Thấy gì từ chuyến du lịch "Hương sắc Cơ Tu"?

Thứ năm, 05/02/2015 07:20

(Cadn.com.vn) - Về xã Tà Bhing (H.Nam Giang, Quảng Nam) những ngày này, khách du lịch sẽ được chiêm ngưỡng và trải nghiệm những không gian văn hóa, lịch sử đặc sắc của người Cơ Tu. Giảm nghèo bằng cách tạo thêm những nguồn thu nhập mới. Tăng giá trị du lịch của H.Nam Giang thông qua việc bảo tồn, cải thiện và tận dụng các nguồn lực thiên nhiên, văn hóa và xã hội. H.Nam Giang nói chung và xã Tà Bhing nói riêng đang từng bước phát triển nhờ làm tốt dự án du lịch dựa vào cộng đồng Cơ Tu.

Những hướng dẫn viên không chuyên

Trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua Bến Giằng, chúng tôi gặp ông Bling Riêu (74 tuổi, xã Tà Bhing) đang đứng chờ đoàn du khách Nhật Bản. Ông Riêu từng là bộ đội tham gia chiến đấu chống Mỹ ngay trên địa bàn H.Nam Giang. Với người cựu chiến binh này, con đường Hồ Chí Minh như là một phần máu thịt của mình. Hôm nay, ông cũng đứng trên con đường lịch sử, dưới cái nắng miền núi dịu nhẹ nhưng không phải cầm súng bắn giặc mà là chuẩn bị làm... hướng dẫn viên du lịch. "Tôi là người đã từng chiến đấu chống giặc Mỹ tại nơi này. Đồng đội của chúng tôi đã hy sinh tại đây để bảo vệ từng tất đất của quê hương. Nay tôi rất vui mừng và tự hào khi được làm người dẫn khách du lịch đi tham quan nơi đây"-ông Riêu hào hứng chia sẻ.

Một du khách Nhật thích thú vẽ lại chiếc xe tải lịch sử.

Những người bạn Nhật Bản tỏ ra vô cùng thích thú khi được một nhân chứng lịch sử dẫn đi tham quan di tích chiến tranh đang được phục dựng lại. Với họ, Việt Nam và Nhật Bản có cùng một miền ký ức đau thương tột cùng bởi chiến tranh. Giờ đây, khi được tận mắt nhìn thấy những chiếc xe tải đã từng "xẻ dọc Trường Sơn", nhìn thấy những chiến hào từng là "tấm khiên" vững chắc bảo vệ bộ đội trước những trận "mưa" bom của địch... các du khách tỏ rõ sự thán phục của mình. Trong chuyến đi này chúng tôi còn gặp một cô gái Cơ Tu 23 tuổi rất thông thạo tiếng Anh. Nằm trong chương trình đào tạo hướng dẫn viên du lịch cho người Cơ Tu của Tổ chức cứu trợ và phát triển quốc tế (FIDR)-Nhật Bản, chị Alăng Xuân bắt đầu công việc này từ tháng 9-2014.

Với chị, đây không chỉ là nghề kiếm thêm thu nhập mà còn là môi trường để chị và các thành viên trẻ tuổi khác tìm hiểu và cảm nhận sâu sắc hơn nét đẹp của văn hóa Cơ Tu, lịch sử bất khuất của quê hương mình. Chị Xuân trò chuyện với chúng tôi bằng tiếng Kinh rõ ràng và lưu loát: "Mình làm hướng dẫn viên được gần 5 tháng rồi. Trước đây chưa quen mình run lắm mỗi khi nhận "tour". Giờ mình đã tự tin hơn để giới thiệu văn hóa Cơ Tu với khách du lịch Việt Nam và cả khách nước ngoài nữa".

Có thể thấy, dự án du lịch dựa vào cộng đồng này đã được người dân Cơ Tu từ già đến trẻ hưởng ứng rất nhiệt tình. Họ tham gia làm hướng dẫn viên trên tình thần tự nguyện. Chính những hướng dẫn viên không chuyên này đã giúp cho hơn 2.300 người dân tộc Cơ Tu tại xã Tà Bhing thêm tự hào về các kho tàng thiên nhiên và văn hóa của quê hương mình. Ngoài ra, họ còn giúp du khách hiểu và tôn trọng những giá trị, phong tục tập quán, văn hóa và xã hội của người dân địa phương.

Du khách nước ngoài trải nghiệm phong cách thiên nhiên cùng các cô gái Cơ Tu.

Thêm sức sống cho chủ thể văn hóa

Đến xã Tà Bhing, du khách không chỉ được tham quan di tích chiến tranh trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua bến Giằng (H.Nam Giang) mà còn được tham gia vào các sinh hoạt văn hóa thường ngày của người dân Cơ Tu nơi đây. Được biết, từ năm 2001, với mong muốn khôi phục lại nghề dệt truyền thống Cơ Tu đang dần bị mai một, Tổ chức Cứu trợ và phát triển quốc tế (FIDR) đã phối hợp cùng UBND H.Nam Giang thành lập Hợp tác xã Dệt thổ cẩm truyền thống Cơ Tu-ZaRa. Dựa trên tay nghề sẵn có của phụ nữ Cơ Tu, Hợp tác xã Dệt thổ cẩm giờ đây không chỉ giúp cho các chị, các bà có thêm thu nhập từ việc bán vải thổ cẩm mà còn khiến cho nghề dệt truyền thống không bị mất đi theo thời gian.

Có được sự thành công trong việc làm du lịch như hôm nay chính là nhờ sự coi trọng các chủ thể văn hóa-đồng bào Cơ Tu. Bởi không ai hiểu rõ nét đẹp văn hóa truyền thống Cơ Tu hơn chính họ, không ai có thể tái hiện các sinh hoạt văn hóa truyền thống nếu không có sự tham gia trực tiếp của người Cơ Tu. Việc trình diễn điệu múa "Vũ điệu dâng trời" Tung tung-da dá truyền thống cho du khách chiêm ngưỡng là một ví dụ hay về nét tươi mới của du lịch dựa vào cộng đồng. Từ năm 2012, H.Nam Giang đã tuyển chọn những thanh niên Cơ Tu để thành lập đội múa Tung tung - da dá nhằm tập luyện cho các buổi trình diễn khi có khách du lịch đến thăm.

Chị Aviết (45 tuổi, xã Tà Bhing) có cả con trai và con dâu cùng tham gia đội múa này cho biết: "Từ khi có người trên huyện về làm du lịch, cả xã này rộn ràng lên nhiều lắm. Trai gái trong xã đều đi tập múa. Trẻ con cũng bắt chước múa theo". Theo chị Aviết, từ lúc làm du lịch đến nay, tình hình ANTT, vệ sinh môi trường trong xã được cải thiện rõ rệt. Trước đây ngoài nghề nông, thanh niên trong làng hay tập trung lại uống rượu thâu đêm rồi sinh ra gây gổ, phá phách. Bây giờ thì ai cũng lo tập múa, tập hát, tập làm hướng dẫn viên du lịch. Thanh niên xã Tà Bhing đã từng bước nhận thức được vai trò của mình trong việc nâng cao đời sống, phát triển văn hóa và xã hội cho đồng bào Cơ Tu.

Bà Nobuko Otsuki, Trưởng đại diện Tổ chức Cứu trợ và phát triển quốc tế - Nhật Bản là người vô cùng tâm huyết với dự án du lịch này. "Chứng kiến đời sống người dân từng bước được cải thiện nhờ làm du lịch, tôi vô cùng vui mừng và tự hào. Chúng tôi đã giúp đỡ làm du lịch ở nhiều nơi khó khăn trên thế giới nhưng đồng bào Cơ Tu ở đây là những người mang lại cho tôi nhiều ấn tượng nhất. Họ chính là những chủ thể văn hóa vô cùng quan trọng mà các bạn cần phải trân quý nhiều hơn nữa" - bà Otsuki chia sẻ.

Từ bài học trong cách làm du lịch của Hội An và làng cổ Đường Lâm (Hà Nội), giờ đây H.Nam Giang đang thật sự có được một sản phẩm du lịch đúng nghĩa dựa vào cộng đồng Cơ Tu. Đó là sự kết hợp không thể khác giữa những người làm du lịch văn hóa và chủ thể văn hóa nếu như muốn bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống. Dựa vào chủ thể văn hóa để làm du lịch và từ nguồn thu của dịch vụ du lịch quay trở lại bảo tồn, nuôi sống chủ thể văn hóa.

Nguyễn Tấn Việt