Thiệt hại do sự cố môi trường tại Quảng Trị: Lao động gián tiếp thiệt hại không nhỏ
(Cadn.com.vn) - Ước tính trong 6 tháng, kể từ ngày xảy ra sự cố môi trường do Formosa gây ra, tỉnh Quảng Trị thiệt hại gần 900 tỷ đồng. Báo cáo ngày 13-9 này chỉ mới tạm "chốt" để trình Chính phủ và các bộ ngành. Tuy nhiên, phạm vi và thời gian ảnh hưởng rộng, lâu dài nên chắc chắn chưa dừng lại con số trên, đặc biệt còn nhiều đối tượng, ngành nghề gián tiếp bị thiệt hại chưa được kê khai, tính toán. Mặc dù thời gian kê khai, xác định thiệt hại vì sự cố môi trường do Formosa gây ra phải gấp rút nhưng Quảng Trị đã tổng lực, sớm hoàn tất báo cáo theo đúng hướng dẫn và trình Chính Phủ cùng các bộ, ngành vào ngày 13 - 9. Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, Sở NN và PTNT đã cử 32 cán bộ tăng cường về các xã ven biển và chỉ đạo Chi cục Thủy sản cử thêm 8 cán bộ trực tiếp về địa bàn để hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, nắm tiến độ kê khai của các địa phương, đồng thời chủ động phối hợp với UBND các huyện ven biển tổ chức hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc kê khai thiệt hại tại các địa phương chặt chẽ, theo đúng hướng dẫn của Bộ NN và PTNT. Về khai thác hải sản, có tất cả 2.634 tàu, thuyền bị ảnh hưởng trực tiếp. Trong đó, chiếm tỷ lệ lớn là thuyền công suất dưới 20 CV với 1.453 chiếc, thuyền không gắn máy là 636 chiếc. Về nuôi trồng thủy sản, gần 550 ha bị ảnh hưởng với gần 500 triệu con giống. Số lao động bị ảnh hưởng trực tiếp là 10.115 người. Đơn cử như thuyền không lắp máy, mỗi tháng phải nằm bờ thiệt hại hơn 10 triệu đồng. Tàu công suất dưới 20CV thiệt hại hơn 15 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, tàu công suất từ 50 đến 90CV là gần 66 triệu đồng/tháng. Với lao động trên tàu, thấp nhất đối với ngư dân khai thác thuyền không lắp máy là hơn 3 triệu đồng/người/tháng. Thu nhập của lao động trên tàu từ 20 đến 90CV là hơn 8 triệu đồng/tháng khi tàu không thể ra khơi...Tính chung, lao động bị ảnh hưởng trực tiếp mất thu nhập là gần 200 tỷ đồng.
Bãi tắm Cửa Việt đang chờ ngày sôi động trở lại. Ảnh: Bảo HÀ |
Tuy nhiên, qua công tác kiểm kê đánh giá vẫn còn gặp vướng mắc, đặc biệt một số ngành nghề, đối tượng bị thiệt hại gián tiếp vẫn chưa được kê khai. Cụ thể, ngành nghề du lịch, dịch vụ thương mại ven biển, trong đó có cơ sở sản xuất chai nhựa đóng nước mắm, nước lọc; hộ kinh doanh các sản phẩm liên quan đến hải sản, cửa hàng tạp hóa có bán kèm sản phẩm hải sản; hộ kinh doanh bách hóa tổng hợp có bán các mặt hàng, đồ dùng phục vụ khách dịch vụ du lịch: kính lặn, phao bơi, áo phao. Trường hợp nghề cơ khí nhỏ, không đăng ký kinh doanh như làm cửa, nhôm kính và có làm mỏ neo, chân vịt, quấn mô tơ máy điện trên tàu cá, các công cụ trên tàu/thuyền rất khó xác định thu nhập chính. Bên cạnh đó, một bộ phận không nhỏ là người lao động làm thuê tại các nhà nghỉ ở các bãi tắm có hợp đồng lao động, đăng ký tạm trú.
Một ghi nhận khác về du lịch ra đảo Cồn Cỏ. Thực hiện chỉ đạo và chủ trương của UBND tỉnh, UBND huyện đảo Cồn Cỏ cùng với Công ty CP Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị ký kết hợp tác mở tuyến du lịch đưa khách ra đảo Cồn Cỏ. Việc triển khai thí điểm mở tour vào thời điểm xảy ra sự cố môi trường biển khiến kết quả không như mong đợi. Từ tháng 4 đến tháng 8 - 2016, mới tổ chức được 9 đoàn với 173 khách du lịch... Tính đến thời điểm này, có khoảng 4 ngàn lao động gián tiếp bị thiệt hại, nhiều nhất là tại H. Vĩnh Linh với hơn 2.800 người, tập trung kinh doanh bãi tắm, ăn uống, sơ chế thủy hải sản. Được biết, sau khi Bộ NN và PTNT thống nhất mở rộng các đối tượng bị thiệt hại vùng cửa sông theo mực nước triều, tỉnh đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép chủ động phê duyệt danh sách các xã bị ảnh hưởng trên địa bàn tỉnh nằm ngoài 16 xã, thị trấn ven biển đã báo cáo là Vĩnh Thạch, Vĩnh Thái, Vĩnh Giang, TT Cửa Tùng (H.Vĩnh Linh); Trung Giang, Gio Hải, Gio Mai, Gio Việt, TT Cửa Việt (H. Gio Linh); Triệu An, Triệu Phước, Triệu Vân, Triệu Lăng, Triệu Độ (H.Triệu Phong) và Hải An, Hải Khê (H.Hải Lăng) để các địa phương có cơ sở thống kê thiệt hại.
Trao đổi thêm về tạo sinh kế cho ngư dân, UBND xã Gio Việt cho biết, đối với đặc điểm xã thì mô hình kinh tế trang trại, gia trại không mấy phù hợp, mục tiêu khả thi nhất là đầu tư, nâng cấp công suất tàu. Trong khi đó, tại xã Trung Giang, Gio Hải ngư dân bắt đầu với các kế hoạch chăn nuôi lợn thả, vịt trời...Tuy nhiên trước mắt là họ chưa có thu nhập ngay nên đời sống cũng gặp rất nhiều khó khăn. Một số ngư dân cũng đang làm các thủ tục vay vốn đầu tư, nâng cấp tàu mới để tiếp tục ra khơi. Thiệt hại sau sự cố môi trường chưa dừng lại con số biết nói trên. Vì thế, Quảng Trị mong muốn Chính phủ sớm ban hành các chính sách chung về ổn định đời sống và sản xuất để các địa phương có cơ sở phê duyệt các đề án theo từng ngành, lĩnh vực cụ thể, đồng thời chủ động đưa ra các giải pháp, xây dựng kế hoạch, lộ trình phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương nhằm giúp nhân dân vùng biển ổn định sinh kế lâu dài.
Bảo Hà