Thể thao phong trào đồng hành cùng việc quảng bá, phát triển du lịch nội địa

Thứ ba, 02/03/2021 18:42

Mặc dù phải chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19 từ đầu năm 2020 đến nay, nhưng với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng, Chính phủ, lãnh đạo ngành Thể dục thể thao, cùng sự quyết tâm cao độ của các đơn vị, tổ chức, cá nhân, những giải đấu thể thao phong trào vẫn được diễn ra.

Các hoạt động này được thực hiện theo phương châm vừa  đảm bảo phòng, chống dịch, vừa mang lại niềm hứng khởi, sôi nổi, góp phần nâng cao sức khỏe, cổ vũ tinh thần chống dịch, kêu gọi các nguồn tài trợ cho các y, bác sĩ, những người ở tuyến đầu chống dịch. Đặc biệt, thể thao phong trào cũng đồng hành cùng việc quảng bá, phát triển du lịch nội địa trong bối cảnh dịch đang diễn biến phức tạp.

Thể thao phong trào đồng hành cùng việc quảng bá, phát triển du lịch.

Thể thao quần chúng vẫn được duy trì thường xuyên

Năm 2020, Việt Nam cũng như thế giới phải chịu hậu quả nặng nề bởi dịch Covid-19, nhiều lĩnh vực trong đời sống, xã hội bị ngưng trệ, thậm chí đảo lộn, nhưng với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng, Chính phủ, lãnh đạo ngành Thể dục thể thao cùng sự quyết tâm, ủng hộ từ các tổ chức, cá nhân và đông đảo nhân dân, nhiều giải thể thao phong trào vẫn được diễn ra với nguyên tắc đảm bảo phòng, chống dịch. Theo Tổng cục Thể dục thể thao (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), năm 2020, toàn ngành tiếp tục triển khai cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và “Chương trình xây dựng nông thôn mới” trong tất cả các đối tượng thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên, công nhân viên chức, nông dân, lực lượng vũ trang, người khuyết tật,...

Hình thức tập luyện thể dục thể thao có nhiều thay đổi để phù hợp với diễn biến của dịch Covid-19, như tập luyện tại nhà theo các bài tập đơn giản hoặc theo bài tập trực tuyến trên truyền hình; các hình thức tập luyện thể thao ngoài trời như: chạy, đi bộ, thể dục dưỡng sinh, thể dục nhịp điệu, cầu lông, cờ tướng, võ thuật, bóng đá mini, bóng chuyền...

Tại các địa phương, chính quyền cơ sở đã quan tâm lắp đặt trang thiết bị, dụng cụ tập luyện thể thao tại công viên, nơi công cộng để phục vụ nhu cầu tập luyện của quần chúng nhân dân, đồng thời chú trọng phát triển các môn thể thao giải trí, môn thể thao dân tộc như: ô-tô địa hình, câu cá, dù lượn, vũ đạo giải trí, Esport, Patin, mô-tô nước, võ cổ truyền, kéo co, đẩy gậy, thể dục dưỡng sinh, thể dục nhịp điệu, cầu lông, cờ… Đồng thời, Tổng cục Thể dục thể thao đã phối hợp với các đơn vị tổ chức 28 hội thi, giải thể dục thể thao quần chúng toàn quốc, thu hút hàng nghìn cán bộ, vận động viên tham dự; tổ chức 22 lớp bồi dưỡng, tập huấn cho trên 2.600 cán bộ, hướng dẫn viên, cộng tác viên thể dục thể thao cơ sở.

Liên kết chặt chẽ với phát triển du lịch nội địa

Mặc dù chịu ảnh hưởng bởi dịch nhưng với nỗ lực của các cấp, ngành, nhiều giải thể thao phong trào vẫn được tổ chức theo phương thức đảm bảo phòng, chống dịch, trong đó, phải kể đến những sự kiện thể thao phong trào được tổ chức tại những địa điểm nổi tiếng, danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp của Việt Nam. Điều này không chỉ thúc đẩy phong trào luyện tập, thi đấu thể dục thể thao trong quần chúng nhân dân, mà còn góp phần đẩy mạnh du lịch nội địa trong bối cảnh dịch đang hoành hành.

Điển hình là giữa tháng 10-2020, Giải chạy VPBank Hanoi Marathon Asean 2020 đã thu hút khoảng 5.500 người tham gia, trong đó 3.000 người trực tiếp chạy thực tế tại Hà Nội; trên 2.500 người chạy tại các điểm cầu trên cả nước, trong khu vực ASEAN và một số quốc gia khác trên thế giới. Với khẩu hiệu “Đón bình minh, chào bình thường mới”, sự kiện được truyền hình trực tiếp trên các kênh mạng xã hội, truyền đi thông điệp sống động về một "Việt Nam - điểm đến an toàn" - điều đó có ý nghĩa quan trọng đối với hình ảnh quốc gia, đặc biệt với ngành Du lịch trong bối cảnh khó khăn do đại dịch gây ra. Giải cũng góp phần quảng bá hình ảnh những nét đặc trưng của Thủ đô Hà Nội với những nét cổ kính, rêu phong đặc trưng.

Hoặc như Giải vô địch quốc gia marathon và các cự ly dài 2.020 được tổ chức tại đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi vào đầu tháng 7-2020 đã thu hút hàng nghìn người đăng ký tham gia, ngoài việc được thi đấu, giao lưu, cọ sát, các vận động viên và cổ động viên còn được trải nghiệm những địa danh nổi tiếng, những cung đường tuyệt mỹ uốn lượn ven biển, những nét văn hóa đặc trưng của con người nơi đây.

Ngoài các giải chạy bộ, những bộ môn khác của thể thao phong trào cũng thu hút đông đảo khán giả tham gia, giải Dù lượn đường trường PuTaLeng mở rộng năm 2020 và hoạt động Khinh khí cầu được tổ chức tại tỉnh Lai Châu vào cuối tháng 12-2020 đã thu hút đông đảo phi công dù lượn cùng hàng ngàn khán giả tới tham dự.

Sự kiện này nằm trong các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu những giá trị văn hóa đặc sắc hấp dẫn, giá trị nổi bật về thiên nhiên hùng vĩ, văn hóa, con người Lai Châu tới đông đảo nhân dân, du khách trong nước và quốc tế. Việc tổ chức giải Dù lượn đường trường PuTaLeng mở rộng năm 2020 và hoạt động Khinh khí cầu cũng giúp tạo mối liên kết phát triển du lịch bền vững giữa các địa phương trong tỉnh với các tỉnh lân cận. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp lữ hành tìm hiểu, mở rộng thị trường, xây dựng các tour du lịch mới giới thiệu đến du khách.

Theo Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Lê Thị Hoàng Yến, thể thao cũng có mối liên kết chặt chẽ với Du lịch, các giải chạy phong trào, chủ yếu được tổ chức ở những nơi có phong cảnh đẹp nổi tiếng, vận động viên tham dự có những người chuyên nghiệp, có những người không chuyên, nhưng họ vừa được trải nghiệm, chiêm ngưỡng những kỳ quan tuyệt mỹ của thiên nhiên, đất nước, vừa rèn luyện sức khỏe. Phong trào đi lên rất nhiều, đặc biệt trong bối cảnh dịch hoành hành, người dân cũng ý thức được việc cần làm là nâng cao sức khỏe, tăng cường đề kháng để phòng, chống bệnh dịch.

Ngoài việc tham gia tập luyện, thi đấu nâng cao sức khỏe, trải nghiệm du lịch, văn hóa các địa phương, những giải thể thao phong trào cũng chung tay góp phần cổ vũ tinh thần chống dịch, kêu gọi các nguồn tài trợ cho các y, bác sĩ, những người ở tuyến đầu chống dịch như các giải: Chạy tiếp sức “Lên cùng Việt Nam” gây quỹ hỗ trợ người lao động Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch; giải chạy online “Brave Đà Nẵng” cổ vũ tinh thần chống dịch của thành phố Đà Nẵng; giải VPBank Hanoi Marathon ASEAN 2020; giải chạy ảo Run for Danang...

Để đẩy mạnh phong trào tập luyện thể dục, thể thao quần chúng thời gian tới, Tổng cục Thể dục thể thao tiếp tục phối hợp với các đơn vị hữu quan tổ chức, điều hành 32 giải thể thao quần chúng toàn quốc, 18 lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ thể dục thể thao.

Nam Thái