Thí sinh không phải là "giáo sư xoay"

Thứ bảy, 17/09/2016 10:10

(Cadn.com.vn) - Việc Bộ GD-ĐT dự kiến sẽ thay đổi hình thức thi môn Toán từ tự luận sang trắc nghiệm trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận, phần lớn là chưa đồng tình, ủng hộ.

Tuy ai cũng hiểu rằng, trắc nghiệm hay tự luận xét cho cùng cũng chỉ là phương thức thi mà thôi. Nếu nắm vững, chắc kiến thức, thì dù tổ chức thi theo hình thức nào, thí sinh cũng có thể làm bài tốt. Tuy nhiên, điều đáng bàn ở đây là kỳ thi THPT quốc gia mới được thực hiện năm thứ hai, thì nay Bộ GD-ĐT lại dự kiến tiếp tục thay đổi trong mùa thi tới. Chính sự thay đổi theo kiểu chưa có một lộ trình chuẩn bị kỹ càng này đã khiến cho HS đi từ hoang mang này đến hoang mang khác.

Ngay sau khi Bộ GD-ĐT đưa ra dự thảo phương án thi THPT quốc gia năm 2017, trong đó dự kiến sẽ thay đổi hình thức thi đối với môn Toán, nhiều HS lớp 12 ở Đà Nẵng rất lo lắng. Ngọc - HS lớp 12 một trường THPT công lập, âu lo: "Có thật là Bộ GD-ĐT sẽ thay đổi phương thức thi môn Toán từ tự luận sang trắc nghiệm không ạ? 2 năm học THPT, chúng em đã quen với phương thức làm Toán theo kiểu tự luận, đầu năm học cuối THPT lại nghe sẽ thay đổi thì làm sao làm quen, bắt kịp với phương thức thi trắc nghiệm này? Theo em nghĩ, điều quan trọng là ở nội dung chương trình, chất lượng dạy- học, phương thức thi đâu nhất thiết phải thay đổi liên tục như vậy. Nếu có thay đổi, cũng nên có lộ trình chuẩn bị, ít nhất là 3 năm để cho những HS lớp đầu tiên mới vào bậc THPT làm quen với cách dạy-học mới...".

Thí sinh sau giờ thi tại kỳ thi THPT quốc gia 2016.

Một số HS lớp 12 khác khi được hỏi về dự thảo thay đổi này, đều lắc đầu không bình luận, chỉ kết bằng một câu trả lời theo kiểu được chăng hay chớ... rất HS: "Thì cứ đánh lô tô, được tới đâu hay tới đó. Ít nhất cũng không bị điểm liệt!". Chợt nhớ đến câu trả lời của nhiều thí sinh sau khi kết thúc giờ làm bài thi môn Hóa kỳ thi THPT quốc gia vừa qua khi được hỏi "đề thi năm nay dễ hay khó" rằng: "Với đề thi dài ngoằng như thế thì chỉ ổn đối với... giáo viên và các bạn học sinh giỏi. Còn em thì đánh lô tô may rủi khoảng 60-70%!"...

Cũng như HS khối lớp 12, phụ huynh có con em đang theo học năm cuối bậc THPT cũng tỏ ra lo lắng, thường xuyên cập nhật thông tin liên quan đến tình hình thi cử. Anh Thanh - một phụ huynh ở Q. Ngũ Hành Sơn, bộc bạch: "Tuy không rành lắm về ngành GD-ĐT, nhưng tôi cũng hiểu việc các nhà quản lý GD-ĐT cố gắng nghiên cứu, tìm tòi để tìm ra phương thức tuyển sinh sao cho vừa gọn nhẹ mà vẫn đảm bảo chất lượng, sự công bằng là điều đáng được ghi nhận. Xã hội, thế giới đang ngày càng phát triển như vũ bão, chúng ta cũng không thể dậm chân tại chỗ mãi được. Tuy nhiên, qua việc thay đổi phương thức thi, cách xét tuyển ĐH, CĐ 2 năm gần đây, tôi thấy sao mà rối rắm quá!  Giờ lại tiếp tục thay đổi nữa, liệu có ổn không? Tôi cho rằng, dù có thay đổi cũng cần phải có lộ trình chuẩn bị kỹ càng. HS không phải là "giáo sư xoay" mà muốn "xoay" kiểu chi cũng được. Tội các cháu! Chương trình học quá nặng, giờ lại tiếp tục thay đổi nữa, với quỹ thời gian ngắn 8-9 tháng, các cháu có theo kịp không? Tôi nghĩ, Bộ GD-ĐT nên cân nhắc, cần có lộ trình chuẩn bị kỹ càng. Ví dụ nghiên cứu kỹ rồi ban hành quy chế áp dụng cho việc thay đổi phương thức thi mới cho những năm tiếp theo. Ít nhất là nên bắt đầu từ lúc HS vừa mới bước vào lớp 10 THPT...".

Không ai phủ nhận những nỗ lực của Bộ GD-ĐT trong thời gian qua khi loay hoay, trăn trở, nghiên cứu và cả lắng nghe để tìm ra một phương thức thi tuyển sao vừa gọn nhẹ, giảm bớt áp lực thi cử cho HS, vừa giảm được chi phí, tiền của cho gia đình và xã hội mà vẫn đảm bảo chất lượng cũng như công bằng trong thi cử. Tuy nhiên, không thể vì thế mà có thể vội vàng, gấp gáp mỗi năm thay đổi một kiểu thi. Mọi sự thay đổi cần có một lộ trình nghiên cứu, chuẩn bị chu đáo, kỹ càng. Nhất là trên lĩnh vực giáo dục thì yêu cầu này lại càng phải được đặt lên hàng đầu. Đành rằng, trong xu thế phát triển của thế giới, nếu ta không thay đổi thì sẽ tụt hậu. Nhưng không phải vì thế mà vội vàng, gấp gáp được. Nói như GS-TSKH Phùng Hồ Hải- Phó Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam, Tổng Thư ký Hội Toán học Việt Nam, khi trả lời báo chí xung quanh vấn đề này rằng, "HS không phải là vật thí nghiệm". Muốn HS làm quen với phương thức thi mới này thì cần phải thay đổi phương thức dạy-học môn Toán, chứ không thể "dạy một đàng mà thi một nẻo" được. 

Thực tế cho thấy, trong GD-ĐT từ trước đến nay vẫn tồn tại những mô hình được triển khai thí điểm. Sau thời gian triển khai, ngành GD-ĐT đều tổ chức đánh chuyên môn để tìm ra ưu, khuyết đối với một mô hình, phương thức học mới. Trên cơ sở đó mới quyết định có nên hay không nên tổ chức đại trà. Vậy thì tại sao đối với việc thi cử quan trọng, có tính quyết định cả một quá trình học tập của HS trong suốt 12 năm lại cứ thay đổi đến chóng mặt như hiện nay?

 Bộ GD-ĐT nên cân nhắc trước khi đưa ra quyết định cuối cùng về sự thay đổi trong phương án thi THPT quốc gia năm 2017 tới đây. Bởi xét cho cùng, điều quan trọng nhất vẫn phụ thuộc vào nội dung chương trình và chất lượng dạy-học. Không nên biến thí sinh thành những "giáo sư xoay"!

Khánh Yên