Mối lo từ Quy chế thi THPT và tuyển sinh đại học năm 2015

Thứ hai, 02/03/2015 08:56

(Cadn.com.vn) - Ngày 26-2 vừa qua, Bộ GD-ĐT ban hành chính thức Quy chế kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ. Nhìn chung dư luận xã hội, đặc biệt là các thầy, cô giáo, phụ huynh và học sinh lớp 12 đều ghi nhận những nỗ lực của Bộ GD-ĐT trong việc sớm ban hành Quy chế thi và tuyển sinh để mọi đối tượng liên quan trực tiếp có sự chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi-mùa tuyển sinh quan trọng sắp tới, với nhiều thay đổi mạnh mẽ và kỳ vọng lớn lao.

Tuy vậy vẫn tồn tại nhiều quan ngại, băn khoăn của thầy cô giáo, phụ huynh và học sinh về một số quy định trong Quy chế thi và tuyển sinh. Quy định chỉ rõ, các cụm thi liên tỉnh do trường ĐH chủ trì, phối hợp Sở GD-ĐT và các cụm tại địa phương do Sở GD-ĐT chủ trì, phối hợp các trường ĐH, CĐ. Diện học sinh thi cụm liên tỉnh vừa để công nhận tốt nghiệp THPT vừa tham gia xét tuyển ĐH.

Diện học sinh thi tại địa phương chỉ để công nhận tốt nghiệp THPT. Cách  phân chia như trên của Bộ GD-ĐT vừa giảm áp lực cho các cụm liên tỉnh, giao thông, đi lại, ăn ở, vừa tính đến yếu tố phân luồng, định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Số học sinh khả năng học tập ở mức trung bình thì chỉ cần thi đỗ tốt nghiệp THPT, sau đó tham gia vào lao động, đào tạo nghề, học các trường trung cấp, cao đẳng.

Chúng tôi cho rằng, đây là một định hướng đúng đắn. Tuy nhiên, thực tế nhận thấy, tâm lý chuộng bằng cấp, tính sĩ diện với bạn bè vẫn chi phối, đè nặng trong tâm trí nhiều học sinh. Do đó, phần lớn học sinh lớp 12 đều có xu hướng thích chọn thi cụm liên tỉnh hơn, mặc dù biết rõ mức độ, khả năng học tập của mình còn hạn chế, không thể cạnh tranh vào ĐH được. Cần nhiều giải pháp đồng bộ mới thắng nổi tâm lý ấy của học sinh và kể cả phụ huynh.

Điều lo lắng không kém nữa là công tác tổ chức coi thi và chấm thi- hai khâu quan trọng bậc nhất góp phần vào thành công của kỳ thi. Nay chia tách thành ở hai địa điểm, hai đối tượng chủ trì khác nhau, liệu có sự đồng bộ, nhất quán trong quá trình triển khai, thực hiện hay không? Nhiều người có cơ sở để lo rằng, ở các hội đồng thi do Sở GD-ĐT chủ trì sẽ dễ dẫn đến tình trạng tiêu cực vì tư tưởng địa phương, thương học trò mình...

Vấn nạn này từng hiện hữu rất rõ trong các kỳ thi tốt nghiệp THPT do địa phương tổ chức nhiều năm qua. Do vậy, Bộ GD-ĐT cần cân nhắc kỹ lưỡng, đặc biệt công tác chuẩn bị, tập huấn, chỉ đạo, quán triệt và biện pháp thanh kiểm tra- xử lý những trường hợp vi phạm quy chế sao cho có tính răn đe cao.

Với 8 môn thi gồm hình thức tự luận và trắc nghiệm năm nay sẽ tiếp tục đi theo hướng mở, hạn chế kiến thức thuộc, nhớ; phát huy khả năng vận dụng kiến thức, kỹ năng; cấu trúc đề thi có sự phân hóa cao, mức độ khó dễ khác nhau, nhất là các môn trắc nghiệm để công nhận tốt nghiệp và xét tuyển ĐH,CĐ.

Đây thực sự là một áp lực, thử thách không nhỏ đối thầy cô giáo và học sinh, đặc biệt đối với thầy- trò các trung tâm giáo dục thường xuyên và các trường miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, khi chất lượng đầu vào thấp. Nếu học sinh học yếu, lại có tư tưởng chủ quan, ỷ lại, thiếu chuyên cần học tập ôn bài thì nguy cơ hỏng tốt nghiệp rất cao.

Sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD-ĐT, các trường ĐH,CĐ cần tập trung giải quyết tốt những vấn đề về kỹ thuật liên quan đến giấy Chứng nhận kết quả; đăng ký lựa chọn ngành nghề, các trường ĐH... vừa đem lại tiện ích, thuận lợi nhất cho thí sinh, phụ huynh vừa hạn chế được tình trạng thí sinh ảo, giảm thiểu khó khăn, phức tạp cho các trường khi xét tuyển sinh...

Những vấn đề liên quan đến xét tuyển sinh mà thí sinh, phụ huynh chưa hiểu, chưa rõ thì bộ phận chuyên môn của Bộ GD-ĐT, các trường ĐH, CĐ nên tăng cường thông tin, trao đổi qua báo chí, trực tuyến và các con đường khác để thí sinh, phụ huynh dễ nắm bắt, thực hiện cho đúng, cho đủ, giảm thiểu tối đa những nhầm lẫn, thiệt thòi đáng tiếc ảnh hưởng quyền lợi của thí sinh.

Đỗ Tấn Ngọc