THẤY GÌ QUA VIỆC TP ĐÀ NẴNG KHÔNG CẤM XE BA GÁC, XÍCH LÔ ĐẠP

Thứ hai, 07/01/2008 00:00

(Cadn.com.vn) - Nghị quyết 32 của Chính phủ ghi rõ: “Từ ngày 1-1- 2008, đình chỉ lưu hành ô-tô đã hết niên hạn sử dụng, xe công nông, xe tự chế 3, 4 bánh. Trường hợp cố tình vi phạm sẽ bị tịch thu xử lý bán phế liệu, sung vào công quỹ”.

Tuy nhiên, khái niệm “xe tự chế 3, 4 bánh” đã được các địa phương hiểu theo hai cách khác nhau nên việc áp dụng chế tài xử lý hiện không thống nhất. Nhiều địa phương cho rằng “xe tự chế 3, 4 bánh” là tất cả các loại xe 3, 4 bánh gồm xe cơ giới và xe thô sơ. Vì vậy, các loại xe như xích-lô đạp, ba-gác đạp, xe 4 bánh đẩy cũng đều bị cấm hoàn toàn. Trong khi đó có địa phương, đơn cử như TP Đà Nẵng thì các loại xe 3, 4 bánh thô sơ vẫn được lưu thông bình thường.

Theo Thượng tá Nguyễn Đến- Trưởng phòng CSGT – CATP Đà Nẵng thì Nghị định 146 của Chính phủ không đề cập đến việc xử phạt các phương tiện giao thông thô sơ mà chỉ đưa ra chế tài xử lý đối với các loại xe công nông có kết cấu tương tự xe ô-tô, xe 3, 4 bánh tự chế có kết cấu tương tự xe mô-tô, xe gắn máy. Với xe thô sơ, việc đăng ký, quản lý sẽ do Chủ tịch UBND tỉnh TP trực thuộc T.Ư quy định, vì vậy Đà Nẵng không cấm xe 3, 4 bánh thô sơ là thực hiện theo quy định của Luật chứ không phải là sự “lách luật” như dư luận có ý kiến.

Hiện tại, trên các tuyến đường của TP Đà Nẵng hầu như đã vắng bóng xe công nông, và những loại xe 3, 4 bánh gắn động cơ khác. Tuy nhiên, xe ba-gác đạp, xích-lô đạp vẫn được lưu thông. Đội xe xích-lô du lịch của TP Đà Nẵng với gần 70 chiếc phục vụ du khách được xem là một trong những loại hình dịch vụ du lịch độc đáo của địa phương vẫn hoạt động bình thường. Các xe xích-lô du lịch này cũng như các loại xe xích-lô, ba-gác khác đều được đăng ký quản lý tại CA các quận, huyện và được cấp biển số.

 Trong khi đó, các tỉnh trong khu vực miền Trung như Quảng Nam, Quảng Ngãi hay Phú Yên và cả TP Hồ Chí Minh đều đã cấm lưu thông xe 3, 4 bánh có động cơ và cả xích-lô, ba-gác đạp. Hiện, Sở GTCC TP Đà Nẵng là cơ quan tham mưu cho UBNDTP trong việc tổ chức thực hiện Nghị quyết 32 của Chính phủ hiện vẫn chưa có ý kiến cụ thể về vấn đề này.

Vấn đề chúng tôi muốn nói ở đây không chỉ là cách hiểu nào đúng, cách hiểu nào sai mà vấn đề là ở chỗ, trong thời buổi thông tin thuận lợi như hiện nay, một điều khoản luật ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu người dân lao động nhưng các cơ quan chức năng đã rất chậm chạp trong việc hướng dẫn thi hành luật. Cùng một điều khoản luật nhưng mỗi địa phương lại thực hiện mỗi cách. Đây là điều tối kỵ trong hoạt động thực thi pháp luật. 

Khánh Hiền