Thi hành án ly hôn - những "món nợ khó đòi"

Thứ ba, 02/01/2018 11:56

Thời gian gần đây, trong các vụ án ly hôn mặc dù bản án đã có hiệu lực pháp luật nhưng việc thi hành án (THA) lại gặp nhiều vướng mắc, nhất là khoản tiền cấp dưỡng nuôi con hàng tháng, phân chia tài sản chung. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi của bên được THA mà còn gây nhiều khó khăn cho cơ quan Thi hành án dân sự  (THADS).

Thực tế cho thấy, các loại việc phải THA liên quan cấp dưỡng thường kéo dài thời gian, rất mất công sức đối với cán bộ, chấp hành viên (CHV) các cơ quan THADS. Bởi việc cấp dưỡng có thể được thực hiện theo hàng tháng, hàng quý, hàng năm, trong khi thời gian để chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng của các chủ thể có liên quan thường kéo dài. Trong đó, hiện nay việc cấp dưỡng chủ yếu được thực hiện theo hàng tháng nên khiến cán bộ cơ quan THADS đau đầu vì phải thu tiền "nhỏ giọt" cho đến khi người được cấp dưỡng trưởng thành. Thậm chí, việc người bị THA không phải ai cũng nghiêm chỉnh phối hợp cùng CHV thực hiện nghĩa vụ của mình. Một trong những khó khăn nữa mà các CHV phải đối mặt đó là có rất nhiều trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng không có chỗ ở hoặc công ăn việc làm ổn định. Sau khi ly hôn hoặc chấp hành xong hình phạt tù thì người có nghĩa vụ phải cấp dưỡng thường thay đổi chỗ ở đến nơi khác, không có tài sản để kê biên bảo đảm THA, không có việc làm ổn định... Cũng có trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng là cán bộ, công chức, người được hưởng lương hàng tháng nên số tiền cấp dưỡng có thể được trừ vào lương, tuy nhiên để thực hiện được vấn đề này cũng không hề đơn giản. Bởi không phải cơ quan, tổ chức nào cũng có thiện chí hợp tác, tạo điều kiện để THA khấu trừ các khoản thu nhập hợp pháp của người có nghĩa vụ cấp dưỡng. Để thực hiện hiệu quả một vụ việc, đặc biệt là việc thu tiền cấp dưỡng của đương sự cán bộ cơ quan THADS phải đi lại nhiều lần, phải xuất trình các giấy tờ, thủ tục có liên quan...

Theo số liệu thống kê, riêng Chi cục THADS Q. Thanh Khê (Đà Nẵng) trong năm 2017 đã thụ lý giải quyết 880 vụ ly hôn, trong đó chủ động THA gồm 707 vụ và theo yêu cầu 73 vụ. Theo ý kiến của một CHV đang công tác tại đây cho hay, vấn đề khó khăn lớn nhất trong giải quyết THA ly hôn là phức tạp về thủ tục, áp dụng luật. Đặc biệt trong đó việc cưỡng chế giao con để lại nhiều trăn trở cho không ít CHV khi thực thi nhiệm vụ. Đơn cử như trường hợp hậu ly hôn "cười ra nước mắt" giữa anh H. và chị L. (Q. Thanh Khê) khiến cho CHV phải "hao tâm tổn sức". Sau khi ly hôn, tòa tuyên chị L. nuôi con, hằng tháng anh H. cấp dưỡng 2 triệu đồng. Tài sản ngôi nhà chung của hai vợ chồng được chia đôi, chị L. giữ  nhà đồng thời thối tiền cho anh H. Vậy nhưng sau khi bản án có hiệu lực thi hành, anh H. nhận đủ số tiền thối từ chị L. nhưng vẫn không chịu ra khỏi nhà và tất nhiên cố tình "quên" luôn khoản cấp dưỡng hàng tháng để nuôi con. Sau khi cơ quan THADS có những quyết định và thực hiện quyết liệt thì anh này mới chịu rời nhà, riêng tiền cấp dưỡng nuôi con thì tháng có, tháng "quên".

Theo ông Đoàn Hoa- Chi cục trưởng Chi cục THADS Q.Thanh Khê, để việc THA ly hôn được thuận lợi, trước hết phải có một bản án được tuyên rõ ràng và có tính khả thi. Như đối với án ly hôn, việc cấp dưỡng để nuôi con thì cần xác minh người có nghĩa vụ cấp dưỡng có công ăn việc làm như thế nào, thu nhập hàng tháng bao nhiêu rồi mới ra quyết định cuối cùng. Hay, việc phân chia tài sản chung cũng phải rõ ràng, cụ thể về kích thước, giá trị sử dụng, giới cận khi tài sản là đất đai. Cũng theo ông Hoa, khó khăn chung trong việc thực thi các bản án ly hôn là người bị THA chây ì, không tự giác thực hiện án hoặc tẩu tán tài sản chung trước khi bản án có hiệu lực.

Có thể thấy, khi hôn nhân tan vỡ, phụ nữ và trẻ em luôn ở vào thế yếu, người phụ nữ phải chịu tổn thất về tinh thần. Để giảm thiểu thiệt thòi cho những đứa con, pháp luật quy định việc cấp dưỡng nuôi con sau khi ly hôn là trách nhiệm và nghĩa vụ của cha, mẹ đối với con mình. Vậy nhưng thực tế đây là "món nợ khó đòi" của những người đang trực tiếp nuôi con.

PHƯƠNG TRANG