Thầy giáo hiến đất xây trường, “đấu giá” bữa ăn cho học sinh

Thứ năm, 21/12/2017 10:01

Trước nhu cầu mở rộng cơ sở, phục vụ tốt hơn cho công việc dạy học của con em miền núi tại ngôi trường cũ mình từng công tác, thầy Nguyễn Khắc Điệp – hiện là Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Trà Mai  (H. Nam Trà My, Quảng Nam) đã hiến 600m2 đất không một chút do dự. Thầy Điệp cũng là điển hình của “cái khó ló cái khôn” trong việc sáng tạo nhiều cách làm nhằm kéo học sinh miền núi ra lớp và chuyên tâm học tập, không bỏ học giữa chừng.

Thầy Nguyễn Khắc Điệp chăm chút từng bữa ăn cho học sinh

“Huyện cần bao nhiêu cứ lấy bấy nhiêu”

Năm 2000, tốt nghiệp khoa Sử trường Đại học Đà Nẵng, thầy giáo trẻ Nguyễn Khắc Điệp (quê Núi Thành, Quảng Nam) xung phong lên cắm bản tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Trà Cang, huyện miền núi Nam Trà My. 17 năm trước, vùng đất mà việc đi lại giữa các thôn trong một xã có khi mất đến cả ngày leo núi, cái ăn cũng còn khó khăn với đồng bào Xê Đăng thì việc cho con đến trường kiếm cái chữ chỉ là mối quan tâm thứ yếu. Nhưng lòng yêu nghề của một chàng trai vốn xuất thân trong một gia đình “nghèo khó điển hình” ở miền biển đã giữ thầy giáo trẻ ở lại với núi rừng. Qua nhiều lần luân chuyển, năm 2007, thầy Điệp trở về đúng nơi “khởi nghiệp” và được tín nhiệm bố trí làm hiệu trưởng. “Nghe oai thế, nhưng vào thời điểm đó, hết giờ học là tôi mặc đồ ba lỗ ra cuốc đất trồng cây, nuôi lợn, tăng gia sản xuất để trang trải cuộc sống gia đình. Dành dụm mấy năm trời, vợ chồng mua được mảnh đất ngay phía sau trường. Đó cũng là nơi thỉnh thoảng tôi hướng dẫn cho phụ huynh cách trồng cây, nuôi con vật để thoát nghèo”, thầy Điệp kể.

Ngày thầy Điệp được điều động về làm Hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Trà Mai cũng là thời gian mà trường Trà Cang từng bước kiện toàn các tiêu chí đạt chuẩn quốc gia của huyện. Trong đó, quan trọng nhất là phải mở rộng cơ sở, xây thêm phòng học, phòng chức năng để đáp ứng tiêu chuẩn của Bộ GD-ĐT. Biết sau trường có lô đất của “ông giáo người rừng” Nguyễn Khắc Điệp nhưng vì đây là tài sản mồ hôi nước mắt, tích cóp hàng chục năm của hai vợ chồng nên lãnh đạo phòng Tài chính H. Nam Trà My gọi điện miết mà không biết phải đặt vấn đề thế nào cho phải lẽ. “Tôi về trao đổi với vợ. Cho thuận vợ thuận chồng thôi chứ cô ấy cũng biết ý mình rồi, nên hoàn toàn ủng hộ. Tôi nói với hiệu trưởng trường cũ và lãnh đạo phòng Tài chính là cần bao nhiêu sẽ hiến bấy nhiêu. Ngôi trường này là nơi tôi trưởng thành với nghề giáo, cho tôi nhiều thứ hơn cả một công việc. 600m2 đất mà học trò mình có chỗ học đàng hoàng, đồng nghiệp mình có thêm điều kiện cống hiến thì đáng lắm”, thầy Điệp trải lòng.

Xoay đủ cách để học trò tròn con chữ

Hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Trà Mai tâm sự, ở miền núi cao này, chuyện dạy học còn bộn bề khó khăn nhưng ai đã bám bản thì đều là những người sẵn lòng vì học sinh. Hầu như tất cả cán bộ quản lý của mỗi ngôi trường bằng cách này hay cách khác, “cái khó ló cái khôn” để giữ những đứa trẻ Xê Đăng với lớp học, bố mẹ chúng yên tâm lên rẫy hay bươn chải mọi công việc kiếm sống. Theo chế độ chính sách, ngoài việc miễn học phí, mỗi học sinh miền núi mỗi tháng được nhận hỗ trợ tương đương 40% mức lương cơ sở để trang trải việc học. Trong đó quan trọng nhất là chất lượng bữa ăn để đảm bảo dinh dưỡng cho tuổi ăn tuổi lớn. Với định mức như vậy, gần như hiệu trưởng các trường phải tính toán để mỗi đứa học trò sau khi ăn uống hàng tháng vẫn còn dư ra một khoản dùng mua sách vở, áo quần và các đồ dùng sinh hoạt bán trú.

Và, thầy Điệp đã nghĩ ra phiên “đấu giá suất ăn” cho học sinh được nhiều đồng nghiệp làm công tác quản lý ở các ngôi trường miền núi học tập. Cứ đầu mỗi năm học, Ban Giám hiệu nhà trường sẽ có thông báo gửi các đơn vị cung cấp thực phẩm về phiên đấu giá chọn ra ai đảm bảo số lượng, chất lượng với giá thấp nhất sẽ “trúng thầu”. “Họ sẽ ghi báo giá của mình bỏ vào phong bì. Ban Giám hiệu nhà trường sẽ mở phiên, mời họ tới, bóc từng cái công khai. Với thực đơn như nhà trường yêu cầu, đơn vị nào có giá tốt nhất thì sẽ được chọn làm nhà cung cấp. Vì đã được thông báo rồi nên không có mất lòng ai cả. Họ cũng hiểu mục đích của mình là vì bữa ăn con em”, thầy Điệp chia sẻ.

Dẫn chúng tôi đi khắp ngôi trường khang trang nằm trên khu đồi giáp thị trấn Tắk Pỏ, vị hiệu trưởng dễ mến này khoe nhờ dùng Facebook và kêu gọi khắp nơi mà một tổ chức của Nhật Bản đã nhận tài trợ 200 triệu đồng để xây thư viện cho học sinh. Thư viện VIP này sẽ là nơi tập trung sách... đi xin, học sinh khóa trước sẽ tự nguyện để lại sách vở, tài liệu cho các em khóa sau có hoàn cảnh khó khăn. “Mình từng là một học sinh điển hình của sự nghèo khó nên hiểu hết những thiếu thốn, thiệt thòi của mỗi em cũng như phụ huynh. Ngoài việc tìm mọi nguồn lực về tiếp sức cho chúng tròn con chữ, giáo viên nhà trường cũng xung phong nhận giúp nhiều gia đình khó khăn thoát nghèo. Mình nói chuyện bà con nghe, nhưng mình làm bằng tấm lòng thì họ tin và ủng hộ tuyệt đối”, thầy Điệp tâm sự.

CÔNG KHANH