Thầy giáo 37 năm cắm bản

Thứ hai, 12/05/2014 05:20

"Thồ"…chữ lên non

(Cadn.com.vn) - Ngược sông đến thượng nguồn Thu Bồn là xã Quế Lâm, H. Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam. Làng Cấm La ẩn hiện trong bồng bềnh sương sớm. Một góc nhỏ đường làng vang lên tiếng ê a của đám học trò báo hiệu một ngày mới vừa lên trên vùng đất một thời đối mặt với bao gian khó. Cheo leo cạnh vách núi, Cấm La thu mình trong cái lạnh nơi thượng nguồn sông Thu.

Toàn thôn có 68 hộ dân với 295 nhân khẩu miền sơn cước này ngày nay mới thực sự "sống" khi đường đã được bê-tông hóa, điện đã về làng hơn một năm, cầu Bến Đình đã được xây, nối "ốc đảo" Cấm La với cuộc sống nhộn nhịp đổi thay bên ngoài. Và hơn ai hết, thầy giáo làng vui mừng khi hai phòng học được xây dựng kiên cố để mỗi ngày người giáo già chuyên chở cái chữ đến với các em...

Năm 1977 thầy giáo Phan Văn Mễ ra trường, ngược đường băng núi lên vùng Tây Quế Sơn (nay là huyện mới Nông Sơn) để gieo chữ. Đến năm 1982, khi bén duyên với Cấm La, thầy giáo Phan Văn Mễ đã gắn đời mình với nghiệp "gieo chữ" với mảnh đất nặng ân tình này. Đến thăm ngôi trường nhỏ, gió rít qua những rừng keo lá tràm như hòa vào khúc tấu bài giảng và giọng trẻ thơ "đủ lớp". Hai phòng học, 6 dãy bàn, 5 cái bảng đen và 2 cái tủ gỗ là tài sản của  trường.

Tôi thắc mắc và khen thầy nhưng thầy xua tay mà rằng: "Thương mấy đứa nhỏ là cái chi rồi cũng làm được. Hồi trước có một phòng học, một mình thầy dạy ba khối lớp buổi sáng và hai khối lớp buổi chiều, đôi khi phải nhận mấy em mẫu giáo  gởi nữa, được như chừ là sướng hơn rồi". Khó khăn là thế nhưng hằng ngày thầy vẫn lặng lẽ đến lớp với nụ cười hiền lành, mái tóc lốm đốm bạc, giọng ôn hòa, ấm áp dạy cho các em con chữ, phép tính. Tôi hỏi "Sao thầy không xin chuyển công tác xuống những vùng xuôi cho thuận lợi hơn?".

Thầy cười nhân hậu: "Làm reng chuyển được hả cô? Đã lỡ yêu cái xứ thoảng mùi hoang dã, yêu sự ngây thơ và nhem nhuốc của học trò nơi này rồi, chừ coi đây như quê hương ruột thịt, không dứt bỏ được".

Mười lăm em học trò của năm khối lớp, mặt mũi sáng sủa, mắt đen lánh, đứa nào cũng bảo rằng chúng thương thầy như thương cha mẹ ở nhà. Người dân Cấm La nghèo khó, đời sống không ổn định, chủ yếu làm rừng vì không có ruộng đất. Họ thương thầy, thương lớp nghèo lắm nỗi gian nan nhưng cũng không có gì ngoài tấm lòng và sự biết ơn dành cho người thầy mấy mươi năm "thồ" chữ lên vùng này.

Bác Phạm Ước-trưởng thôn Cấm La cho biết: "Trình độ của người dân nơi đây còn quá thấp, nhiều người muốn làm cái này cái kia mà không có chữ nên khó quá. May nhờ có thầy Mễ nhiệt tình, yêu nghề yêu trẻ hằng ngày đem cái chữ đến với làng dọc khe Cấm La này nên ở đây ai cũng mừng".

Thầy giáo Phan Văn Mễ.

Ngày mới trên Cấm La

Thầy Mễ cho biết: "Mới đây, Phòng giáo dục huyện có ý định muốn xóa bỏ điểm trường này nhưng sau khi họp bàn người dân nơi đây không đồng ý. Trường ngoài kia xa quá mà học trò thì còn nhỏ nên khó mà đi học được, không khéo lại có đứa bỏ học thì tội".

Trong cuộc trò chuyện ngắn ngủi ấy, chúng tôi không sao quên được nụ cười in trên gương mặt đầy nếp nhăn của thầy Mễ khi nói về những thay đổi trên quê hương Cấm La mà tiêu biểu là ngay tại phòng học này "ít nhất từ năm ngoái đến bây giờ mấy đứa nhỏ cũng biết chút ít cái gọi là tiếng Anh". Chỉ có một thứ mà ở đây lúc nào cũng đầy đủ nếu không muốn nói là dư dả đó là tình yêu thương, tâm huyết của thầy dành cho trò, sự kính mến của trò dành cho thầy.

Đến nay, Cấm La chưa có ai học đến đại học, cao đẳng. Phần vì không đủ năng lực thi đậu mà hiếm hoi có thi đậu thì gia đình cũng không đủ khả năng nuôi ăn học. Nhưng đáng mừng là không có học sinh bỏ học, các em học chữ để lớn, để được chạm ngõ tri thức và đơn giản nhất là để sống cho ra sống.

 Tạm biệt Cấm La, bỏ lại sau lưng chúng tôi là những mái nhà, những mái đầu trẻ thơ ngóng trông một nhịp thay đổi, một làn gió tốt lành hơn đến với nơi này. Chia tay vùng đất Cấm La, chúng tôi ghi lại lời chia sẻ của thầy: "Muốn có nền giáo dục mới, phát triển và tiến bộ hơn thì sinh hoạt sản xuất, đời sống kinh tế của người dân phải đi trước một bước...".

Thưa thầy, những bạt ngàn cao su, những điện đường, trường trạm sẽ ươm mầm cho hy vọng tốt đẹp và tương lai sáng sủa phía trước! Tín hiệu vui đang về trong lòng người và cả góc phòng học bé nhỏ Cấm La thân thương nữa!

Huỳnh Sơn - Minh Tâm