Thi THPT quốc gia 2019: Tập trung chống gian lận thi cử
Tăng cường lực lượng, quy định trách nhiệm liên đới và quán triệt sâu sắc về quy trình, nhiệm vụ thanh tra là những điểm mới của công tác thanh tra trong Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm nay.
Lực lượng thanh tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo cắm chốt ở các địa phương sẽ tăng từ hai người như năm 2018 lên ba người trong năm 2019. Trong đó, có hai người là cán bộ từ trường đại học. Người thứ ba là chánh thanh tra hoặc phó chánh thanh tra của các Sở Giáo dục và Đào tạo, nhưng được bố trí theo nguyên tắc không thanh tra ở tỉnh mình. Đây là những điểm mới được Chánh Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Bằng chia sẻ với báo giới.
Chánh thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Huy Bằng thanh tra tại một điểm thi. |
Đổi mới coi thi, chấm thi * Thưa ông, sau sự cố gian lận thi cử của năm 2018, năm nay, công tác thanh tra, kiểm tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo có những đổi mới gì không, nhất là trong khâu coi thi và chấm thi? * Ông Nguyễn Hữu Bằng: Quá trình thi có rất nhiều khâu, từ làm đề, tổ chức thi, coi thi, chấm thi... và khâu nào cũng quan trọng. Thanh tra chỉ là một khâu và là lát cắt ngang tất cả các khâu đó. Chúng tôi đã chủ động hướng dẫn tất cả các địa phương thực hiện đúng theo Luật Thanh tra, thực hiện đúng quy chế, đặc biệt những điểm mới trong quy chế năm nay, tập huấn cho lãnh đạo các sở từ rất sớm để các sở chủ động về xây dựng kế hoạch, tổ chức lực lượng thanh tra của địa phương mình. Bên cạnh hướng dẫn chung như vậy, Bộ cũng tổ chức trực tiếp việc thanh tra, tăng cường lực lượng. Ví dụ năm ngoái, mỗi hội đồng chấm thi chúng tôi bố trí hai cán bộ thanh tra từ các trường đại học, nhưng năm nay Bộ quy định ít nhất ba thanh tra, trong đó có hai người của trường đại học và một đồng chí là chánh thanh tra hoặc phó chánh thanh tra các Sở Giáo dục và Đào tạo tham gia. Tuy nhiên, việc bố trí chánh và phó chánh thanh tra các sở thực hiện theo nguyên tắc không thanh tra tại địa phương mình. Những tỉnh lớn đông thí sinh, nhiều bài chấm thì có thể bố trí nhiều thanh tra hơn, như ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, mỗi nơi bố trí tới 7 người. Bên cạnh lực lượng như vậy, thì cũng phải tập huấn rất kỹ về quy chế, để làm sao cán bộ thanh tra nắm được quy chế, tránh tình trạng thanh tra đi "cưỡi ngựa xem hoa", như là đi "xem thi" thì không có hiệu quả. |
* Thưa ông, chỉ còn vài ngày nữa, kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2019 sẽ chính thức bắt đầu. Ông có thể cho biết, đến thời điểm này, công tác thanh tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã được thực hiện như thế nào để chuẩn bị cho kỳ thi?
* Ông Nguyễn Huy Bằng: Để chuẩn bị cho kỳ thi, thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức 8 đoàn thanh tra do lãnh đạo Bộ trực tiếp làm trưởng đoàn đến các địa phương để nắm tình hình, kịp thời tháo gỡ các vướng mắc.
Kết quả thanh tra cho thấy các địa phương đã bám sát những điểm mới của quy chế thi năm nay như sắp xếp thí sinh tự do thi chung với thí sinh chính quy, lắp camera tại nơi giữ bài và giữ đề thi, giao cho các trường đại học chủ trì chấm thi trắc nghiệm... Ở nhiều địa phương, không chỉ phó chủ tịch tỉnh mà trực tiếp chủ tịch tỉnh làm trưởng ban chỉ đạo thi. Có địa phương không chỉ thành lập ban chỉ đạo thi cấp tỉnh mà còn thành lập ban chỉ đạo thi ở các huyện. Nhiều lực lượng được huy động tham gia tổ chức kỳ thi như y tế, giao thông, công an...
Các địa phương cũng đã phối hợp với các trường đại học để bổ sung, sắp xếp đủ số lượng cán bộ làm thi, tập huấn cho lực lượng đó; rà soát kỹ để không chỉ đảm bảo số lượng mà còn đảm bảo cơ cấu, chất lượng.
Cả nước được bố trí 1.980 điểm thi rất khang trang, là các trường cấp ba, cấp hai, có đủ điều kiện cơ sở vật chất, có phương án dự phòng. Các tỉnh miền núi còn tính đến cả phương án xảy ra lũ lụt, ảnh hưởng đến đường đi, sinh hoạt của giám thị, thí sinh. Các tình huống bất thường cũng được các địa phương tính đến, như trường hợp thí sinh, cán bộ ốm đau trong khi kỳ thi diễn ra thì bố trí y tế ra sao...
Tuy nhiên, vẫn còn một số nơi chưa sát sao. Một số nơi khó khăn về nhân lực, nhất là một số địa phương năm ngoái có những sai sót và năm nay thay đổi cán bộ (là những cán bộ mới, chưa có nhiều kinh nghiệm).
* Với những địa phương này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có giải pháp gì, thưa ông?
* Ông Nguyễn Hữu Bằng: Bộ đã nắm rất rõ vấn đề này và không chỉ chỉ đạo, góp ý mà còn yêu cầu các trường đại học phối hợp tăng cường, giao cho các trường đại học có kinh nghiệm để phối hợp tổ chức Kỳ thi. Chúng tôi cũng có kế hoạch cử đoàn thanh tra trực tiếp làm việc tại chỗ ở các tỉnh đó để giúp các tỉnh làm đúng quy chế.
* Trong việc chống gian lận thi cử, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh con người là yếu tố quyết định. Vậy trong công tác thanh tra, bên cạnh việc tăng về số lượng, yếu tố chất lượng, con người được chú trọng như thế nào, thưa ông?
* Ông Nguyễn Hữu Bằng: Đúng là dù các giải pháp kỹ thuật có kỹ đến đâu thì đều do con người thực hiện nên Bộ quán triệt rất mạnh mẽ về tinh thần, thái độ, kỹ năng.
Quy chế năm nay quy định rất rõ là cán bộ thanh tra sẽ chịu trách nhiệm liên đới đối với những nơi mình thanh tra mà làm không đúng trách nhiệm, dẫn đến sai sót. Chúng tôi cũng đã kịp thời quán triệt, nhắc nhở các địa phương. Ngày 18-6, chúng tôi đã có công văn gửi giám đốc tất cả các sở quán triệt rất sâu sắc cán bộ thanh tra thi tinh thần công điện của Thủ tướng mới ban hành cùng ngày về việc phòng ngừa những tiêu cực, những sai sót trong việc thực hiện nhiệm vụ công vụ.
* Là người đứng đầu lực lượng thanh tra của ngành giáo dục, trước kỳ thi quan trọng sắp tới, ông có nhắn nhủ gì tới thí sinh và phụ huynh để họ yên tâm bước vào kỳ thi?
* Ông Nguyễn Hữu Bằng: Thi là hoạt động bình thường nhưng rất quan trọng đối với thí sinh trong suốt 12 năm học. Các em học như thế nào thì thi như thế. Gần đây, Bộ ra đề theo hướng đề mở, rất cơ bản, không đánh đố, nên thí sinh cứ bình tĩnh, tự tin để làm bài. Đặc biệt, các em phải quán triệt quy chế, nhiệm vụ của thí sinh, cái gì được mang vào phòng thi, cái gì không được mang vào phòng thi. Có những trường hợp thí sinh vô tình mang điện thoại vào phòng thi, sau đó bị phát hiện và bị đình chỉ thi, rất đáng tiếc.
Các em cần tập trung làm bài nghiêm túc, trách nhiệm cao, quyết tâm, nhưng đừng áp lực quá, căng thẳng quá. Kỳ thi diễn ra vào mùa nóng nên thí sinh cần ăn uống nghỉ ngơi đảm báo sức khỏe để thể hiện được tốt nhất khả năng của mình. Tôi chúc các em thi thật tốt!
* Xin cảm ơn ông!
T.NGỌC- P.MAI (ghi)