Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII:

Thắt chặt kinh doanh vận tải thủy nội địa

Thứ năm, 28/11/2013 08:50

* Dự kiến, hôm nay QH biểu quyết thông qua dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

(Cadn.com.vn) - Ngày 27-11, thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa, các đại biểu (ĐB) nhắc lại hàng loạt vụ tai nạn giao thông đường thủy thương tâm xảy ra thời gian vừa qua, đồng thời đề nghị áp đặt hàng loạt quy định nhằm thắt chặt quản lý kinh doanh vận tải thủy nội địa.

Thông qua nghị quyết về thủy điện

Sáng 27-11, với 88,96% phiếu tán thành, QH thông qua Nghị quyết về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện. QH yêu cầu Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tổ chức rà soát, đánh giá quy hoạch thủy điện bảo đảm sử dụng tài nguyên nước hợp lý, bảo vệ đa dạng sinh học; kiên quyết loại bỏ, dừng các dự án, công trình thủy điện không hiệu quả, không bảo đảm an toàn, có ảnh hưởng xấu tới chế độ dòng chảy, môi trường và đời sống người dân.

Trong năm 2014, tổ chức đánh giá tổng thể các đập, hồ chứa trong cả nước; có kế hoạch, giải pháp và bố trí đủ kinh phí sửa chữa, nâng cấp các đập, hồ chứa có nguy cơ gây mất an toàn; quy định cụ thể trách nhiệm các bộ, ngành, địa phương, tổ chức và cá nhân có liên quan thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo đảm an toàn đập, hồ chứa và vùng hạ du.

 

Thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa, các ĐB đều đồng tình với việc sửa đổi Luật hiện hành nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho việc đầu tư, tổ chức quản lý, khai thác và phát triển giao thông đường thủy.

Cho rằng việc tổ chức đăng ký đăng kiểm các phương tiện thủy nội địa là yêu cầu cần thiết nhằm bảo đảm an toàn giao thông, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân, ĐB Huỳnh Minh Thiện (TPHCM) đề nghị ban soạn thảo cần phân loại phương tiện theo chức năng nhiệm vụ sau đó gắn với yêu cầu kỹ thuật của phương tiện, trên cơ sở đó, quy định về điều kiện hoạt động của phương tiện đường thủy nội địa; bổ sung quy định đối với phương tiện chở hành khách trên 12 người cần phải có điều kiện là: đủ thiết bị an toàn, thiết bị định vị hành trình, thông tin định vị trên đường.

Cũng liên quan đến nội dung này, ĐB Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) khẳng định dự thảo Luật đang phân cấp quản lý chủ yếu theo đặc tính kỹ thuật của phương tiện như trọng tải, số hành khách được phép chở, có động cơ hay không có động cơ.

Để nâng cao hiệu quả quản lý cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động dân sinh bình thường của người dân vùng sông nước, ĐB cho rằng cần quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh vận tải thủy nội địa – một hình thức kinh doanh có điều kiện, phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu, trang thiết bị an toàn và trách nhiệm dân sự đối với bên thứ ba. Trong thực tế, Bộ GT-VT đã có quy định về giới hạn vùng hoạt động của các phương tiện thủy nội địa trên cơ sở tiêu chuẩn, kích cỡ, mục đích sử dụng nhưng vấn đề này chưa được đề cập trong dự thảo Luật, do đó cần phải bổ sung vấn đề này vào Luật.

ĐB Huỳnh Minh Thiện góp ý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa.

Theo ĐB Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình), các phương tiện chưa được đăng ký chủ yếu là phương tiện thô sơ, giá trị tài sản không lớn, hoạt động trong phạm vi hẹp trong khi đó thủ tục đăng ký rườm rà, mất thời gian nên người dân không đăng ký, mặt khác, khi tham gia giao thông, phương tiện này ít gây nguy hiểm, do vậy nên miễn đăng ký phương tiện, chỉ thực hiện đăng ký với phương tiện này khi thực hiện mục đích chở người.

Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã đủ điều kiện thông qua

Theo chương trình làm việc, hôm nay (28-11), QH sẽ biểu quyết thông qua Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Trao đổi với báo chí, ông Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội- một trong những người trực tiếp giúp Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý - cho biết, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của nhân dân và ĐB Quốc hội, đến thời điểm này, bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã đủ điều kiện để thông qua. Bản dự thảo đã được chỉnh sửa nghiêm túc từ nội dung đến hình thức.

Theo Viện trưởng Đinh Xuân Thảo, trong quá trình thảo luận vẫn còn một số vấn đề có ý kiến khác nhau, trong đó có lĩnh vực kinh tế và tổ chức bộ máy tại chương về chính quyền địa phương. Điểm còn ý kiến khác nhau là mô hình chính quyền địa phương trong dự thảo Hiến pháp sửa đổi quy định như thế nào để đảm bảo phù hợp với thực tiễn trong giai đoạn mới. Vấn đề này sẽ được xử lý theo hướng mở.

Trước tình trạng gần đây xảy ra một số vụ việc chìm tàu, gây thiệt hại lớn về người và vật chất, bộc lộ những bất cập trong công tác cứu nạn, đặc biệt là sự phối hợp của các cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan cứu nạn, công an, quốc phòng, các ĐB nhất trí bổ sung quy định về cứu nạn vào Dự thảo Luật. Song, theo ĐB Huỳnh Minh Thiện, dự thảo luật mới đề cập đến khái niệm và tình huống cứu nạn là chưa đầy đủ và bảo đảm việc hoạt động cứu nạn, đặc biệt là cứu người trong bối cảnh tình trạng tai nạn giao thông đường thủy diễn ra ngày càng nghiêm trọng. ĐB đề nghị bổ sung một số nội dung như nguyên tắc tham gia hoạt động cứu nạn; lực lượng tham gia cứu nạn, cứu hộ; cơ quan thường trực cứu nạn, cứu hộ. Thông tin về tai nạn, sự cố, yêu cầu về cứu nạn, cứu hộ cần thông báo kịp thời cho cơ quan thường trực cứu nạn, cứu hộ theo số điện thoại thống nhất trong cả nước.

ĐB Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) đề xuất cân nhắc bổ sung chức năng nhiệm vụ, phát triển lực lượng cảnh sát đường thủy đa chức năng, trong đó có chức năng cứu hộ, cứu nạn đường thủy nội địa. Trường hợp chưa xây dựng được lực lượng cảnh sát đường thủy đa chức năng, cần quy định cụ thể chức năng chính trong việc chủ trì hoạt động cứu hộ, cứu nạn theo từng khu vực và quy định tất cả lực lượng, phương tiện phải có trách nhiệm tham gia cứu người khi xảy ra tai nạn. ĐB đề nghị cần quy định số điện thoại cứu nạn trong trường hợp cần thiết.

TTXVN