Thay đổi tư duy và phương pháp học để đạt kết quả cao

Thứ hai, 18/02/2019 10:34

Trong kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia vừa qua, tỉnh TT-Huế đã thắng lớn - với tổng cộng 52 giải. Trong đó, có 2 giải Nhất môn Vật lý và 1 giải Nhất môn Hóa học. Với môn Vật lý, ngoài 2 giải Nhất còn có 2 giải Nhì và 1 giải Khuyến khích. Thành tích ấn tượng dó là nhờ thay đổi tư duy và phương pháp học tập của thầy trò học sinh lớp 11 chuyên Lý 1, Trường THPT chuyên Quốc học Huế.

Lê Công Minh Hiếu đạt giải Nhất môn Vật lý trong kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia năm 2019.

Học chậm mà chắc

Khi biết tin mình trở thành chủ nhân của giải Nhất môn Vật lý với số điểm 29,5  trong kỳ thi  học sinh giỏi Quốc gia năm 2019, Lê Công Minh Hiếu khá bất ngờ về thành tích của mình. Sinh ra trong gia đình có hai chị em, bố là lái xe, mẹ làm tại Cty Dệt may nên ngay từ nhỏ, em đã được rèn luyện tính tự lập. Đó cũng là một trong những yếu tố giúp Hiếu đạt được những thành tích đáng nể trong học tập. Hiếu chia sẻ: “Với sự định hướng của các thầy cô, hầu hết mọi vấn đề liên quan đến ôn luyện môn Vật lý em đều giải quyết ngay ở trên lớp. Em được cập nhật nhiều tài liệu trong nước cũng như nước ngoài, nhất là những kiến thức mang tính chuyên nhằm đáp ứng yêu cầu của đề thi Quốc gia. Ngoài việc cung cấp kiến thức, giáo viên tận tình hướng dẫn cho em về các kỹ năng làm bài; phương pháp làm bài tối ưu và cách trình bày bài thi; việc phân bố thời gian trong suốt quá trình làm bài nhằm giúp cho các em có thể thể hiện tốt nhất bài làm của mình. Còn kinh nghiệm của em là chậm mà chắc, không nóng vội, phải nắm chắc kiến thức cơ bản, đến khi tìm ra được bản chất cuối cùng của vấn đề thì thôi”.

Lê Công Minh Hiếu cũng là học sinh tiêu biểu đoạt giải Nhất kỳ thi học sinh giỏi quốc gia 2019 bộ môn Vật lý. Trước đây, Lê Công Minh Hiếu là học sinh danh dự của Trường THCS chuyên Nguyễn Tri Phương (TP Huế) - Trường THCS chuyên duy nhất của tỉnh TT-Huế. Tuy được thầy cô và gia đình đánh giá cao học lực nhưng Hiếu không ít lần thể hiện sự mất ổn định trong các kỳ thi. Điển hình, Hiếu từng xuất sắc đoạt Huy chương Vàng khu vực miền Trung - Tây Nguyên tại Cuộc thi Giải toán trên máy tính cầm tay năm 2017 do Bộ GD&ĐT tổ chức, nhưng lại khiến mọi người hụt hẫng với giải Khuyến khích môn Toán cấp tỉnh năm học lớp 9. Vào bậc THPT, Hiếu dần được rèn luyện cách làm bài thi nhiều hơn. Hiếu tiết lộ, để đạt được điểm cao môn Vật lý, cần tích cực giải nhiều đề thi, phân bổ thời gian làm bài thi hợp lý từ dễ đến khó. Bên cạnh đó, quá trình học cần có sự bố trí phù hợp giữa học tập và giải trí, tránh căng thẳng trước giờ thi.

Em Tống Phước Thanh Bình là một trong 2 học sinh của lớp đoạt giải Nhất kỳ thi này. Từ lớp 10, Bình được lựa chọn vào đội tuyển luyện thi học sinh giỏi Vật lý của Trường. Khối kiến thức phổ thông môn Vật lý từ lớp 10 đến lớp 12, các bài tập nâng cao cùng môi trường học tập cạnh tranh khắc nghiệt khiến Bình nhiều lúc cảm thấy mệt mỏi và có ý chùn bước. Tống Phước Thanh Bình chia sẻ, trước đây, kết quả các bài kiểm tra trên lớp của em thường không cao, em đã luôn suy nghĩ về bản thân. Sau đó, em nhận ra mình đã đánh giá cao bản thân, dễ dàng hài lòng với những gì làm được khiến thành tích học tập của em “đứng yên”. May mắn là em đã kịp thay đổi suy nghĩ, luôn đặt mục tiêu cao hơn năng lực bản thân để cố gắng vươn lên.

Chia sẻ về phương pháp học môn Vật lý, em Tống Phước Thanh An (đoạt giải Nhì kỳ thi học sinh giỏi quốc gia 2019 môn Vật lý) bật mí, kho tàng kiến thức là vô hạn nhưng phải biết học có chọn lọc. Không cần dành thời gian quá nhiều cho việc học nhưng khi đã ngồi vào bàn học phải tập trung cao độ để tiếp thu kiến thức hiệu quả. Tống Phước Thanh Bình chia sẻ thêm, từng bài toán sau khi được giải ra, chúng ta cần nghiên cứu lại để hiểu rõ bài làm và rút kinh nghiệm cho những bài toán tương tự về sau. Như vậy, chúng ta mới có thể nắm chắc và sâu kiến thức.

Thầy Lê Quốc Anh, giáo viên chủ nhiệm đồng thời là thầy giáo dạy Vật lý lớp 11 chuyên Vật lý 1, Trường THPT chuyên Quốc học Huế cho hay, để có thể xây dựng đội tuyển học sinh giỏi chất lượng, thầy phải tìm hiểu rất kĩ, liên hệ các thầy cô giáo cấp 2 nắm bắt học sinh có tiềm năng và hiểu rõ thế mạnh, điểm yếu của từng em. Từ đó giúp rút ngắn thời gian phát hiện nhân tố và tập trung cải thiện chất lượng ôn tập cho từng em.

P.V