Thể thao Đà Nẵng nhìn về tương lai

Thứ năm, 01/01/2015 09:31

(Cadn.com.vn) - Năm 2014, thể thao Đà Nẵng khá trầm lắng, từ thành tích chung của các môn tại ĐH TDTT toàn quốc cho đến đội bóng SHB.Đà Nẵng. Hướng đến năm 2015, thể thao Đà Nẵng có nhiều điều để kỳ vọng.

1. Tại ĐH TDTT toàn quốc lần VII năm 2014 diễn ra ở Nam Định, đoàn VĐV thể thao Đà Nẵng giành 22 HCV, 29 HCB và 32 HCĐ, xếp thứ 6/62 đơn vị tham gia. Thành tích này đã đạt chỉ tiêu đề ra ban đầu là lọt top 7.

So với 4 năm về trước, là chủ nhà ĐH TDTT toàn quốc 2010, thể thao Đà Nẵng thành công vang dội khi giành 57 HCV, 47 HCB và 52 HCĐ, xếp thứ tư toàn đoàn. So sánh vậy để thấy, thể thao Đà Nẵng sau thành công tại kỳ ĐH lần thứ VI chỉ được đầu tư cầm chừng, thiếu đột phá.

Chính vì thế, việc thể thao Đà Nẵng vẫn chưa giới thiệu được nhiều nhân tố mới làm lực lượng kế cận tại ĐH TDTT toàn quốc lần VII là kết quả tất yếu. Điểm lại thành tích của thể thao Đà Nẵng có thể thấy, hầu hết những tấm HCV đều thuộc về những cái tên quen thuộc như Hoàng Quý Phước, Châu Bá Anh Tư, Phạm Trường Giang (bơi), Nguyễn Thị Thanh Phúc, Thành Ngưng (đi bộ), Nguyễn Thị Kim Vân (cử tạ), Doãn Thị Hương Giang (Taekwondo)...

Nhìn thực tại mới thấy vấn đề rất đáng lo ngại trong công tác đào tạo VĐV của Đà Nẵng. Bên cạnh chiến lược đầu tư chưa có tính đột phá thì những cản trở về cơ sở vật chất của ngành TDTT quá thiếu thốn; trang thiết bị cung cấp cho VĐV hạn chế; các chế độ, chính sách dành cho những tài năng thể thao chưa thực sự bền vững...

Hướng đến tương lai, ngành TDTT đang chờ đợi và hy vọng thành phố sớm phê duyệt, ban hành chế độ đãi ngộ đối với HLV, VĐV tài năng thành phố Đà Nẵng (giai đoạn 2015-2020). Bên cạnh đó, TDTT Đà Nẵng cũng cần được chú trọng đầu tư cho cơ sở vật chất hiện đang xuống cấp và thiếu thốn. Có như vậy, thể thao Đà Nẵng mới hy vọng cất cánh trong nay mai.

2. Năm 2014, bóng đá Đà Nẵng không thành công so với vị thế của mình và những kỳ vọng của người hâm mộ. CLB SHB.Đà Nẵng không hoàn thành mục tiêu khi chỉ về đích thứ 4 V-League (mục tiêu top 3). Những tuyến trẻ thi đấu không đạt huy chương tại các giải trẻ như U19 chỉ lọt vào VCK U19 QG, U17 chỉ dừng lại ở vòng loại, U15 lọt vào VCK QG, U21 chỉ giành HCĐ tại giải U21 QG.

Bóng đá Đà Nẵng luôn khẳng định được vị thế lớn trong gần một thập niên qua. Ảnh: Q.H

Theo lãnh đạo SHB.Đà Nẵng, thành tích không tốt của các tuyến trẻ xuất phát từ nhiều nguyên nhân, nhưng việc bóng đá sông Hàn ngưng đào tạo hai tuyến U11 và U13 từ nhiều năm nay là sâu xa. Còn việc CLB SHB.Đà Nẵng thi đấu với thành tích không cao do đầu tư của nhà tài trợ cầm chừng, bên cạnh những khó khăn phát sinh trong mùa giải như nạn chấn thương chẳng hạn.

Tuy nhiên, tương lai bóng đá sông Hàn đang tràn đầy hy vọng khi Trung tâm TDTT SHB.Đà Nẵng (xây dựng tại P. Hòa Minh, Q. Liên Chiểu) được đưa vào sử dụng vào đầu năm 2015. Với quy mô xây dựng theo chuẩn học viện bóng đá, trung tâm này sẽ là nơi ươm mầm tài năng cho bóng đá Đà Nẵng cũng như cả nước. Ông Bùi Xuân Hòa - Tổng Giám đốc Cty CP thể thao SHB.Đà Nẵng cho biết, sau khi Trung tâm này đưa vào sử dụng, bóng đá Đà Nẵng sẽ đào tạo lại hai tuyến U11 và U13 để có lớp tài năng kế cận.

Nhìn vào tương lai, thể thao Đà Nẵng rất đáng để kỳ vọng!

Quang Hải