm 2012, đơn vị đã xây dựng đề án sửa chữa, cải tạo, nâng cấp các CTTL giai đoạn 2012- 2017 và được tỉnh Đắc Nông phê duyệt với tổng kinh phí 500 tỷ đồng. Tuy nhiên, năm 2013 tỉnh chỉ cân đối được khoảng 15 tỷ đồng để sửa chữa một số công trình có nguy cơ mất an toàn nhất trên địa bàn.
Người dân sống bên cạnh hồ đập xuống cấp luôn "đứng ngồi không yên" bởi đó là những quả "bom nước" lơ lửng trên đầu mỗi mùa mưa lũ về.
Đập hồ thủy lợi thôn 6B (xã Hòa An) bị nứt khiến người dân dưới hạ nguồn lo lắng. |
Đơn cử, đập Đắc B'lung (xã Đắc Búk So, H. Tuy Đức, Đắc Nông) có tổng dung tích gần 500 ngàn khối nước. Năm 2004, một trận mưa lớn đã làm sập một phần vai trái thân đập rồi tiếp tục sạt lở theo thời gian. Đến nay, CT này vẫn chưa được sửa chữa khắc phục, tiềm ẩn nguy cơ vỡ đập khi có mưa lớn. "Nhiều năm qua, cứ đến mùa mưa bão, dân chúng tôi sống dưới hạ nguồn thấp thỏm sợ vỡ đập, nhiều đêm mất ăn mất ngủ vì quả "bom nước" này"- ông Trần Văn Khánh (xã Đắc Búk So), nhà ở phía hạ du đập thủy lợi Đắc B'lung lo lắng nói.
Tương tự, nhiều hộ dân sống phía dưới hồ thủy lợi thôn 6B (xã Hòa An, H. Krông Pắc, Đắc Lắc) cũng thấp thỏm lo vỡ đập khi mùa mưa lũ cận kề. Ông Đoàn Thức, sống ngay dưới thân đập cho biết: đầu năm 2011, đập thủy lợi thôn 6B được tu bổ để tăng dung tích nước sử dụng. Tuy nhiên, phần móng của đập được đơn vị đầu tư làm qua loa nên một thời gian ngắn sau khi hoàn thành, trên mặt đập xuất hiện vết nứt chạy dọc thân đập dài khoảng 50m. Thêm nữa, đơn vị thi công lại "dí" kênh xã lũ của đập vào nhà ông Thức. "Những lúc mưa to, gia đình tôi không dám ở trong nhà mà phải sang nhà người quen để ở tạm, chờ nước rút mới dám về nhà"- ông Thức nói.
Tại H. M'Đrắc (Đắc Lắc) có 14 hồ đập mất an toàn, trong đó có nhiều hồ đập có thể vỡ bất cứ lúc nào. Đập thủy lợi C19 (xã Ea Riêng, H. M'Đrắc) có dung tích gần 1 triệu khối nước được đưa vào sử dụng từ trước năm 1975 nhưng không được tu sửa. Hiện nay, mái thượng, hạ lưu đập bị xói mòn, rò rỉ nước qua thân đập. Tràn xả lũ bị vỡ với kích thước rộng 3m, sâu 1m, dài 2,5m. Con đập này luôn là mối đe dọa đến cuộc sống của người dân dưới hạ nguồn lúc mùa mưa bão về.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến các hồ đập xuống cấp, hư hỏng như: nhiều hồ đập được xây dựng từ 30-40 năm trước, nay thiết kế không còn phù hợp nhưng không được đầu tư sửa chữa, nâng cấp kịp thời làm cho các CT này ngày càng xuống cấp. Bên cạnh đó, việc quản lý vận hành các CTTL còn nhiều hạn chế, yếu kém cũng như việc thiếu kinh phí sửa chữa, nâng cấp CT... Những nguyên nhân trên không chỉ trực tiếp đe dọa an toàn của các CTTL mà còn tiềm ẩn nhiều hậu họa khôn lường đối với người dân phía hạ lưu CT.
Bài, ảnh: Hữu Phúc