Thị trường hàng hóa Đà Nẵng: Những chuyển biến tích cực

Thứ ba, 23/09/2014 12:22

(Cadn.com.vn) - Hoạt động sản xuất và kinh doanh trên địa bàn thành phố đã có dấu hiệu sôi động nhờ vào năm học mới, lễ Quốc khánh 2-9 và Rằm Trung thu. Với chính sách điều hành kinh tế linh hoạt, thị trường hàng hóa nhìn chung không có biến động lớn về mặt giá cả, xáo trộn cung-cầu. Tuy vậy, sự ổn định trong những tháng giữa năm chưa phải là tín hiệu lạc quan của doanh nghiệp, người tiêu dùng và nhà quản lý... Vì vậy, việc phán đoán chính xác tình hình thị trường trong những tháng cuối năm luôn là bài toán nhiều ẩn số.

Những tín hiệu vui

Có mặt tại Đà Nẵng hồi cuối tháng 8 vừa qua trong vai trò điều hành công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả toàn quốc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải dự báo: Ít nhất từ nay đến tháng 10, giá xăng dầu trong nước sẽ tiếp tục được điều chỉnh có lợi cho người tiêu dùng. Chỉ một ngày sau đó, giá xăng Ron 92 đã giảm thêm 470 đồng/lít, dầu diesel và dầu hỏa giảm từ 151-133 đồng/lít.

* Hiện giá thực phẩm tại các chợ gần như đứng yên so với các tháng trước, thậm chí nhiều loại rau củ giảm do vào mùa. Cụ thể, heo thịt từ  90.000- 100.000đồng/kg tùy chợ, thịt bò 250.000-265.000 đồng/kg; gà ta 175.000 đồng/kg, gà công nghiệp 65.000-70.000 đồng/kg. Rau cải ngọt giá 20.000-25.000 đồng/kg; cà rốt Đà Lạt 25.000 – 32.000 đồng/kg; khoai tây Đà Lạt 25.000 -30.000 đồng/kg; xà lách Đà Lạt giá 23.000-25.000 đồng/kg; bí đao 11.000 đồng/kg; bí đỏ 13.000 đồng/kg; cà chua giá 12.000 đồng/kg.

Tính đến đầu tháng 9, giá xăng đã giảm 5 lần với tổng cộng 1.900 đồng. Như vậy, so với năm ngoái, giá mặt hàng này thấp hơn khoảng 450 đồng và đang ở mức 23.740 đồng/lít. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, dù con số giảm ở mức khá khiêm tốn nhưng chí ít là... không tăng trong bối cảnh trượt giá hằng năm. Việc giá xăng tăng “nhỏ giọt” là yếu tố tích cực tác động đến hầu hết đầu ra các sản phẩm hàng tiêu dùng.

Tiếp đó, ngày 3-9, Chính phủ ban hành Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, thay thế Nghị định 84/2009/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-11-2014 chỉ cho phép tăng giá xăng dầu tăng tối đa 2 lần/tháng, ngoài ra, thời gian giữa hai lần điều chỉnh giá xăng dầu liên tiếp tối thiểu 15 ngày đối với trường hợp tăng giá, tối đa 15 ngày đối với trường hợp giảm giá. Điều này sẽ không gây biến động “đột ngột” cho thị trường hàng hóa chịu ảnh hưởng từ nhiên liệu.

Theo thông lệ cứ vào dịp lễ, các mặt hàng xăng, dầu, gas cho đến gạo, sữa, thực phẩm đều tăng. Riêng năm nay, ngay từ đầu tháng 9, nhiều doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối gas trong nước đã thông báo giảm 7.000-9.000 đồng/bình (tùy loại).

Trước đó, nhiều đại lý siêu thị bán lẻ trên địa bàn đã gửi thông cáo về việc đã thực hiện đăng ký và áp dụng giá bán lẻ mới cho hàng chục sản phẩm sữa với mức giảm trung bình từ vài ngàn đến vài chục ngàn đồng/hộp. Với mặt hàng gạo, thông tin sốt hàng đã đẩy giá gạo từ phía Nam về Đà Nẵng tăng 400-500 đồng/loại nhưng nay đã trở về mốc giá cũ.

Giữ vững tăng trưởng, ổn định thị trường

Đà Nẵng chọn năm 2014 là “Năm doanh nghiệp” với mục tiêu bằng mọi cách giúp doanh nghiệp vực dậy hoạt động sản xuất, kinh doanh theo chiều hướng phát triển bền vững. Sự quyết tâm của lãnh đạo thành phố thể hiện trong các buổi tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp đã mang lại nhiều tín hiệu đáng mừng.

* 9 tháng qua, QLTT đã xử lý hơn 6.000 vụ vi phạm với tổng số tiền thu hơn 90 tỷ đồng. Phó Chủ tịch UBND thành phố kiêm Trưởng BCĐ 389/TP Phùng Tấn Viết chỉ đạo: Nhiệm vụ từ nay đến cuối năm, BCĐ 389/TP phải hết sức quyết liệt trong nhiệm vụ đấu tranh chống các hành vi gian lận thương mại, hàng giả, giúp tạo sự lành mạnh đối với thị trường Đà Nẵng.  

8 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành tăng 10,78% so với cùng kỳ năm trước; một số ngành tăng khá như sản xuất thuốc (tăng 39%), giày (37,8%), xe có động cơ (23,6%), thiết bị điện (23,5%), xi-măng và thạch cao (22,5%), săm lốp cao su (20,9%), giấy (18,5%), chế biến thực phẩm (7,5%)...

Đó là kết quả của sự nỗ lực tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp về vốn, chính sách đầu tư và các biện pháp kích cầu tiêu dùng như hỗ trợ doanh nghiệp giải phóng hàng tồn kho, khuyến khích người dân sử dụng hàng Việt. Nhờ vậy sức mua cũng được cải thiện rõ hơn, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 8 tháng qua ước đạt 51.983 tỷ đồng, bằng 72,5% kế hoạch, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2013.

Để giữ vững tăng trưởng, ổn định thị trường, trong những tháng cuối năm, nhất là mùa mưa bão sắp tới, ông Lữ Bằng, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho hay, đã có kế hoạch xúc tiến liên kết với một số tỉnh thành phía Nam để cung ứng các mặt hàng mà thị trường Đà Nẵng có khả năng thiếu hụt trong những thời điểm cần thiết. Đặc biệt là chương trình kết nối với Sở Công Thương Lâm Đồng và các doanh nghiệp cung ứng hàng ở Đà Lạt.

Ông Nguyễn Công Thừa, Chủ nhiệm HTX Anh Đào (Đà Lạt) cho biết, hiện đang duy trì việc cung cấp các sản phẩm nông sản theo nhu cầu của nhà phân phối, bán lẻ Đà Nẵng với số lượng từ 300 tấn rau, củ quả/tháng. Bên cạnh đó, các siêu thị BigC, Co.op mart, Metro, Lotte... dự trữ một lượng hàng lớn và đang triển khai rầm rộ một trong những chương trình khuyến mãi lớn nhất trong năm.

Duyên Xuân