Thấy gì từ du lịch đường sông ở Đà Nẵng?
Cách đây chưa lâu, người viết đã có chuyến đi thực tế cùng lãnh đạo thành phố và đại diện một số sở, ngành để tìm hiểu về các điểm đến của tuyến du lịch đường sông từ nội thành Đà Nẵng đến H. Hòa Vang. Canô xuất phát từ Cảng sông Thu cũ, chạy từ sông Hàn đến sông Cẩm Lệ, sông Cầu Đỏ, sông Yên và cuối cùng là sông Túy Loan.
Hoạt động đua thuyền trên sông Túy Loan. |
Trời hôm đó rất nóng nhưng ngồi trên canô lướt trên sông, không khí dịu mát hẳn. Nhìn về 2 bên bờ sông mới thấy còn nhiều tiềm năng để khai thác, theo những phân khúc khác nhau từ nơi “thuần túy đô thị” là đoạn thuộc địa phận quận Hải Châu, Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ đến nơi “thuần túy thôn quê” thuộc H. Hòa Vang.
Vùng ven sông đô thị
Ở khu vực đô thị, điểm đến đầu tiên là Bến K20 thuộc Q. Ngũ Hành Sơn, nơi có một bến tàu đã được hình thành để du khách lên thăm khu di tích lịch sử cấp quốc gia “Căn cứ K20” mà hiện nay, Đề án xây dựng điểm đến du lịch cho Khu di tích này đang được Q. Ngũ Hành Sơn triển khai. Khu vực thuộc quận Hải Châu và Cẩm Lệ, hai bên bờ sông đa số đều đã có bờ kè nhưng nhiều khu vực còn để cây cỏ phát triển tự nhiên, trong đó có nhiều chỗ cỏ rác tấp vào trông rất “hoang sơ”, nói không quá là hơi nhếch nhác. Chợt nghĩ, trên nền tảng có sẵn này, việc hình thành những công viên nhỏ, tiểu cảnh, vườn dạo là rất hợp lý, tránh mở quán nhậu xô bồ, rất dễ ảnh hưởng đến cảnh quan và môi trường. Trong bối cảnh hiện nay, nội thành ngày càng chật chội và nóng nực, người dân và cả du khách có thể ra dọc bờ sông ngồi ngắm cảnh, dạo mát vào buổi chiều, chạy bộ vào buổi sáng nơi chỉ có sông nước và hoa lá cỏ cây, thoáng đáng, sạch sẽ thì thật là thú vị.
Trong phạm vi thuộc địa giới đô thị (Q. Cẩm Lệ), còn có một địa danh có thể xem là một điểm đến đặc biệt, đó là “Điểm tham quan, nghỉ ngơi, giải trí ven sông Phong Lệ”. Ở đây có di tích nền móng tháp Chăm 1.000 năm tuổi, có truyền thống “Lễ hội Mục đồng” giàu tính nhân văn, có nhiều nghề thủ công, có vườn rau La Hường... Về cơ sở hạ tầng thì ở đây có đất để làm bến thuyền, có bãi để đỗ xe đường bộ và còn đất để làm các hạng mục nhà bảo tàng cộng đồng, sân khấu nghệ thuật dân gian, hàng quán món ăn truyền thống bánh xèo, bánh bèo, bánh nậm..., bán sản phẩm lưu niệm địa phương (khô mè Cẩm Lệ, chiếu Cẩm Nê, đá Non Nước, bánh tráng Túy Loan...).
Nói thêm về Khu di tích Chăm Phong Lệ, điểm khảo cổ này đã nhận được ý kiến tư vấn ủng hộ của nhiều nhà khảo cổ hàng đầu, như các Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Cục Di sản, Hội khoa học lịch sử thành phố Đà Nẵng... tại nhiều cuộc hội thảo và cũng hết sức quan trọng là có sự đồng thuận của nhân dân, của chính quyền phường, quận tại nhiều cuộc họp và đã được lãnh đạo thành phố phê duyệt ranh giới quy hoạch hơn 15.000 m2 cho khu bảo tồn, phát huy giá trị di tích Phong Lệ..., đồng thời được sự quan tâm của dư luận, thể hiện qua nhiều báo, phóng sự truyền hình của cả địa phương và Trung ương.
Để phát triển du lịch đường sông một cách bền vững thì không thể thiếu vắng các điểm tham quan, nghỉ ngơi, giải trí ven sông. Vấn đề này đã đặt ra nhiều năm, nhưng còn vướng nhiều bất cập nên tiến triển chậm, thậm chí phải thụt lùi vì các điều kiện phù hợp đã mất dần đi theo thời gian. Đơn cử như “Du lịch làng quê Phong Nam” đã xuất hiện hơn 10 năm về trước thế nhưng nay hầu như đã không được nhắc đến nữa, những con đường làng với bóng tre râm mát đã thay bằng đường bê-tông và hàng rào sắt, các giàn hoa mướp, vồng cải xanh đã được phân lô xây nhà...
Vùng ven sông thôn quê
Khu vực ven sông “thuần túy thôn quê”, đa phần thuộc H. Hòa Vang dọc 2 bên bờ sông Yên, sông Túy Loan, cần quan tâm giữ lại nét thôn dã bằng những hàng tre, chỉ xây kè ở nơi cần thiết. Cần hình thành những điểm đến để phục vụ du lịch làng quê, nơi 2 bờ còn tồn tại những hình ảnh điển hình của làng quê như bến nước, đình làng, hàng cau, hàng rào chè tàu, ô rô, dâm bụt... Và cũng là nơi để làm những homestay, farmstay cho du khách đến lưu trú, trải nghiệm ăn ở, trồng rau, nuôi cá, làm bánh tráng, mì Quảng, cùng nông dân. Và thực tế là bước đầu đã có 1 điểm đến được xác định là bến tàu lên Đình làng Túy Loan và một bến tại thôn Thái Lai nơi có khu homestay “Tích Thiện Đường” của ông chủ Đỗ Hữu Minh còn có tên là ông “Minh đá”, người rất tâm huyết với việc làm du lịch cộng đồng, cũng như một số hộ dân, chủ nông trại ở khu vực Túy Loan, và Thái Lai, Hòa Khương...
Tiềm năng du lịch đường sông đặc biệt là ở Hòa Vang còn rất lớn, đó là những điểm đến riêng có, nơi có những con người tâm huyết, trong đó có nhiều Startup muốn làng quê đổi mới nhưng vẫn giữ được bản sắc. Cái còn lại là chủ trương, cơ chế rõ ràng cùng một sự đồng hành, hỗ trợ của chính quyền và cơ quan có liên quan, tất cả hãy cùng chung tay góp sức để giúp ý tưởng tốt đẹp về xây dựng Du lịch đường sông của lãnh đạo thành phố Đà Nẵng sớm trở thành hiện thực.
DÂN HÙNG