Thị trường bất động sản Đà Nẵng: Giao dịch ảm đạm, giá đất nền vẫn "neo" cao
Sau năm 2017 và những tháng đầu năm 2018 sôi động, từ khoảng tháng 5-2018 đến nay, thị trường bất động sản nói chung, đất nền dự án nói riêng trên địa bàn TP Đà Nẵng đã chững lại và có dấu hiệu sụt giảm.
Giao dịch hạ nhiệt
Nếu như ở các thời điểm thị trường sôi động, gần đây nhất là vào những tháng đầu năm 2018, hễ mỗi khi mở bán dự án thì Sàn giao dịch bất động sản không khác gì cái chợ, đông nghẹt người mua kẻ bán; còn trên thực địa thì các ki-ốt giao dịch đất nền mọc lên như nấm sau mưa dọc các tuyến đường chính hay các ngã tư, ngã ba,... nhộn nhịp khách hàng ra vào giao dịch bất chấp bụi bặm mù trời phát ra từ các đoàn xe tải chở đất đá vào phục vụ san nền dự án. Giá đất thì khỏi phải nói, “nhảy múa” liên tục, thậm chí tăng 5 – 10% chỉ trong vòng một nốt nhạc. Nhớ lại thời điểm đó, cò đất Nguyễn Văn Hoàng, ở P. Khuê Trung (Q.Cẩm Lệ), lắc đầu ngao ngán: “Vừa viết giấy nhận cọc của một khách hàng đến từ Quảng Bình mua lô đất với giá hơn 1,9 tỷ đồng thì nhận được cuộc điện thoại của “đồng nghiệp” báo có khách từ Hà Nội sẵn sàng trả mua lô đất đó với giá hơn 2 tỷ đồng”.
Nhưng tại thời điểm này, tình hình thị trường đã khác trước rất nhiều. Một vòng khu vực vào ngày 4-9, chúng tôi nhìn thấy rất nhiều ki-ốt giao dịch nằm dọc tuyến đường Nguyễn Phước Lan hay tại các đầu mối giao thông ngã tư, ngã ba đều đóng cửa tạm ngưng giao dịch, có ít ki-ốt mở cửa nhưng vắng hoe, chỉ có nhân viên ngồi trực say sưa lướt face (facebook) không buồn tiếp khách... Anh Trần Văn A, một tay chuyên cò đất nền khu vực buồn so: “Trước đây, có ngày giao dịch đến chục lô nhưng cả tháng nay không cò được một lô nào cả. Thỉnh thoảng cũng có khách alô (điện thoại) nhưng đều là hỏi thăm chứ không giao dịch. Tình hình này chắc phải chuyển nghề thôi”. Tình trạng hạ nhiệt, ảm đạm giao dịch đất nền dự án ở rất nhiều dự án đất nền khác tại khu vực phía Nam, phía Tây Bắc thành phố vốn trước đây cũng sôi động. Theo các cò đất cũng như lý giải của các chuyên gia thì sự chững lại của thị trường đất Đà Nẵng hiện nay có nhiều nguyên nhân, trong đó, nguyên nhân đáng chú ý nhất là do các nhóm đầu tư “cá mập” thường đến từ Hà Nội hoặc TPHCM sau khi “đánh quả, hốt đậm” đã rút đi nên không còn nhiều tình trạng mua đi bán lại khiến cho giao dịch trên thị trường hạ nhiệt.
Giá đất vẫn neo ở mức cao
Dù thị trường bất động sản trên địa bàn thành phố hạ nhiệt, giá đất nền có giảm nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi chỉ giảm nhẹ, vẫn neo ở mức cao. Đơn cử, các dự án ở khu vực Tây Bắc có giá bán dao động khoảng từ 1,2 - 1,7 tỷ đồng/lô. Lý giải giá đất nền dự án ở Đà Nẵng vẫn neo ở mức cao, cò đất Trần Văn A: Phần lớn đất nền dự án giao dịch hiện nay trên thị trường chủ yếu là của các nhà đầu tư thứ cấp mua bán từ 3 – 5 lô đất, do lỡ mua giá cao ngất ngưỡng khi thị trường lên cơn sốt, trong khi đó, chưa đến thời hạn phải trả nợ vay nên họ không dễ dàng bán tháo trong thời điểm thị trường hạ nhiệt nên giá đất không thể giảm ngay được. Thậm chí, có nhiều nhà đầu tư thứ cấp mua đất nền từ nguồn vốn tự có, không phải vay của ngân hàng nên thị trường có ảm đạm cũng không ảnh hưởng nhiều đến họ vì về lâu dài, giá đất vẫn tăng nên họ sẽ “ôm đất” chờ giá lên để bán kiếm lời cũng là lý do khiến cho giá đất nền hiện neo ở mức cao. Bên cạnh đó, theo các chuyên gia thì quỹ đất dành cho khai thác đầu tư phát triển các dự án đất nền trên địa bàn TP Đà Nẵng ngày càng hạn hẹp, thực tế từ tháng 5-2018 đến nay có rất ít dự án đất nền mới mở bán khiến cho nguồn cung đất nền không nhiều cũng là một nguyên nhân khiến cho giá đất nền tuy có giảm nhưng không giảm mạnh dù thị trường có chững lại.
Thị trường bất động sản nói chung, đất nền dự án nói riêng chững lại, giao dịch hạ nhiệt là thời điểm tốt để khách hàng cả mua để làm nhà ở và mua để đầu tư kinh doanh chọn lựa cho mình những lô đất nền ưng ý. Trong đó, các chuyên gia đưa ra lời khuyên cho những người có nhu cầu mua đất nền để làm nhà ở nên đợi đến thời điểm cuối năm giá đất có thể giảm thêm mà mua vì từ nay đến cuối năm Nhà nước có chủ trương “siết” cho vay đối với bất động sản, cuối năm thường là thời điểm phải trả nợ gốc nên nhiều khách hàng sẽ chấp nhận giảm giá, bán cắt lỗ để có nguồn tiền trả nợ cho ngân hàng để khỏi bị phạt hoặc bị phát mãi do quá hạn thanh toán nợ vay. Còn đối với nhà đầu tư đất nền để kinh doanh thì hạn chế vay vốn ngân hàng để mua mà nên mua bằng vốn tự có để hạn chế rủi ro...
PHÚ NAM