Thế chấp phần vốn góp trong công ty TNHH
Bạn đọc hỏi: Anh Nguyễn Văn A., trú Q. Sơn Trà (TP Đà Nẵng), hỏi: Năm 2018, tôi góp vốn vào Công ty TNHH X. bằng quyền sử dụng đất đối với lô đất Y., giá trị phần vốn góp (PVG) được xác định là 3 tỷ đồng. Sau khi hoàn tất thủ tục góp vốn, tôi được Công ty cấp giấy chứng nhận PVG này. Hiện nay, tôi muốn thế chấp PVG này để đảm bảo cho khoản vay tại ngân hàng (NH). Vậy cho tôi hỏi, tôi thế chấp PVG của mình trong Công ty X. có được hay không và trường hợp không trả được khoản vay thì tài sản thế chấp (TSTC) bị xử lý như thế nào?
Luật sư Phạm Văn Thanh - Phó Trưởng Chi nhánh Công ty Luật TNHH Phạm và Liên danh tại TP Đà Nẵng, trả lời: Thứ nhất, về quyền thế chấp PVG. Anh A. góp vốn vào Công ty X. bằng quyền sử dụng đất, do đó, theo quy đinh tại khoản 1 Điều 36 Luật Doanh nghiệp 2014, anh A. phải làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất cho Công ty X.. Việc góp vốn chỉ được coi là thanh toán xong khi quyền sở hữu hợp pháp đối với tài sản góp vốn đã chuyển sang Công ty. Theo quy định tại khoản 5 Điều 48 Luật Doanh nghiệp 2014, anh A. sẽ được Công ty X. cấp giấy chứng nhận PVG góp tương ứng với giá trị PVG đã góp và được cập nhật vào sổ đăng ký thành viên. Lúc này, quyền sử dụng lô đất Y. sẽ thuộc về Công ty X., anh A. đương nhiên không còn quyền đối với lô đất này. Thay vào đó, anh A. có sẽ có các quyền được quy định tại Điều 50 Luật Doanh nghiệp 2014 (nay là Điều 49 Luật Doanh nghiệp 2020), trong đó, có quyền định đoạt PVG của mình bằng cách chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ, tặng cho và hình thức khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ của Công ty X.. Tại Điều 15 Nghị định 21/2021/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, quy định: chủ thể góp vốn được dùng PVG trong pháp nhân thương mại để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ theo quy định của pháp luật liên quan và điều lệ của pháp nhân (nếu có). Như vậy, đối chiếu các quy định trên, anh A. sẽ có quyền thế chấp PVG của mình trong Công ty X. để đảm bảo thực hiện khoản vay với NH nếu Điều lệ của Công ty X. không quy định về việc thành viên góp vốn không được thế chấp PVG để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ.
Thứ hai, về việc xử lý TSTC là PVG. Căn cứ quy định tại Điều 303 Bộ luật Dân sự 2015, có các phương thức xử lý TSTC như sau: bán đấu giá TSTC, bên nhận thế chấp tự bán TSTC và bên nhận thế chấp nhận chính TSTC để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên thế chấp. Tuy nhiên, tài sản bảo đảm ở đây là PVG nên việc xử lý phải tuân thủ Luật doanh nghiệp. Căn cứ quy định tại khoản 7 Điều 53 Luật Doanh nghiệp 2020, khi thành viên góp vốn sử dụng PVG để trả nợ thì người nhận thanh toán có quyền sử dụng PVG đó để trở thành thành viên của công ty nếu được hội đồng thành viên công ty đó chấp thuận hoặc chào bán và chuyển nhượng PVG đó theo quy định tại Điều 52 Luật Doanh nghiệp 2020. Như vậy, trong trường hợp không trả được khoản vay, anh A. và NH có thể thỏa thuận một trong các phương thức xử lý tài sản thế chấp sau đây: chuyển nhượng PVG nhưng phải đảm bảo chào bán PVG cho các thành viên còn lại trong Công ty X. theo tỷ lệ tương ứng với PVG của họ trong Công ty với cùng điều kiện chào bán và chuyển nhượng đối với các thành viên Công ty cho người không phải là thành viên Công ty nếu các thành viên còn lại không mua hoặc mua không hết trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày chào bán; trở thành thành viên của Công ty X. nếu được hội đồng thành viên công ty này chấp thuận.
Chuyên mục này có sự cộng tác về chuyên môn
của Chi nhánh Công ty Luật TNHH Phạm và Liên danh tại TP Đà Nẵng.
Đường dây nóng hỗ trợ tư vấn: 0236.3572456, 0903573138