Thầy thuốc nơi đầu nguồn sông Thu

Thứ sáu, 14/06/2013 00:00

(Cadn.com.vn) - Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân là một trong những mục tiêu hàng đầu của Trung tâm Y tế (TTYT) H.Nông Sơn, Quảng Nam.

Từ một phòng khám khu vực đảm nhận khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân các xã vùng Tây của H. Quế Sơn, cơ sở và trang thiết bị y tế còn tạm bợ, lạc hậu, sau khi chia tách huyện (tháng 4-2008) nhiệm vụ nặng nề hơn với chức năng là TTYT của một đơn vị cấp huyện mới chia tách. Với nhiệm vụ được giao, TTYT H.Nông Sơn đảm nhận chăm sóc sức khỏe cho gần 35 ngàn cán bộ và nhân dân, cùng các chương trình y tế quốc gia khác triển khai trên địa bàn vùng đầu nguồn sông Thu Bồn vốn nhiều khó khăn trắc trở. Từ thực tế địa phương, thu nhập của người dân chủ yếu bằng nghề nông, trình độ dân trí không đồng đều, nên nhận thức về công tác y tế còn hạn chế nên TT càng xác định rõ nhiệm vụ đặt ra nhằm đảm bảo sức khỏe cho nhân dân.

Với bao bộn bề công việc cấp bách trước mắt của một huyện mới, phần lớn người dân nơi đây thiếu các điều kiện để nâng cao sức khỏe (tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 61%), nên đội ngũ y, bác sĩ TT càng phát huy phẩm chất y đức, hết lòng hết sức vì sức khỏe cộng đồng.   Nhớ lại “mốc” tiếp nhận nhiệm vụ đứng đầu của TT, bác sĩ Nguyễn Đức Hùng Sơn–Giám đốc TT bộc bạch: “Chúng tôi đặt ra mục tiêu vừa đảm bảo duy trì công tác khám chữa bệnh, vừa tạo điều kiện tốt nhất theo khả năng để các bệnh nhân nội trú yên tâm điều trị, Cấp ủy và Ban Giám đốc tổ chức cho tập thể CBCNVC học tập, quán triệt và giám sát thường xuyên việc chấp hành y đức, cũng như các quy chế của bệnh viện, đặc biệt là hưởng ứng Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và “Noi gương liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm”... Tất cả tạo nên một “tâm thế” cho tập thể CBCNVC, và trải qua thời gian đã tạo được niềm tin của nhân dân.

 Thầy thuốc TTYT H. Nông Sơn khám chữa bệnh cho người dân địa phương.

Để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, TT đã  xây dựng kế hoạch chương trình hành động phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật và con người của đơn vị, phân công trách nhiệm cụ thể của  từng thành viên và tổ chức thực hiện tại các khoa, phòng. Nhờ đó, trong những năm qua TT đã tổ chức tốt công tác khám chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn với bình quân hơn 20.000 lượt bệnh nhân khám chữa bệnh và điều trị hằng năm, trong đó có hơn 3.300 bệnh nhân nội trú, công suất hoạt động của các thiết bị và cơ sở hạ tầng của TT đạt hơn 100%. TT triển khai ứng dụng tin học trong quản lý hoạt động của đơn vị, nhằm nắm bắt thông tin kịp thời và hiệu quả, ứng dụng các kỹ thuật mới về lâm sàng và cận lâm sàng nhằm góp phần thực hiện các quy trình chuyên môn kỹ thuật đảm bảo chất lượng. Thiết bị y tế từng bước được đầu tư như: máy huyết học 18 thông số, máy hút nhớt trẻ sơ sinh, máy sinh hóa bán tự động, máy điện tim, máy sinh hóa nước tiểu 10 thông số... Ngoài ra, TT cũng đã được Bệnh viện Đà Nẵng cử cán bộ đến chuyển giao khoa học kỹ thuật chụp X-quang chuyên sâu, đào tạo ngắn hạn về bó bột, siêu âm...

Bác sĩ Nguyễn Đức Hùng Sơn cho biết: Từ nguồn kinh phí Trái phiếu Chính phủ đã đầu tư hơn 43 tỷ đồng cơ sở vật chất và trang thiết bị kỹ thuật để xây dựng TT  thành bệnh viện đa khoa tuyến huyện. Trong giai đoạn 1 đầu tư gần 13 tỷ đồng xây dựng khu khám chữa bệnh 4 tầng và các trang thiết bị y tế chuyên dùng hiện đại... nhằm góp phần tạo điều kiện để mọi người dân được chăm sóc tốt sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Đồng thời, xây dựng lộ trình đạt chuẩn “Bệnh viện tình thương”.

Những thầy thuốc ở vùng đất bán sơn địa này vẫn đêm ngày tận tụy chăm sóc bệnh nhân. Hạnh phúc của họ là khi được chăm sóc sức khỏe của nhân dân vùng đầu nguồn sông mẹ Thu Bồn xứ Quảng.

T.N