Thi hành án dân sự-những vấn đề nhìn từ thực tế

Thứ hai, 02/03/2015 08:59

(Cadn.com.vn) - Tồn đọng thi hành án dân sự (THADS) đang là vấn đề quan tâm của xã hội và là khó khăn chung của cả nước; có nơi, tồn đọng án dân sự lên đến 60%. Những năm gần đây, công tác THADS trên địa bàn TP Đà Nẵng có những chuyển biến đáng kể; đặc biệt, năm 2014, 100% bản án, quyết định của TA và đơn yêu cầu THA được ra quyết định THA đúng nội dung và đảm bảo thủ tục theo quy định của luật.

Cụ thể, tổng số việc đã thụ lý trong năm 2014 là 11.818 việc, tăng 504 việc so với cùng kỳ năm 2013; đã tổ chức thi hành xong 7.714 việc trong số việc có điều kiện thi hành, đạt tỷ lệ 91,8%. Tổng số tiền thụ lý là 1.908.935.020.000 đồng, đã thi hành 956.304.361.000 đồng trong số tiền có điều kiện thi hành, đạt tỷ lệ 87%. Ông Võ Văn Tân, Cục trưởng Cục THADS TP Đà Nẵng, cho biết: “Công tác THADS trên địa bàn TP Đà Nẵng trong những năm qua, kết quả THA xong năm sau cao hơn năm trước. Có nhiều vụ việc phức tạp đã được giải quyết dứt điểm, giảm đáng kể lượng án tồn đọng. Đặc biệt những năm gần đây đã chấm dứt tình trạng tòa án tuyên những bản án không thể thi hành...”.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác THADS trên địa bàn TP Đà Nẵng vẫn còn tồn đọng những vụ việc phức tạp, chưa được xử lý dứt điểm. Trong đó có 3.415 việc chưa có điều kiện thi hành và số tiền 804.290.401.000 đồng chưa có điều kiện giải quyết. Đi tìm lời giải cho việc khó thi hành trong một số trường hợp THADS và được biết, thực tế THADS dễ trên lý thuyết nhưng khó trong thực tế.

Ví dụ như vụ án “tranh chấp bờ tường” ở P. Xuân Hà (Q. Thanh Khê, Đà Nẵng) do Chi cục THADS Q. Thanh Khê thụ lý theo bản án của TAND TP Đà Nẵng xét xử “buộc ông Lê D. và bà Nguyễn Thị G. phải bít toàn bộ cửa trổ qua phía nhà ông Nguyễn Văn T.; ông D. và bà G. phải tự trổ cửa đi về phía kiệt chung. Quá trình tổ chức THA, ông D. và bà G. không tự nguyện THA, mặc dù đã được Chấp hành viên giải thích, thuyết phục nhưng không có kết quả. Thế nhưng trên thực tế, nếu bịt cửa đi qua nhà ông T. thì gia đình ông D., bà G. không có lối đi ra ngoài nên việc THA trong trường hợp này rất khó thực hiện. Và, đối với những trường hợp tương tự như vậy, việc THA cũng chưa thể áp dụng biện pháp cưỡng chế.

Ở một khía cạnh khác, nguyên nhân dẫn đến tình trạng khó THA đó là do hiện nay tình hình kinh tế khó khăn, tình hình thị trường bất động sản tiếp tục trầm lắng. Tài sản phát mại để THA, tâm lý người mua còn e ngại, hầu hết không đăng ký mua, dẫn đến nhiều tài sản kê biên để THA đã nhiều lần giảm giá những vẫn không bán được, nhất là các tài sản có giá trị lớn, tài sản là bất động sản.

Theo quy định của Luật THADS, việc tổ chức THA, cơ quan THADS phải tuân thủ các trình tự, thủ tục một cách nghiêm ngặt, bắt đầu từ khi thụ lý, ra quyết định đến quá trình tổ chức thi hành án. Trong quá trình này nhiều khi xảy ra những vấn đề ngoài ý muốn ví dụ như ở công đoạn tống đạt quyết định, người trực tiếp bị THA không có mặt tại nhà vì nhiều lý do nhưng người thân lại không chịu ký nhận quyết định THA vì... không liên quan. Bên cạnh đó còn chưa có chế tài xử phạt cụ thể nên cũng khó trong quá trình giải quyết vụ việc...

Có thể thấy rằng để công tác THA đạt được kết quả cao cần phải có sự phối hợp nhịp nhàng với các cơ quan, ban ngành, chính quyền địa phương đặc biệt là TA nơi tuyên những bản án, ra những quyết định để THADS thực thi công việc. Để nhận được sự đồng thuận của đương sự, sự đồng tình của nhân dân và đi đến kết quả THA đảm bảo thì trước hết bản án phải có tính thuyết phục, hợp tình hợp lý cao, quá trình xử lý phải công tâm, khách quan...

Trang Trần