(Cadn.com.vn) - Umar Patek - kẻ chủ mưu vụ đánh bom Bali, Indonesia 2002 - bị bắt vào tháng 1-2011 tại thành phố Abbottabad, Pakistan - nơi trùm khủng bố Osama bin Laden bị tiêu diệt – và sau đó bị dẫn độ về Indonesia. Việc bắt được Patek chính là cú giáng mạnh vào mạng lưới khủng bố Jemaah Istamiyah (JI) ở Đông Nam Á, nhóm chiến binh hồi giáo được cho là đã thực hiện các cuộc tấn công nguy hiểm và có liên hệ với Al-Qaeda.
Umar Patek có liên hệ với Osama bin Laden?
Qua các cuộc thẩm vấn, Umar Patek thú nhận vai trò của mình trong vụ đánh bom Bali nhưng lại bỏ ngỏ mối quan hệ với Osama bin Laden. Đặc biệt, Patek còn cung cấp khá chi tiết về mối quan hệ của các phần tử Al-Qaeda ở Nam Á với các nhóm khủng bố ở Đông Nam Á.
Riêng phần khai về vụ đánh bom ở Bali, thông tin khai báo phù hợp với thông tin của 86 người làm chứng đã cung cấp. Tuy nhiên, cũng có những lời khai của Patek khiến người ta nghi vấn. Patek cho biết, mình là thành viên của Al-Qaeda, được đào tạo khá bài bản tại Afghanistan trước cuộc tấn công 11-9-2001 vào Mỹ nhưng việc y đến Pakistan không phải là để gặp Bin Laden mà để xây dựng mạng lưới chống khủng bố mới tại đây. Trong đoạn băng ghi âm cuộc hỏi cung Patek dài 30 phút hồi tháng 9-2011, đương sự khai “việc Osama bin Laden bị giết trùng hợp ngẫu nhiên khi tôi có mặt tại thành phố Abbottabad, tôi thề có Chúa là như vậy”. Riêng thông tin về Osama bin Laden thì Umar Patek vẫn chưa khai cụ thể. Tuy nhiên, sự thật thì nhờ sự hỗ trợ của những người dân địa phương mà người ta đã bắt được Patek và giúp cho lực lượng đặc nhiệm Mỹ tìm ra nơi ẩn náu của Osama bin Laden. Điều đó cho thấy, rất có thể Patek và Bin Laden hoạt động chung trong cùng một tổ chức.
Tuy nhiên, cả chính phủ Pakistan lẫn Indonesia đều không khẳng định chính thức sự liệu việc cả hai đều có mặt ở thành phố Abbottabad vào thời điểm “nhạy cảm” đó có là ngẫu nhiên hay không. Trong khi đó, nguồn tin tình báo của Pakistan lẫn Indonesia đều cho rằng, Al-Queda cần Patek để phục vụ cho mục đích thành lập trại huấn luyện tại Afghanistan.
Khủng bố ở Nam Á và Đông Nam Á
Qua thẩm vấn Umar Patek, người ta đã phát hiện ra nhiều tình tiết quan trọng về mối quan hệ chằng chịt của mạng lưới khủng bố ở Nam Á và Đông Nam Á, hiện đang từng bước được củng cố bất chấp việc trùm khủng bố Osama bin Laden bị tiêu diệt hồi tháng 5-2011.
Kết quả cuộc thẩm vấn cũng hé lộ việc Patek thất vọng với Jihad ở Đông Nam Á và Nam Á. Và chính điều này đã làm cho y “án binh bất động” trong nhiều tháng tại Afghanistan. Đây cũng là lý do để khẳng định tại sao Patek lại chuyển sang Afghanistan để xây dựng lại các mạng lưới khủng bố ở hai khu vực nói trên vốn từ lâu đã bị lỏng lẻo. Theo Patek, thì sau hơn 2 thập kỷ, sự hợp tác giữa các băng nhóm Jihad bắt đầu suy giảm. Bằng chứng là, trong thập niên 1990 và 2000 các hoạt động của Jihad ở khu vực này ít nguy hiểm hơn nhưng do sự quản lý đường biên thả lỏng mà các băng nhóm khủngbố bắt đầu sử dụng khu vực Nam Á làm nơi bàn tính các âm mưu khủng bố, đặc biệt là tấn công các mục tiêu phương Tây. Ví dụ, vụ khủng bố kinh hoàng nhằm vào nước Mỹ ngày 11-9-2001 được khởi xướng từ thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia và Bangkok của Thái Lan. Trong khi đó, vụ ném bom Trung tâm Thương mại Thế giới năm 1993 do Ramzi Uousef thực hiện cũng có nguồn gốc từ thủ đô Manila ở Philippines. Một số vụ khủng bố khác như vụ tấn công Giáo hoàng và vụ nổ 12 chiếc máy bay trên đường từ Châu Á đến Mỹ trong 2 ngày hay còn gọi là “khủng bố Bojinka” cũng được xem là có “khởi thủy” từ Nam Á những năm đầu thập niên 90 ở thế kỷ trước mặc dù có những vụ trong số này bất thành.
 |
Tên Umar Patek là kẻ chủ mưu vụ khủng bố kinh hoàng trên bảo Bali, Indonesia năm 2002. Ảnh: ABC |
Giữa thập niên 1990 ở thế kỷ trước, nhiều mạng lưới khủng bố Nam Á được thành lập với sự hỗ trợ tài chính của Al-Qaeda như tổ chức của Addurajik Janjalani, tách ra từ Abu Sayyaf và được trợ giúp tài chính bởi Osama bin Laden hoặc tổ chức của Zulkifli bun Hir ở Malaysia hay Abu Bakar Bashir... Sang thập niên 2000, nhiều mạng lưới khủng bố, trong đó có Jihadi Afghanistan đã có thể “tự cung tự cấp” nhờ những hoạt động bắt cóc, rửa tiền, bảo kê... Vụ đánh bom Bali năm 2002 đều do những thành viên cốt cán Jihadi Afghanistan đảm nhận như Azahari Husin, Dulmatin, Hambali và Umar Patek. Tất cả những tên khủng bố này đều được xem là những đối tượng sừng sỏ trong lĩnh vực khủng bố.
Vụ tấn công Bali xảy ra tại quán bar Paddy và Câu lạc bộ Sari ở khu nghỉ dưỡng Kuta. Mục tiêu chủ yếu của cuộc tấn công là nhắm vào người nước ngoài. Những người thiệt mạng đến từ 21 quốc gia, trong đó có 88 người Australia, 38 người Indonesia và 28 người Anh.
Phối hợp chống khủng bố
Sau vụ 11-9-2001 và vụ đánh bom Bali 2002, Mỹ cùng Philippines hợp tác chặt chẽ để tấn công tổ chức khủng bố của Abu Sayyaf. Phần khác, Mỹ và Australia cũng dành những nguồn tiền đáng kể cho lực lượng chống khủng bố số 1 hiện nay của Indonesia có tên Detachment 88 với số tiền lên đến hàng trăm triệu USD.
Kết quả là, từ năm 2001, lực lượng của Abu Sayyaf đã suy yếu hẳn, và đến nay chỉ còn khoảng 300-400 tên (so với 1.000 tên trước đó) chủ yếu hoạt động ở Mindanao trên đảo Sulu và đảo Jolo. Ngoài ra, máy bay không người lái của Mỹ gần đây cũng đã giúp xác định các vị trí hoạt động của Abu Sayyaf và cung cấp thông tin về tọa độ cho Không quân Philippines. Tính đến tháng 2-2012, Mỹ đã hỗ trợ Philippines bắt được nhiều thủ lĩnh của JI Abu Sayyaf như Abu Dujana ở miền trung Java hoặc tìm ra nơi trú ẩn của trùm khủng bố JI là Dulmati, kẻ khủng bố khét tiếng được trao giải tới 10 triệu USD. Và cũng nhờ vệ tinh của Mỹ và Australia, lực lượng Detachment 88 bắt được kẻ bị truy nã gắt gao nhất của JI, tên Abu Dujana ở Trung Java. Trong năm 2010, Detachment 88 tìm được nơi ở của Dulmati tại quán cà-phê Internet tại Jakarta hoặc tháng 5-2010, đội đặc nhiệm số 1 của Indonesia còn tìm ra nơi ở của Abu Baker Bashir ở Aceh và đến tháng 5-2011 Bashir đã bị kết án 15 năm tù.
Bất chấp cuộc chiến chống khủng bố ở Nam Á và Đông Nam Á vẫn không ngừng sôi động, các băng nhóm khủng bố tại khu vực vẫn nỗ lực ngoi lên với nhiều “chính sách mới”. Vì vậy các nước trong khu vực không được lơ là mất cảnh giác, nhất là khi thế hệ khủng bố mới được củng cố, và những tiến bộ khoa học hiện đại được bọn khủng bố áp dụng cho mục đích chống lại nhân loại.
Duy Hùng (Theo ATO)
Osama bin Laden tài trợ cho vụ khủng bố Bali
Trong khi mối quan hệ với Osama bin Laden với vụ đánh bom Bali chưa rõ ràng, thì truyền thông Indonesia ngày 27-3 dẫn lời một trong những kẻ chủ mưu các vụ khủng bố này cho biết, chính thủ lĩnh Al-Qeada đã tài trợ 30.000 USD cho các vụ đánh bom hai câu lạc bộ đêm ở đảo Bali.
 |
Umar Patek (giữa, áo trắng) tại Tòa án quận Tây Jakarta hôm 26-3. Ảnh: EPA |
Theo báo Jakartaglobe, tên Mohammad Ihsan đã khai tại Tòa án quận Tây Jakarta hôm 26-3 rằng, số tiền để thực hiện các vụ đánh bom là do Osama tài trợ, và chúng được dùng để mua một chiếc xe nhỏ Mitsubishi L300 để chở bom, hai chiếc xe máy, các loại nguyên vật liệu cần thiết để chế tạo bom và và chi phí sinh hoạt trong thời gian lên kế hoạch, chuẩn bị và thực hiện các vụ khủng bố ở Bali. Tên Mohammad Ihsan, còn được gọi là Idris, cho biết tiền tài trợ còn đến từ một số nguồn khác, song nhân chứng không rõ là đến từ các nguồn cụ thể nào. Idris ra tù hồi tháng 1-2009 và hiện là nhân chứng trong phiên tòa xét xử Umar Patek- người đang đối mặt với án tử hình. 3 phần tử khác cũng thực hiện hai vụ đánh bom ở Bali năm 2002 là Imam Samudra, Amrozi Nurhasyim và Ali Ghufron, đã bị tử hình năm 2008.
T.Nguyên |