Thế giới trước mối lo "bóng ma" COVID-19 quay trở lại

Số ca mắc tăng
Hôm 2-1, Hàn Quốc ghi nhận hơn 81.000 ca mắc COVID-19 mới, tăng khoảng 22.000 ca so với ngày trước đó. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cũng thông báo số ca trung bình trong tuần trước của nước này vào khoảng 80.000 ca/ngày.
Tại Nhật Bản, số ca mắc mới ghi nhận trong ngày 1-1 là 86.000 ca, con số trung bình trong tuần là 147.000 ca/ngày. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Nhật Bản là quốc gia ghi nhận nhiều ca mắc COVID-19 nhất thế giới và số ca tử vong vì COVID đứng thứ hai toàn cầu sau Mỹ.
Tại Mỹ, tình hình cũng không khả quan hơn khi tính đến tuần cuối của tháng 12, Mỹ ghi nhận tổng cộng hơn 100 triệu trường hợp mắc COVID-19. Các chuyên gia cho biết con số nhiễm mới thực tế ở Mỹ có thể cao gấp đôi. Giới chức y tế Mỹ đang chuẩn bị cho đợt bùng phát dịch bệnh sau kỳ nghỉ lễ, khi nhiều người đã từ bỏ hoàn toàn các quy tắc ngăn ngừa dịch. Lo ngại cũng gia tăng khi virus cúm và virus hợp bào hô hấp (RSV) vẫn lưu hành. Các chuyên gia gọi đây là "ba dịch chồng nhau", dự báo có thể tạo thêm áp lực cho hệ thống y tế vốn đã quá tải.
Trong khi đó, Trung Quốc - quốc gia mới đây đã từ bỏ chính sách "zero Covid" và sẽ mở cửa biên giới từ ngày 8-1, những ngày gần đây, nhiều tỉnh, thành của nước này đã liên tiếp đưa ra cảnh báo đỉnh dịch COVID-19 sẽ rơi vào giữa tháng 1-2023 với hàng trăm nghìn ca nhiễm mỗi ngày ở mỗi địa phương.
Tại Anh, ngày 3-1, các cơ quan y tế nước này cảnh báo tình trạng gia tăng số ca tử vong tại nước này do chăm sóc y tế không đầy đủ, đồng thời kêu gọi chính phủ hành động trong bối cảnh đình công và nhu cầu y tế tăng cao trong mùa Đông. Các nguồn tin cho biết tuần trước, trung bình cứ 5 bệnh nhân được xe cứu thương đưa đến bệnh viện thì có 1 bệnh nhân mất hơn 1 giờ mới được cấp cứu, trong khi hàng chục nghìn người phải đợi hơn 12 giờ trước khi được điều trị. Hôm 1-1, Đại học Y khoa Cấp cứu Hoàng gia ước tính mỗi tuần sẽ có khoảng 300 đến 500 bệnh nhân tử vong tại khoa cấp cứu, đáng chú ý là nguyên nhân do thời gian chờ đợi lâu.
Mối lo ngại bùng dịch gia tăng trong bối cảnh năm mới là thời gian tập trung nhiều kỳ nghỉ của các nước châu Âu và châu Á, lượng người di chuyển tăng đột biến có thể thúc đẩy làn sóng lây nhiễm. Tổng giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus đã đưa ra cảnh báo "bóng ma" COVID-19 vẫn hiện hữu và đòi hỏi các nước cần tăng cường các biện pháp phòng ngừa: "Thế giới còn quá nhiều lỗ hổng trong giám sát, xét nghiệm và giải trình tự gen, nghĩa là giới khoa học chưa đủ hiểu về sự thay đổi của virus. Các thách thức trong việc điều trị khiến nhiều người tử vong một cách vô ích. Lỗ hổng trong hệ thống y tế khiến nhiều nước không thể đối phó cùng lúc với lượng người mắc cúm, COVID-19 và nhiều bệnh khác".
Nhiều nước thận trọng
Sau khi Trung Quốc nới lỏng các biện pháp ứng phó COVID-19 từ ngày 7-12, nhiều địa phương nước này đang đối mặt đợt bùng phát dịch nghiêm trọng. Tình trạng này khiến một số quốc gia thận trọng trong việc cho phép hành khách từ Trung Quốc nhập cảnh, trong đó có Mỹ, Anh, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc...
Mỹ và một số quốc gia yêu cầu xét nghiệm COVID-19 đối với người từ Trung Quốc, trong khi Bỉ sẽ xét nghiệm nước thải từ máy bay để tìm biến chủng Covid-19 mới. Italy, Tây Ban Nha và Pháp là 3 trong số 27 nước Liên minh châu Âu (EU) đã áp hạn chế với hành khách từ Trung Quốc. Thụy Điển, quốc gia giữ ghế chủ tịch EU năm nay, cho biết liên minh sẽ họp ngày 4-1 để thảo luận biện pháp chung với người đến từ Trung Quốc.
Ngày 2-1, Hàn Quốc bắt đầu yêu cầu xét nghiệm COVID-19 đối với những người đến từ Trung Quốc. Biện pháp mới yêu cầu tất cả những người đến từ Trung Quốc phải xét nghiệm PCR trong ngày đầu tiên nhập cảnh. Các du khách Trung Quốc cũng được bố trí khu vực riêng để chờ kết quả xét nghiệm được xác nhận, trong khi công dân Hàn Quốc và người nước ngoài được phép cư trú ở Hàn Quốc trở về từ Trung Quốc phải cách ly tại nơi cư trú của họ sau khi xét nghiệm PCR.
Cũng trong ngày 2-1, hãng thông tấn QNA đưa tin Qatar sẽ yêu cầu khách du lịch đến từ Trung Quốc xuất trình kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính được thực hiện trong vòng 48 giờ trước khi khởi hành. Qatar bắt đầu thực hiện biện pháp này từ ngày 3-1. Yêu cầu nói trên được áp dụng cho tất cả khách du lịch đến từ Trung Quốc bất kể tình trạng tiêm phòng COVID-19.
AN BÌNH
Bắc Kinh dọa đáp trả các nước áp hạn chế với người Trung Quốc Bắc Kinh "kiên quyết phản đối" một số nước áp hạn chế COVID-19 với người từ Trung Quốc và tuyên bố thực hiện biện pháp đáp trả tương ứng. "Một số quốc gia đã đưa ra các hạn chế nhập cảnh chỉ nhắm vào hành khách Trung Quốc. Điều này thiếu cơ sở khoa học và một số biện pháp là không thể chấp nhận được", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh nói tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh ngày 3-1. "Chúng tôi kiên quyết phản đối những hành vi như vậy và sẽ thực hiện các biện pháp đáp trả tương ứng", bà Mao nhấn mạnh, nhưng không nêu cụ thể các biện pháp này là gì. |