Thị Mầu trong thơ
(Cadn.com.vn) - Văn chương Việt đã tạo ra rất nhiều những nhân vật bất tử, nổi tiếng hơn cả người thật trong cuộc sống như Tấm, Cám, Kiều, Hoạn Thư, Lục Vân Tiên, Chí Phèo, Thị Nở, Dế Mèn, Xuân Tóc đỏ... Những nhân vật văn chương đó là hình mẫu cho một nhân cách, một lối sống, một thái độ sống trong xã hội. Thị Mầu cũng là một nhân vật văn chương nổi tiếng như vậy. Thị Mầu đại diện cho tự do yêu đương, tức "quyền được yêu". Thị Mầu là nhân vật trong truyện thơ nôm Việt Nam Quan Âm Thị Kính do Nguyễn Cấp (hoặc Đỗ Trọng Dư?) viết từ giữa thế kỷ XIX.
Thị Mầu lên chùa (tranh dân gian). |
Nhà văn sáng tạo nên nhân vật, rồi các thế hệ nhà văn sau tiếp tục khai thác, phát triển thêm các khía cạnh mới trong hình tượng văn học để phản ảnh cuộc sống đương thời. Có thể nói, trong các nhân vật do văn chương Việt Nam sáng tạo nên, Thị Mầu là hình tượng được tái tạo nhiều lần nhất dưới các góc độ khác nhau, các loại hình nghệ thuật khác nhau như kịch, chèo, thơ, nhạc... và đều làm say mê lòng người Việt thế hệ này qua thế hệ khác. Nhiều nhất là chèo. Nhiều vở chèo về Thị Mầu làm say mê khán giả. Về nhạc, nhạc sĩ nổi tiếng Phạm Duy có cả một bản nhạc kịch Thị Mầu Lên Chùa. Riêng trong thơ, đã có rất nhiều nhà thơ cảm xúc về hình tượng Thị Mầu của Anh Ngọc, Đoàn Thị Lam Luyến, Bobynnguyen... Đặc biệt, cây bút thơ nữ Hoàn Nguyễn ở Ninh Bình, mới làm thơ từ năm 2014, đã viết hơn chục bài thơ về đề tài Thị Mầu. Đó là những bài Lẳng lơ Thị Mầu, Cãi, Thị Mầu... Trong tập thơ Cưới thơ ( NXB Hội Nhà văn 2015) chị có in bài Thị Mầu. Thơ Hoàn Nguyễn viết về Thị Mầu cũng lên tiếng bảo vệ quyền được yêu của phụ nữ:
Thị Mầu dẫu tính lẳng lơ
Với người đành để giấc mơ ngủ dài
Câu kinh...tay chắp...mặc ai
Hoàn nguyên tạ lỗi... trả người là xong ! (Thị Mầu)
Rồi tác giả nhắc lại, việc làm của Thị Mầu cũng là khao khát của bao người phụ nữ khác, dù ở thời đại nào. Vì đó là bản chất sự sống: Thân Mầu dù có cách xa/ Tiếng chuông còn đọng...đời ta Thị Mầu...!. Cảm về Thị Mầu, nhà thơ Anh Ngọc trong bài thơ Thị Mầu cũng đã bày tỏ quan điểm của mình về cái "lẳng lơ" của Thị Mầu: Những khát vọng nằm sâu trong mỗi trái tim người/ Được sống đúng với lòng mình thực chất/ Những xiềng xích phết màu sơn đạo đức/ Mấy trăm năm không khóa nổi Thị Mầu. Khái quát là thế. Đấu tranh để phụ nữ có quyền được "sống với lòng mình thực chất" là cuộc đấu tranh lâu dài, trên phạm vi toàn thế giới.
Đọc thơ Hoàn Nguyễn viết về nhân vật Thị Mầu, tôi cứ mường tượng tác giả là một phụ nữ sống rất tân tiến, hiện đại. Nhưng qua những bộc bạch cùng hình ảnh chị chia sẻ trên trang facebook cá nhân, mới biết nữ tác giả thật chân phương giản dị. Cái chất mới mẻ, hiện đại của tác giả nữ xinh đẹp này chính là những suy tư, đả phá những quan niệm lỗi thời trong nữ quyền, tình yêu trong thơ. Những suy nghĩ hiện đại trong thơ đó đã làm cho thơ chị được nhiều độc giả mến mộ.
Ngô Minh