Thi THPT Quốc gia & xét tuyển Đại học, Cao đẳng 2019: Tuyệt đối không được để xảy ra sai sót!

Thứ tư, 15/05/2019 09:08

Đó là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ tại Hội nghị trực tuyến 63 tỉnh thành về kỳ thi THPT Quốc gia & Tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2019 do Bộ GD-ĐT tổ chức sáng 14-5.

Để đạt kết quả cao nhất, Đà Nẵng vừa tổ chức thi thử THPT 2019.

Rõ người, rõ quy trình, rõ trách nhiệm

Từ những vụ bê bối, tiêu cực đáng xấu hổ xảy ra trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018, tại hội nghị trực tuyến, các ý kiến đóng góp đều nhấn mạnh đến vai trò then chốt của những người tham gia công tác coi thi, chấm thi, bảo vệ thi, đặc biệt trong công tác thanh, kiểm tra.

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, kỳ thi THPT Quốc gia 2018 vừa qua, một trong những bộ phận cần được rút kinh nghiệm chính là bộ phận thanh kiểm tra từ khâu cử người đến khâu tập huấn, nâng cao trách nhiệm thi hành công vụ của thanh tra, thanh tra viên. Kỳ thi năm nay phải đặc biệt chú trọng đến khâu này.  Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh đề nghị  Bộ GD-ĐT chỉ đạo các trường ĐH quán triệt Quy chế đến đội ngũ cán bộ, giảng viên, đặc biệt những người tham gia coi thi, chấm thi để thực hiện nhiệm vụ hiệu quả. Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch cũng đề nghị Bộ cần tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác thi và giám sát chặt chẽ việc chấm thi, bảo quản đề thi, bài thi.

Về phía Đà Nẵng, Phó Chủ tịch TP Lê Trung Chinh cho biết, đã thành lập Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia và tất cả thành viên đều có mặt tại hội nghị trực tuyến để nắm thông tin chỉ đạo của Bộ GD-ĐT. Cũng theo ông Chinh, dù chuẩn bị kỹ đến mấy thì “con người vẫn là yếu tố quyết định thành công”. Chính vì vậy, bên cạnh việc tích cực chuẩn bị cho kỳ thi theo đúng quy định, quy trình, không bỏ sót khâu nào, lãnh đạo TP đã chỉ đạo Sở GD-ĐT quán triệt đến toàn bộ đội ngũ cán bộ, giáo viên trong ngành về vai trò, trách nhiệm của mỗi người tham gia công tác thi, chấm thi.

Trước sự lưu tâm đặc biệt của lãnh đạo Bộ về công tác thanh tra kiểm thi, chấm thi năm nay, Phó Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT Tống Duy Hiến - thành viên trong Ban Chỉ đạo Thi THPT Quốc gia 2019 Bộ GD-ĐT phụ trách về thanh kiểm tra thi thông tin, đã ban hành hướng dẫn các vấn đề liên quan đến công tác thanh tra thi THPT Quốc gia năm 2019. Theo đó, tất cả các khâu liên quan đến kỳ thi năm nay, Thanh tra các Sở chủ trì, phối hợp cùng các đơn vị, cơ sở giáo dục ĐH tại địa phương để cử cán bộ tham gia vào thanh tra tất cả các khâu của kỳ thi tại địa phương mình.

Về phía Bộ GD-ĐT, Thanh tra Bộ thành lập các đoàn Thanh tra chấm thi tất cả 63 HĐT tỉnh, thành do các trường ĐH chủ trì chấm thi. Thành viên tham gia vào các đoàn Thanh tra của Bộ bao gồm: Thanh tra Bộ; cán bộ các Cục, Vụ, đơn vị của Bộ; lãnh đạo Thanh tra các Sở và cán bộ các trường ĐH. Để đảm bảo công bằng, khách quan, các đoàn Thanh tra Bộ sẽ tiến hành thanh tra theo nguyên tắc thanh tra các trường không được thanh tra tại nơi trường mình chủ trì chấm thi; Thanh tra Sở cũng không thanh tra tại địa phương mình. Ông Hiến cho biết thêm, trong quá trình tổ chức tập huấn về công tác thanh tra cho các Sở, Thanh tra Bộ cũng đã chỉ ra những hạn chế, thiếu sót, đồng thời rút ra bài học kinh nghiệm trong công tác kiểm tra, thanh tra của kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018. Có một thực tế đã xảy ra tại kỳ thi vừa qua là cán bộ thanh tra giám sát quy trình chấm thi trắc nghiệm nhưng lại không nắm được quy trình trong xử lý bài thi trắc nghiệm. Vì vậy, vấn đề nắm bắt quy trình, công việc sẽ được chấn chỉnh nghiêm túc trong năm nay...  

Thật sự nghiêm túc, kín kẽ

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ, dù việc tổ chức thi không phải là chuyện mới, năm nào cũng làm và trở thành kinh nghiệm của các địa phương, của các giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý..., nhưng chính vì thế mà dẫn đến chủ quan. Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho rằng, mỗi kỳ thi đều có điểm mới, tình hình mới. Vì lẽ đó, các thành viên được chọn tham gia trong suốt quá trình diễn ra kỳ thi này phải nắm chắc quy chế để từ đó làm chủ công việc của mình. Thứ trưởng nêu quyết tâm phải làm sao tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia an toàn, khách quan, nghiêm túc nhưng không căng thẳng. Và để làm được điều này, theo ông “mỗi người phải làm đúng, làm tròn trách nhiệm của mình”. Trên tinh thần đó, Thứ trưởng đề nghị tất cả các thành viên tham gia công tác Thi THPT Quốc gia & xét tuyển ĐH, CĐ năm 2019 từ TƯ đến địa phương cần quán triệt “5 rõ” đã được nêu kỹ trong Quy chế, cụ thể: Phải tập huấn bài bản, chặt chẽ; chuẩn bị kỹ các điều kiện để tổ chức thi; Ban Chỉ đạo phân công rõ người, rõ quy trình; làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra; đặc biệt lưu tâm đến những vấn đề mang tính kỹ thuật, nhất là những liên quan đến điều chỉnh của năm nay.

Phát biểu chỉ đạo, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đặc biệt nhấn mạnh đến công tác phân công, phân nhiệm phải đúng người và phải tổ chức tập huấn thật kỹ.  “Cần phải rút kinh nghiệm từ những cuộc thi trước để làm sao những người phân công hiểu rõ chức trách nhiệm vụ của mình, phối hợp công tác tốt từ đấy mới chủ động thực hiện tốt nhiệm vụ được giao”, Bộ trưởng Nhạ nhấn mạnh. Theo ông Nhạ, thực tế dù điều động đội ngũ cán bộ coi, chấm thi, bảo vệ thi và thanh tra thi rất đông nhưng chỉ cần mỗi khâu có vài người lúng túng, không nắm rõ công việc thì khâu đó sẽ bị trục trặc. Trên tinh thần đó, Bộ trưởng chỉ đạo: “Trong thi cử không có “hy vọng” mà buộc phải làm việc nghiêm túc. Phải quán triệt điều này để tránh tình trạng một số cán bộ coi thi chưa xác định rõ trách nhiệm của mình trong nhiệm vụ được phân công. Đề nghị tuyệt đối không được để xảy ra sai sót”.

P.Thủy