Thế giới lo “cơn bão đói” do khủng hoảng Ukraine

Thứ tư, 16/03/2022 18:26

Hậu đại dịch COVID-19, nền kinh tế thế giới đang trên đà hồi sinh mạnh mẽ lại đang phải đối mặt với thách thức mới do tình hình căng thẳng Nga-Ukraine gây ra gây ra nhiều mối lo cho an ninh lương thực.

Giá một loạt mặt hàng thiết yếu như ngũ cốc, nhiên liệu hay phân bón đồng loạt leo thang và liên tiếp phá vỡ các mức cao kỷ lục.

Một người mua hàng đang xem thực phẩm tại siêu thị ở Moscow, Nga. Ảnh: AFP

Trước “bờ vực” khủng hoảng lương thực

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 14-3 cảnh báo, chiến dịch đặc biệt của Nga liên quan tới Ukraine có thể khiến thế giới rơi vào "cơn bão đói và sự suy thoái hệ thống lương thực toàn cầu”. Ông Guterres cho biết, ngay cả trước khi Nga tiến hành chiến dịch nói trên, các nước đang phát triển vẫn đang phải "vật lộn” để phục hồi sau đại dịch COVID-19, với mức lạm phát kỷ lục, lãi suất tăng và gánh nặng nợ chồng chất. Trong khi đó, một trong những thị trường cung cấp lương thực chính của thế giới lại đang gặp khó khăn nghiêm trọng.

Tỷ phú Nga Andrei Melnichenko, sở hữu nhà máy sản xuất phân bón EuroChem và công ty than đá SUEK cũng cho biết, cuộc khủng hoảng lương thực quy mô toàn cầu đang dần hiện rõ nếu căng thẳng tại Ukraine không kết thúc, trong bối cảnh giá phân bón tăng quá nhanh khiến nhiều hộ nông dân không còn đủ khả năng cung cấp dinh dưỡng cho đất. Giá khí đốt tăng cao kỷ lục đã buộc công ty sản xuất phân bón Yara International (Na Uy) phải cắt giảm sản lượng amoniac và urê ở châu Âu xuống còn 45% công suất. Việc giảm bớt hai thành phầm thiết yếu trong sản xuất nông nghiệp này dự báo sẽ tác động mạnh đến nguồn cung lương thực toàn cầu. Svein Tore Holsether, Giám đốc điều hành (CEO) của Yara International, nhận định rằng thế giới đang hướng tới một cuộc khủng hoảng lương thực có thể ảnh hưởng đến hàng triệu người.

Nga là nhà xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới và Ukraine là nước xuất khẩu lúa mỳ lớn thứ năm. Cả hai nước cung cấp tới 19% nguồn cung lúa mạch của thế giới, 14% lúa mì và 4% ngô, chiếm hơn 1/3 lượng ngũ cốc xuất khẩu toàn cầu. Nga và Ukraine cũng là những nhà cung cấp hạt cải dầu hàng đầu và chiếm 52% thị trường xuất khẩu dầu hướng dương của thế giới. Nguồn cung phân bón toàn cầu cũng chủ yếu đến từ hai quốc gia này. Sự gián đoạn chuỗi cung ứng và logistics đối với sản xuất ngũ cốc và hạt có dầu của Ukraine và Nga, cũng như các hạn chế đối với xuất khẩu của Nga sẽ gây ra những hậu quả đáng kể về an ninh lương thực. Điều này đặc biệt đúng đối với khoảng 50 quốc gia phụ thuộc lớn (từ 30% trở lên) vào Nga và Ukraine về nguồn cung lúa mỳ.

Nhiều nước trong số đó là các nước kém phát triển nhất hoặc các nước có thu nhập thấp, thiếu lương thực ở Bắc Phi, châu Á và Cận Đông.

Giá tăng cao ngất ngưởng

Giá lúa mì toàn cầu đã đạt mức cao nhất mọi thời đại vào đầu tuần này. Giá lúa mỳ tăng vọt đồng nghĩa với việc giá thực phẩm có thể là “đối tượng” tăng tiếp theo.

Một vấn đề lớn khác là khả năng tiếp cận phân bón của ngành nông nghiệp toàn cầu. Phân bón là mặt hàng rất cần thiết cho nông dân để đạt được mục tiêu sản xuất. Tuy nhiên, giá phân bón chưa bao giờ đắt hơn hiện giờ, khi xuất khẩu phân bón từ Nga đang bị chặn lại. Điều này khiến giá các mặt hàng ngũ cốc chủ chốt khác cũng tăng theo. Giá khí đốt châu Âu cũng đạt đỉnh kỷ lục do lo ngại về nguồn cung năng lượng. Giá xăng dầu tại Mỹ đã lên mức cao kỷ lục, vượt ngưỡng 4 USD/1 gallon (1 gallon tương đương 3,78 lít), mức tăng được đánh giá có thể đe dọa đến sự ổn định của nền kinh tế, đẩy lạm phát lên cao và ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống của người dân Mỹ. Nền nông nghiệp hiện đại phụ thuộc rất nhiều vào năng lượng đầu vào, ví dụ như nhiên liệu cho các trang thiết bị nông nghiệp và điện cho các chuỗi cung ứng.

Điều quan trọng không kém là sự phụ thuộc của sản xuất ngũ cốc vào phân đạm tổng hợp - khí tự nhiên cộng với điện và máy móc thâm dụng vốn tương đương với ure. Ước tính khoảng 1/3 dân số thế giới phụ thuộc trực tiếp vào ngũ cốc được sản xuất bằng loại urê này và các loại phân đạm tổng hợp khác. Giá năng lượng cao đồng nghĩa với giá phân bón cao và giá ngũ cốc cũng cao hơn. Trong ngắn hạn, điều đó có nghĩa là nạn đói xảy ra nhiều hơn ở các nước nghèo.

KHẢ ANH