“Thị phi” bán hàng đa cấp?

Chủ nhật, 24/11/2013 22:39

(Cadn.com.vn) - Để dẹp bỏ tình trạng bát nháo, chụp giật, thậm chí vi phạm pháp luật thông qua hành vi “giăng bẫy” lừa lọc để kiếm lợi bất chính của không ít DN bán hàng đa cấp (BHĐC) mà báo chí, công luận đã nhiều lần lên tiếng phản ánh, sắp tới, Bộ Công Thương sẽ kiến nghị Chính phủ ban hành Nghị định mới nhằm siết chặt điều kiện lẫn hoạt động loại hình kinh doanh này.

Mô hình kinh doanh BHĐC (trực tiếp) trên thế giới đã có bề dày lịch sử 103 năm, song với Việt Nam thì chỉ được công nhận từ năm 2005, khi ban hành Nghị định 110/NĐ-CP/2005. Theo bà Trương Thị Nhi - Chủ tịch Hiệp hội BHĐC Việt Nam, đến nay, đã có 96 Cty Việt Nam và nước ngoài đăng ký hoạt động BHĐC, trong đó có 26 Cty đã chấm dứt và tạm ngừng hoạt động, 5 Cty bị rút giấy đăng ký tổ chức BHĐC.

Các Cty thường được thành lập ở Việt Nam theo cách liên kết với đối tác nước ngoài, thành lập DN trong nước hoặc thành lập Cty 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam. Lĩnh vực hoạt động chủ yếu của các DN này là sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, đồ gia dụng với quy mô trên 4.000 sản phẩm. Số lượng người tham gia BHĐC đến hết năm 2012 là hơn 1 triệu, tổng doanh số đạt hơn 4.000 tỷ đồng, đóng góp gần 600 tỷ đồng thuế TNDN và TNCN vào NSNN, đóng góp cho hoạt động từ thiện khoảng 25 tỷ đồng.

CAQ Hải Châu kiểm tra, xử lý một DN tổ chức Hội thảo BHĐC mà không xin phép.

BHĐC đạt những bước tiến quan trọng là vậy, song điều đáng nói ở chỗ, ngành kinh doanh mới này gây quá nhiều tai tiếng bởi sự méo mó, biến tướng. Khắp các tỉnh, thành phố đã chứng kiến hàng loạt DN sai phạm bị ngành chức năng xử lý như vụ MB24, chồn nhung đen, vòng titan... Các Cty tổ chức hội thảo rùm beng, lừa đảo, dụ dỗ người tham gia bán hàng để trục lợi, kể cả phóng đại giá trị sử dụng của sản phẩm.

Giải thích hiện tượng này, bà Nhi cho rằng do có một số DN hoạt động kinh doanh đa cấp bất chính theo mô hình kim tự tháp (hội viên mới phải trả tiền cho cơ hội kinh doanh để có thu nhập và thu nhập này chủ yếu có từ việc tuyển dụng thêm người vào hệ thống), bán hàng không đăng ký với cơ quan chức năng, rồi sai phạm về quy định nguồn gốc xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, VSATTP.

Đặc biệt, một số người vì sức ép công việc, doanh số về lợi ích kinh tế đã cung cấp thông tin sai lệch về lợi ích khi tham gia mạng lưới nhằm tuyển người và quảng cáo quá về công dụng sản phẩm.

* Tại buổi tọa đàm về báo chí - truyền thông trong ngành BHĐC, ông Joseph N.Mariano, Chủ tịch Hiệp hội bán hàng trực tiếp Mỹ và Chủ tịch Hội đồng Tuân thủ đạo đức, Liên đoàn các Hiệp hội Bán hàng trực tiếp thế giới khẳng định: Khác biệt cơ bản của BHĐC chân chính với mô hình kim tự tháp là Cty BHĐC chân chính có bộ quy chuẩn đạo đức kinh doanh và triển khai thực hiện, giám sát một cách công khai, minh bạch như: có chính sách trả hàng với giá cả, điều khoản thanh toán rõ ràng, chính sách hoa hồng rõ ràng và không bán được hàng bằng mọi giá, phí khởi điểm không cao mà người tham gia chấp nhận, được tư vấn, hỗ trợ về sản phẩm và có thể trả lại sản phẩm đã mua...

Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) Bạch Văn Mừng nhìn nhận, vấn đề ở chỗ nhiều DN lợi dụng kẽ hở pháp luật để sai phạm. Việc có đến 1 triệu người tham gia BHĐC là con số cực lớn, kể cả các DN da giày, dệt may vẫn không thể đạt mức đó. Trong đó, có nhiều thành phần tham gia như HSSV, người lao động nghèo ở nông thôn... nên rất dễ bị tổn thương nếu xảy ra “sự cố”.

Ông Mừng liệt kê những sai phạm của việc BHĐC phổ biến thời gian qua: Nhiều DN chưa được cấp phép vẫn hoạt động bán hàng. DN có phép thì cách thức bán hàng khiến nhiều người bức xúc như thổi phồng về lợi ích, quyền lợi tham gia bán hàng để dụ dỗ người tham gia; thổi phồng chức năng sản phẩm; đẩy giá bán lên quá cao...

Theo ông Mừng, để dẹp bỏ hiện tượng tiêu cực, ảnh hưởng xấu này, sắp tới, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định mới thay thế Nghị định 110/NĐ-CP/2005 với những quy định cụ thể hơn, chặt chẽ hơn đối với hoạt động kinh doanh BHĐC.

Cụ thể, Bộ Công Thương chủ động đề xuất giải pháp, quy định siết chặt điều kiện của DN BHĐC, trong đó buộc DN phải có vốn pháp định ở mức cao, nâng mức tiền ký quỹ. Ngoài ra, sẽ khống chế tỷ lệ hoa hồng, không để như hiện nay là 60-70%, thậm chí 90% khiến người tiêu dùng chịu thiệt hại, cũng như không quy định thời hạn của giấy phép và trách nhiệm người đứng đầu DN nếu để nhà phân phối xảy ra sai phạm...

Quang Sang