Thế giới đối mặt với cuộc khủng hoảng dầu diesel

Thứ hai, 28/11/2022 08:57
Giới chuyên gia cảnh báo, hầu hết khu vực trên thế giới sẽ đối mặt với tình trạng thiếu dầu diesel trong mùa đông này. 
Dầu diesel đang trở nên khan hiếm và đắt đỏ hơn tại nhiều khu vực. Ảnh minh họa: AFP
Dầu diesel đang trở nên khan hiếm và đắt đỏ hơn tại nhiều khu vực. Ảnh minh họa: AFP

Một "cơn bão lớn"

Theo Bloomberg, một "cơn bão lớn" trên thị trường dầu diesel toàn cầu đang diễn ra. Trong vòng vài tháng tới, hầu hết mọi khu vực trên thế giới sẽ đối mặt với nguy cơ thiếu hụt dầu diesel do nguồn cung khan hiếm ở hầu hết các thị trường trên thế giới đã khiến lạm phát trầm trọng hơn và ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng. Cựu Giám đốc điều hành của nhà máy lọc dầu Italy Saras SpA, Dario Scaffardi cảnh báo: "Đó chắc chắn là cuộc khủng hoảng dầu diesel lớn nhất mà tôi từng chứng kiến".

Dự trữ dầu diesel tại Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1982 khi chính phủ bắt đầu báo cáo dữ liệu về nhiên liệu này. Nguồn cung vào thời điểm này trong năm đang ở mức thấp nhất từ trước đến nay. Ngoài Mỹ, Tây Bắc Âu đang phải đối mặt với nguồn cung dầu diesel thấp. Tồn kho ở châu Âu dự kiến sẽ giảm hơn nữa sau khi các lệnh trừng phạt đối với dầu thô và sản phẩm dầu thô của Nga có hiệu lực trong những tháng tới. Các thị trường xuất khẩu toàn cầu đang bị thắt chặt đến mức các thị trường mới nổi đang gặp nhiều khó khăn để mua nhiên liệu công nghiệp, như Pakistan.

Nguyên nhân thiếu hụt dầu diesel toàn cầu rất rõ ràng. Đó là một phần do đại dịch COVID-19, sau khi các đợt phong tỏa khiến nhu cầu sụt giảm và buộc các nhà máy lọc dầu phải đóng cửa một số nhà máy ít sinh lời nhất. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi dần khỏi nhiên liệu hóa thạch cũng đã làm giảm các khoản đầu tư vào lĩnh vực này. Kể từ năm 2020, công suất lọc dầu của Mỹ đã giảm hơn 1 triệu thùng/ ngày.

Trong khi đó tại châu Âu, gián đoạn vận chuyển và đình công của công nhân cũng ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của nhà máy lọc dầu. Lệnh cấm dầu thô của Nga sang châu Âu vào tháng 12 này có nguy cơ khiến tình hình tồi tệ hơn. Sau đó, lệnh cấm dầu diesel của Nga vào tháng 2-2023 nguy cơ gây ra nhiều hỗn loạn hơn nữa trên thị trường.

Tác động đến mọi lĩnh vực

Amrita Sen, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại Energy Aspects Ltd, cho biết cuộc khủng hoảng dầu diesel đã và đang "gây tổn hại cho nền kinh tế toàn cầu". Ảnh hưởng kinh tế của việc tăng giá dầu diesel và tình trạng thiếu hụt trên toàn thế giới có thể gây ra những tác động tàn phá, chẳng hạn như tác nhân gia tăng lạm phát sẽ gây gánh nặng cho các hộ gia đình và doanh nghiệp.

Khủng hoảng nguồn cung dầu diesel có thể gây nguy hiểm cho các mạng lưới giao thông quan trọng vì thiếu nhiên liệu công nghiệp cung cấp năng lượng cho tàu, xe tải và xe lửa. Nhiên liệu này cũng được sử dụng để sưởi ấm cho các hộ gia đình và doanh nghiệp, đồng thời là nguồn phát điện cho các dịch vụ khác.

Cả giá xăng và dầu diesel đều liên quan đến giá dầu thô được thiết lập trên thị trường toàn cầu. Do hạn chế về nguồn cung, giá dầu diesel ở nhiều thị trường hiện đòi hỏi một khoản phí bảo hiểm lớn. Mark Finley, một thành viên năng lượng tại Viện Chính sách công Baker của Đại học Rice, giải thích với Bloomberg rằng giá dầu diesel tăng cao có thể khiến nền kinh tế Mỹ thiệt hại 100 tỷ USD. John Kemp, nhà phân tích thị trường cao cấp của Reuters lưu ý rằng tình trạng thiếu dầu diesel sẽ kéo dài cho đến khi nền kinh tế suy thoái. Giá dầu diesel của Mỹ tại thị trường giao ngay ở cảng New York đã tăng hơn 265% kể từ khi Tổng thống Joe Biden tuyên thệ nhậm chức vào năm 2021.

Gấp rút dự trữ dầu diesel của Nga

Châu Âu đã tăng nhập khẩu dầu diesel từ Nga trong tháng này do lệnh cấm vận của EU đối với việc nhập khẩu các sản phẩm dầu mỏ của Nga từ ngày 5-2 đang đến gần.

Trích dẫn dữ liệu từ trang web theo dõi tàu chở hàng Vortexa, hãng tin trên cho biết số lượng chuyến hàng dầu diesel của Nga đến khu vực lưu trữ Amsterdam-Rotterdam-Antwerp (ARA) đã tăng lên 215.000 thùng mỗi ngày từ ngày 1-11 đến ngày 12-11. Ông Pamela Munger, nhà phân tích thị trường cấp cao tại Vortexa cho biết đây là mức tăng 126% so với tháng 10.

Hơn nữa, theo dữ liệu của công ty Refinitiv, trong tháng 11, dầu diesel của Nga chiếm 44% lượng nhiên liệu nhập khẩu của khối EU, tăng lên so với 39% của tháng trước. Điều này có nghĩa là Nga vẫn là nhà cung cấp dầu diesel lớn nhất trong khu vực, mặc dù thực tế là tổng lượng nhập khẩu nhiên liệu của Nga sang EU đã giảm đáng kể trong những tháng qua do các lệnh trừng phạt liên quan đến chiến dịch quân sự ở Ukraine.

AN BÌNH