Thầy bói tuổi… 12

Thứ sáu, 18/04/2014 11:50

(Cadn.com.vn) - Cùng với sự gia tăng tình trạng thầy cúng, thầy bói hoạt động mê tín dị đoan ở các huyện miền núi, mới đây CAH Ba Tơ (Quảng Ngãi) đã vạch trần một thầy bói nhí. Tự bịa chuyện người cõi trên nhập hồn, đứa bé 12 tuổi lên đồng bói toán, gây mất an ninh trật tự tại địa phương.

Đầu năm 2014 đến nay, người dân ở xã Ba Tô, H. Ba Tơ xôn xao truyền tai nhau “thầy bói” Phạm Văn Hồng, 12 tuổi, ở thôn Mang Lùng 1, xã Ba Tô, được người “cõi trên” nhập hồn nên biết mọi thứ và sẽ giải nạn cho mọi người. Câu chuyện về “thầy” Hồng đã lôi cuốn nhiều người hiếu kỳ tìm đến. Chị Phạm Thị Thanh, ở xã Ba Tô cho biết, sau Tết Âm lịch 2014, nhiều người tìm đến “thầy” Hồng giải hạn. “Khoảng tháng 9-2013, Phạm Văn Hồng bước vào học lớp 6, thì bỗng bị bệnh. Hồng như người vô hồn, nói năng lẩm bẩm một mình. Cha mẹ Hồng “rao” với hàng xóm, người “cõi trên” đã nhập vào Hồng. Lần lượt người ở thôn, xã truyền tai nhau rất ly kỳ chuyện cậu bé 12 tuổi được “cõi trên” nhập nên nhiều người tìm đến nhờ “thầy” Hồng bói, chỉ cách cúng giải nạn. Cậu học trò được cha mẹ cho nghỉ học ngay sau đó, ở nhà làm thầy bói kiếm tiền. Tiếng đồn ngày càng vang xa, nhiều người ở huyện giáp ranh cũng tìm đến “thầy” Hồng. Mỗi lần xem bói, giải hạn, Phạm Văn Hồng đều lấy tiền.

Nhà của Phạm Văn Hồng.

Chúng tôi tìm đến nhà Phạm Văn Hồng. Căn nhà sàn bằng gỗ dài, phía trước cửa treo tấm ảnh chân dung Hồng to tướng. Người dân ở đây quá quen thuộc khi người lạ tìm đến “thầy”. Gặp chúng tôi, Hồng bình thản cho biết mình bị “cõi trên” nhập. “Sau lần tôi bị bệnh, cõi trên nhập vào tôi, tôi biết trước mọi thứ. Khi ai đến nhờ tôi xem bói, thì phải mang theo một tấm vải trắng, một cây nến, chai rượu. Rọi nến qua miếng vải trắng tôi thấy những quá khứ và tương lai. Ngoài ra tôi còn chỉ họ cách cúng để trừ nạn”, Hồng giải thích. Theo Trưởng CAX Ba Tô Phạm Văn Ách: “Phạm Văn Hồng còn xem bói bằng tờ tiền. Sau khi xem xong, tờ tiền trên thuộc về “thầy”. Đa số những người có hoàn cảnh đau ốm, mâu thuẫn, vật nuôi bệnh, chết,... nên tìm đến thầy xem bói, chỉ cách cúng giải nạn”.

Do cuộc sống người dân đồng bào thiểu số ở miền núi Ba Tơ còn lạc hậu, thiếu hiểu biết nên còn tin vào mê tín. Lợi dụng điều này, gia đình Hồng đã bịa ra những chuyện phù phiếm để nhiều người tin tìm đến. Một đồn mười, mười đồn trăm làm cho nhiều câu chuyện càng trở nên kỳ lạ. Những lời “phán” của thầy bói nhí vô hình trung gây tâm lý hoang mang cho nhiều người dân sống ở đây.

CAH Ba Tơ cũng đã làm việc với Phạm Văn Hồng về việc hoạt động mê tín dị đoan. Hồng và gia đình viết cam đoan sẽ không tổ chức bói, cúng mê tín dị đoan trục lợi, bịa chuyện hủ tục gây mâu thuẫn trong nhân dân. Trưởng CAX Ba Tô Phạm Văn Ách cho rằng, do trình độ dân trí còn kém, nên hiện tượng mê tín, dị đoan vẫn còn tồn tại. Chính những người xem bói như Hồng càng làm gia tăng mê tín dị đoan, mất an ninh trật tự tại địa phương. Thời gian qua CAX đã tập trung răn đe, giáo dục gia đình Phạm Văn Hồng, đồng thời vận động, tuyên truyền người dân thêm hiểu biết để tránh xa việc cúng bói mê tín dị đoan.

Lực lượng CA tuyên truyền giáo dục pháp luật đối với Phạm Văn Hồng và các thầy bói,
thầy cúng khác ở Ba Tơ.

Ngoài việc cơ quan chức năng răn đe, giáo dục Phạm Văn Hồng, dư luận đề nghị xử lý nghiêm đối với cha mẹ của Hồng. Là cái tuổi học hành, vui chơi, nhưng cha mẹ ruột lại bắt con nhỏ nghỉ học, dựng chuyện phù phiếm mê tín dị đoan lên con mình để trục lợi.

Một thực tế tồn tại ở các bản làng dân tộc Hrê ở miền núi Quảng Ngãi là sự xuất hiện của các thầy cúng, thầy bói. Mỗi lần có người đau ốm chết, hoặc mâu thuẫn nghi ngờ nhau, phần đông đồng bào ở đây thường tìm đến thầy cúng, thầy bói này để xem có bị cầm đồ thuốc độc hay không. Vô tình, các thầy cúng, thầy bói trở thành một thế lực vô hình trong cộng đồng của đồng bào miền núi. Và, phía sau mỗi vụ nghi cầm đồ thuốc độc lúc nào cũng có màu sắc mê tín dị đoan, do vậy đã xuất hiện tình trạng các thầy cúng, thầy bói câu kết với nhau để trục lợi cho riêng mình...

Mới đây, CAH Ba Tơ tổ chức cho hơn 200 thầy bói, thầy cúng ký cam kết chống tư tưởng mê tín, dị đoan, nghi kỵ cầm đồ thuốc độc. Đây là con số người hành nghề bói, cúng không nhỏ. Vì vậy, công tác xóa dần hủ tục, mê tín dị đoan ở địa bàn miền núi vẫn là nhiệm vụ đầy khó khăn, nan giải đòi hỏi đồng loạt các cấp, cấp ngành vào cuộc.

T. Sự