Thế giới cần tăng thêm 70% sản lượng lương thực

Thứ sáu, 25/09/2009 00:00

(Cadn.com.vn) - Tổ chức Nông lương LHQ (FAO) ngày 23-9 ước tính sản lượng lương thực của thế giới từ nay đến năm 2050 cần gia tăng thêm 70% để có thể đáp ứng cho 2,3 tỷ dân số toàn cầu tăng thêm.

Trong một báo cáo được Reuters trích dẫn, FAO khẳng định nhu cầu về lương thực, thực phẩm toàn cầu đến năm 2050 sẽ gia tăng đến 3 tỷ tấn và các nhu cầu khác có thể xuất phát từ ngành công nghiệp nhiên liệu sinh học. Chẳng hạn như, sản lượng thịt sẽ tăng hơn 200 triệu tấn để đạt đến 470 triệu tấn. AFP cho hay, báo cáo được công bố trong lúc FAO đang chuẩn bị một Diễn đàn chuyên gia cấp cao thế giới vào ngày 12 và 13-10 tới tại Rome (Italia) với chủ đề "Đảm bảo lương thực cho thế giới vào năm 2050", với sự tham gia của khoảng 300 chuyên gia đến từ các viện nghiên cứu, các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức tư nhân. Diễn đàn này cũng nhằm chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh thế giới về an ninh lương thực, dự kiến diễn ra từ ngày 16 đến 18-11 năm nay tại Rome.

Phó Tổng giám đốc FAO Hafez Ghanem cho biết, tổ chức này đang lạc quan một cách thận trọng về khả năng cung cấp lương thực của thế giới đến năm 2050. Theo báo cáo nói trên, dân số thế giới sẽ tăng từ 6,8 tỷ người ngày nay lên đến 9,1 tỷ người vào năm 2050. Sự gia tăng này chủ yếu diễn ra ở các nước đang phát triển, trong đó các nước ở nam sa mạc Sahara của Châu Phi tăng nhanh nhất, với tỷ lệ tăng dân số ước tính 108%, tương đương 910 triệu người; Đông Nam Á tăng chậm nhất, với tỷ lệ dân số 11%, tương đương 228 triệu người. Cũng theo báo cáo, đến năm 2050, khoảng 70% dân số thế giới sẽ sống ở khu vực thành phố, so với 49% hiện nay. 

 Nông dân Ấn Độ vào mùa gặt. Ảnh: AFP  

Hãng AFP dẫn nguồn tin từ FAO rằng, mặc dù sản lượng lương thực và thực phẩm của thế giới vẫn tăng hằng năm, nhưng tốc độ tăng hiện nay chưa đáp ứng được xu thế tăng dân số cũng như mức sống và thu nhập của người dân trong tương lai. FAO cảnh báo: sự biến đổi khí hậu và nhu cầu về năng lượng sinh học là những thách thức chủ yếu đối với nền nông nghiệp thế giới. FAO ước tính diện tích đất trồng trọt sẽ được mở rộng khoảng 120 triệu hecta ở các nước đang phát triển, chủ yếu là ở Châu Phi và Mỹ Latinh, trong khi diện tích đất trồng đang sử dụng ở các nước phát triển lại giảm khoảng 50 triệu héc-ta, mặc dù điều này có thể thay đổi do yêu cầu của nhiên liệu sinh học. FAO cho rằng, vẫn có đủ đất trồng để đáp ứng cho dân số thế giới trong tương lai nhưng phần lớn đất tiềm năng lại phù hợp cho một số ít vụ mùa. 

FAO cũng nêu rõ tình trạng thiếu nước ở mức báo động và sự phân bổ không đồng đều nguồn nước hiện nay đang là những rào cản nghiêm trọng cho phát triển nông nghiệp, đặc biệt là trồng cây lương thực ở các nước nghèo. Theo đó, việc mở rộng đất trồng trọt, phát triển nông nghiệp, cải thiện việc cung cấp lương thực cần phải được đầu tư, để tránh khả năng có khoảng 370 triệu người (khoảng 5% dân số thế giới) bị đói vào năm 2050.

Thảo Phương