Thi THPT quốc gia năm 2015: Đồng bộ, nghiêm túc hay không, chính ở thầy cô giáo
(Cadn.com.vn) - Trong các Hội nghị tập huấn thi tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH, CĐ mấy năm gần đây, lãnh đạo Bộ GD-ĐT thừa nhận đối với kỳ thi tốt nghiệp THPT nhiều năm qua, công tác coi thi vẫn là một trong những khâu yếu kém nhất, để nảy sinh tiêu cực, gây bức xúc dư luận xã hội như vụ việc ở Hội đồng thi Trường THPT dân lập Đồi Ngô (Bắc Giang) năm 2012.
Nhiều Hội đồng thi không hoàn thành chức trách nhiệm vụ. Thanh tra thi thì lơ là, buông lỏng công tác giám sát và xử lý sai phạm của giám thị và thí sinh. Giám thị ở một số phòng thi thiếu nghiêm túc hoặc non kém về nghiệp vụ, thiếu tinh thần trách nhiệm, để thí sinh quay cóp, chép bài của nhau, mang tài liệu vào phòng thi để gian lận...
Từ thực tế bức xúc đó, bắt đầu từ kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh năm 2013, trong quy chế Thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh, Bộ GD-ĐT đã cho phép thí sinh mang vào phòng thi thiết bị ghi âm, ghi hình chỉ có chức năng ghi thông tin, không truyền được thông tin ra ngoài phòng thi và người sử dụng không nghe được âm thanh, không xem được hình ảnh trực tiếp, tại chỗ nếu không có thiết bị hỗ trợ khác. Lý giải về điểm này, Bộ GD-ĐT cho rằng, đây sẽ là biện pháp tăng cường sự giám sát của xã hội đối với công tác coi thi, đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả đấu tranh chống các hành vi tiêu cực trong công tác coi thi, góp phần siết chặt hơn nữa kỷ luật phòng thi.
Căn bệnh tiêu cực ở kỳ thi tốt nghiệp THPT có được đẩy lùi hay không cần sự đồng bộ, nghiêm túc của đội ngũ coi thi. Ảnh: P.THỦY |
Là một thầy giáo có gần 20 năm làm công tác thi tốt nghiệp THPT, thi ĐH, CĐ, nhiều năm qua, tôi thấy Bộ GD-ĐT từng có những nỗ lực, điều chỉnh, thay đổi về Quy chế thi tốt nghiệp và tuyển sinh để đưa công tác thi, nhất là coi thi đi vào nền nếp, ổn định lâu dài.
Ví dụ: Giao quyền tổ chức coi thi và chấm thi tốt nghiệp THPT cho từng trường ở những năm 1987,1988; Tăng cường công tác thanh tra thi ở tất cả các Hội đồng thi mà lực lượng là các thầy cô giáo, giảng viên của các trường ĐH, CĐ từ năm 2007-2009; Chấm chéo bài thi các môn tự luận giữa tỉnh này với tỉnh khác, vào các năm 2010, 2011.
Song thật tiếc, những nỗ lực, đổi thay đó của Bộ GD-ĐT vẫn chưa đủ lực, chưa đủ sức công phá, đẩy lùi căn bệnh giả dối và căn bệnh thành tích trong thi tốt nghiệp THPT. Do đó, tiêu cực trong thi tốt nghiệp ngày càng khủng khiếp, tràn lan, vượt ra mọi rào chắn, quy định, khiến nhiều thầy cô giáo tâm huyết với nghề chán nản, xót xa trước thực trạng không thể chấp nhận nổi.
Cho phép ghi hình trong phòng thi có thể được xem là giải pháp hữu hiệu để cứu vãn một kỳ thi quan trọng mà có quá nhiều tai tiếng và tiêu cực. Nếu như không có thí sinh mang thiết bị ghi hình, ghi âm vào phòng thi và quay, ghi những cảnh tượng tiêu cực, gian dối ở Hội đồng thi THPT dân lập Đồi Ngô (Bắc Giang) năm 2012, rồi đưa lên mạng thì làm sao Bộ GD-ĐT, dân chúng cả nước biết được thực chất kỳ thi ở đó nó như vậy?
Năm 2013, có thêm phần mới đó, các Hội đồng thi thêm phần khó khăn, vì việc xác định thiết bị quay phim, chụp ảnh không phát được tại chỗ là không hề đơn giản chút nào. Bởi lẽ, tất cả thầy cô giáo có phải chuyên gia về các thiết bị điện tử đâu mà biết nó có phát hay không phát, đặc tính, chức năng của nó như thế nào? Hơn nữa, điểm này dễ tạo căng thẳng, áp lực lớn cho giám thị làm công tác coi thi. Mặt khác, nhiệm vụ của thí sinh là tập trung vào làm bài thi cho tốt, chứ không phải vào phòng thi để "canh" bắt giám thị và thí sinh khác. Có người nói: "Lãnh đạo ngành Giáo dục đang muốn làm khó cho giám thị, thầy cô giáo lẫn học sinh".
Một số thầy cô giáo từng đề xuất ý kiến: Bộ GD-ĐT đã bố trí đủ các lực lượng làm công tác coi thi thì nên phát huy tính hiệu quả của các đối tượng này, không nên vì áp lực của dư luận xã hội mà đưa ra biện pháp mang tính "đối phó". Nhưng thực tế lại tồn tại nghịch lý là bao nhiêu năm nay, Hội đồng thi nào cũng đầy đủ các thành phần cả, về chức năng, nhiệm vụ thì được quy định rất chi tiết, cụ thể trong các loại văn bản mà tiêu cực cứ hoàn tiêu cực...
Trải nghiệm hàng chục năm làm công tác thi tốt nghiệp, từ coi thi, chấm thi, thanh tra thi, tôi và nhiều thầy, cô giáo rất ủng hộ việc làm trên của Bộ GD-ĐT, phải mạnh dạn cải tiến, áp dụng cái mới, chứ nhiều biện pháp, "liều thuốc" cũ, nay đã bị "lờn thuốc", vô hiệu hóa rồi.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2015 sắp đến gần, với hai loại cụm thi liên tỉnh và địa phương, Bộ GD-ĐT cần củng cố thêm về quy định những vật mang vào phòng thi phải rõ ràng, rành mạch, cụ thể hơn. Đồng thời, công tác chuẩn bị, tập huấn về công tác thi cần tổ chức học tập, quán triệt nên hết sức chu đáo, kỹ lưỡng để các trường ĐH, CĐ, thầy cô giáo, học sinh không gặp khó khăn, lúng túng. Đó cũng chỉ là một biện pháp để ngăn chặn tiêu cực trong thi cử mang tính chất tạm thời, ngắn hạn mà thôi.
Vấn đề căn cơ, cốt lõi ở đây là chiến lược, cách thức xây dựng, giáo dục đạo đức cho học sinh, là bài học về lòng trung thực, lòng tự trọng, dám nhận thất bại, biết xấu hổ khi gian dối trong kiểm tra, thi cử. Đổi mới căn bản về cách kiểm tra, ra đề theo hướng phát huy được năng lực của người học.
Còn các nhà quản lý giáo dục cũng như thầy cô phải rũ bỏ, nói không với căn bệnh thành tích; làm việc, coi thi thực hiện đúng quy chế; không sợ bất kỳ áp lực nào từ địa phương... thì mới mong có được những kỳ thi tốt nghiệp thật sự đồng bộ, nghiêm túc, công bằng, khách quan, mới mong chất lượng giáo dục phổ thông được đánh giá thực chất, một cơ sở đáng tin cậy để các trường ĐH, CĐ xét tuyển sinh, tuyển chọn được những học sinh đủ năng lực, phẩm chất.
Đỗ Tấn Ngọc