"Thị Nở", cô dâu xứ Quảng...

Thứ ba, 04/08/2020 21:21

Xưa nay ai chẳng bảo phụ nữ là phái đẹp. Còn nói về phụ nữ xấu thì sao? Tôi chợt nghĩ ngay đến nhân vật Thị Nở. Đúng thật, bởi thị xấu đến ma chê quỷ hờn.

NSƯT Đức Lưu khi tuổi về chiều. 

Từ trong trang sách của nhà văn Nam Cao, Thị Nở bước vào tác phẩm điện ảnh cũng rất nổi tiếng với tên gọi "Làng Vũ Đại ngày ấy".

Nhắc tới Thị Nở trong "Làng Vũ Đại ngày ấy" của đạo diễn NSND Phạm Văn Khoa là nhắc đến nghệ sỹ Đức Lưu. Bà tên thật là Nguyễn Thị Đức Lưu, quê ở Tây Đằng, Quảng Oai (Ba Vì, Hà Tây cũ). Người con gái xứ Đoài mây trắng sau những trúc trắc tình duyên với những nhà thơ, nghệ sỹ đã nên duyên dài lâu với nhà khoa học quê xứ rượu Hồng Đào Quảng Nam, đó là GSTS Trần Hạ Phương- Giảng viên Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Cách đây mấy năm tôi có gặp nghệ sỹ Đức Lưu trong cuộc họp chuẩn bị cho ngày tổ chức Hội đồng hương Quảng Nam ở Hà Nội. Trong vai trò người con dâu Đất Quảng, chị vui vẻ trò chuyện như người trong nhà. Biết tôi và đạo diễn Vinh Quang cùng học Ngữ Văn tại Trường đại học Tổng hợp Huế, nghệ sỹ Đức Lưu cho hay, bản thân chị trước khi thi và vào học lớp diễn viên khóa 1, Trường Sân khấu điện ảnh, cũng từng là sinh viên Văn đại học Tổng hợp Hà Nội. 

Để có sự thành công trong vai diễn Thị Nở, chị bộc trực: "Mình không phải là diễn viên giỏi, có tài so với các bạn cùng lớp như Trà Giang, Thế Anh nhưng cái duyên, cái nghiệp lại gắn với vai diễn này. Trước hết phải cảm ơn bài giảng về tác phẩm Chí Phèo của giáo sư Hoàng Như Mai hồi mình học. Thầy Mai giảng hay lắm, nó ngấm quá sâu vào mình. Là người phụ nữ mình thấm thía về nhân vật này. Đó là một con người mang tất cả bất hạnh mà một phụ nữ trên đời phải gánh chịu. Đặc biệt trong bất hạnh ấy cuộc đời đã ưu ái cho Thị Nở một mối tình.

Thị Nở- Chí Phèo là mối tình nhân văn nhất giữa bối cảnh nông thôn Việt Nam những năm 1930. Mình đóng phim này chỉ là vai ngắn và xuất hiện ít nhưng những cảnh của Thị Nở- Chí Phèo đều đắt giá. Còn những vai diễn khác cũng rất hay, đó là nhà văn Kim Lân vai Lão Hạt, Bùi Cường vai Chí Phèo, Hữu Mười vai Giáo Thứ...".

Điều có tính thời sự rất cao, theo nghệ sỹ Đức Lưu đó là chuyện đưa cảnh nóng lên màn bạc. Bởi đầu những năm 80 là đêm trước đổi mới. Cảnh quay Chí Phèo với Thị Nở ở vườn chuối được xem là quá mạnh bạo (diễn viên Đức Lưu trong vai Thị Nở được diễn viên đóng thế đóng thay cảnh này). Bộ phim lúc hoàn thành phải cắt đi nhiều cảnh mà vẫn chưa được duyệt. Tôi hỏi kỹ về hoàn cảnh này thì nghệ sỹ Đức Lưu kể đầu đuôi:

"Giữa lúc tưởng như không có lối thoát, mình chợt nhớ tới cố Tổng bí thư Trường Chinh (bút danh nhà thơ Sóng Hồng). Lý do đơn giản nghệ sỹ là con gái Chánh án TAND Hà Nam Ninh và từng được cha kể cho nghe nhiều câu chuyện đáng quý về cố Tổng bí thư Trường Chinh. Thế là chị cùng chủ nhiệm phim mang theo cuộn phim "Làng Vũ Đại ngày ấy" tới gặp. Cố Tổng bí thư Trường Chinh xem xong cảnh "nóng" trong phim đã phán: "Cắt đi cảnh này thì còn gì là phim nữa". Chị nói vui: "Làng Vũ Đại ngày ấy" là bộ phim rất nhân bản, rất con người nhưng cũng có thể xem  là phim "đột phá sex" của Việt Nam. Mối tình Chí Phèo- Thị Nở giữa đêm trăng ấy là một mối tình cực kỳ nhân văn, rất bản năng, rất con người, nếu thiếu mối tình ấy, sẽ không thể ra Chí Phèo và Thị Nở.

Sau khi bộ phim được trình chiếu, nhiều họa sĩ tên tuổi như Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên, Trần Văn Cẩn... đã vẽ lại hình ảnh nghệ sỹ Đức Lưu với vai diễn Thị Nở chứ không phải chân dung thật ngoài đời. Điều này có ý nghĩa rất lớn lao trong cuộc đời làm nghệ thuật mà không phải diễn viên nào có được. Nghệ sĩ Đức Lưu thừa nhận, việc phong NSƯT cho chị vào năm 2012 cũng chỉ là dựa trên vai diễn Thị Nở mà thôi. Đúng là "một bước thành sao" nhưng cũng vô tình đẩy sự nghiệp của người nghệ sỹ này vào "ngõ cụt" khi "cái bóng" của Thị Nở quá lớn. Song nghệ sỹ Đức Lưu sớm nhận ra điều ấy và tìm cho mình một lối rẽ khác, không tiếp tục theo nghiệp diễn nữa.

NSƯT Đức Lưu (vai Thị Nở) và Bùi Cường (vai Chí Phèo) trong "Làng Vũ Đại ngày ấy".

"Sau khi phim "Làng Vũ Đại ngày ấy" trình chiếu, Thị Nở không chỉ bước ra từ văn chương mà còn bước ra từ điện ảnh để sống đến bây giờ. Đến khi tôi chết, điếu văn của tôi chắc chắn có tên Thị Nở. Đó là niềm hạnh phúc lớn lao", nữ nghệ sĩ nói.

Khi đóng vai Thị Nở, NSƯT Đức Lưu mới hơn 40 tuổi nay chị đã ngoài 80. Cuộc sống với khá nhiều công việc bận rộn không cho phép chị nghỉ ngơi mặc dù đã nghỉ hưu công việc Nhà nước nhiều năm nay. Tuổi về chiều, để khuây khỏa niềm xa vắng người chồng đã dành trọn tình yêu thương 50 năm thủy chung gắn bó, bây giờ chị lại dành quỹ thời gian cho công việc làm từ thiện.

Trước khi chia tay chị để đến thăm gia đình cố nhà văn Nguyễn Khắc Phục, nghệ sỹ Đức Lưu đã nói với tôi: "Sau những ngày bận rộn, lúc Hà Nội, khi Quảng Nam đến giờ phút này mình cùng với đạo diễn Vinh Quang đã hoàn thành 2 tập phim tài liệu về Duy Xuyên như tâm nguyện của người chồng - GSTS Trần Hạ Phương lúc còn sống".

Đến đây tôi chợt nghĩ, từ khi hóa thân vào vai Thị Nở đến bây giờ và đến hết cuộc đời này,  "Thị Nở" đã là con dâu miền quê lụa Duy Xuyên, Quảng Nam. Điều này không phải ai cũng biết...

VÕ VĂN TRƯỜNG