Thiết lập đường dây nóng quản lý xung đột trên biển
(Cadn.com.vn) - Diễn đàn Biển ASEAN mở rộng lần thứ 3 với sự tham gia của 10 nước ASEAN và 8 nước đối thoại gồm Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Australia, Ấn Độ, Nga, Hàn Quốc, New Zealand diễn ra ngày 28-8 tại Đà Nẵng. Đây là sự kiện quan trọng của ASEAN cũng như các nước đối tác nhằm đưa ra các giải pháp đảm bảo an toàn và tự do hàng hải trên biển.
Đại diện 18 nước tham dự diễn đàn. |
PHẢI ĐẢM BẢO AN TOÀN, TỰ DO HÀNG HẢI
Trọng tâm của diễn đàn lần này là vấn đề an ninh, an toàn và tự do hàng hải trên biển. Nó càng trở nên hệ trọng sau những diễn biến căng thẳng, phức tạp và khó lường hiện nay trên biển, nhất là biển Đông. Thực tế đó đòi hỏi các nước phải bàn thảo, tìm tiếng nói chung thông qua việc triển khai hữu hiệu các biện pháp xây dựng lòng tin cũng như các công cụ của khu vực nhằm ngăn ngừa và kiểm soát xung đột. Để làm được như vậy, Diễn đàn đã đề cao việc tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế UNCLOS cũng như các cam kết khu vực, đặc biệt là thực thực hiện đầy đủ và hiệu quả Bộ Quy tắc ứng xử DOC, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không đe dọa hay sử dụng vũ lực.
Các nước đặc biệt nhấn mạnh việc thực hiện kiềm chế, ngăn ngừa việc tái diễn các vụ việc phức tạp ở biển Đông. Theo đó, các đại biểu hoan nghênh việc ASEAN và Trung Quốc sớm đi vào bàn việc cụ thể hóa các quy định tại Điều 5 của DOC về thực hiện kiềm chế và không có hành động làm phức tạp tình hình; đồng thời thúc đẩy thương lượng thực chất để sớm có Bộ Quy tắc COC. Các nước cũng nhấn mạnh sự cần thiết có cơ chế bảo đảm thực hiện cũng như có hoạt động hợp tác thiết thực để xây dựng lòng tin, ngăn ngừa và quản lý sự cố như tìm kiếm cứu nạn và hỗ trợ nhân đạo cho tàu thuyền đi biển gặp nạn, trong đó có đối xử nhân đạo với ngư dân, thiết lập đường dây nóng.
Thứ trưởng Phạm Quang Vinh phát biểu khai mạc diễn đàn. |
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Quang Vinh- Trưởng SOM ASEAN Việt Nam cho biết, hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải là chủ đề xuyên suốt, là mối quan tâm chung của tất cả các nước tham dự diễn đàn này. Vì thế, trong các phiên họp cụ thể, nội dung đảm bảo môi trường hòa bình, ổn định trong khu vực được đặc biệt nhấn mạnh. Bên cạnh đó, phải tăng cường hợp tác sâu hơn, toàn diện hơn để quản lý các xung đột trên biển, ứng phó hiệu quả với các rủi ro thiên tai.
Ông Vinh nhấn mạnh, lòng tin có vai trò quan trọng nhưng vì tình hình biển Đông phức tạp nên có những lúc các nước trong khu vực chưa thực sự tin tưởng nhau. Với diễn đàn này, các nước đã chia sẻ về sự cần thiết của việc tăng cường xây dựng lòng tin, thực hiện kiềm chế, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không đe dọa hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, tuân thủ luật pháp quốc tế và Công ước Luật biển của LHQ, ngăn ngừa và quản lý các sự cố trên biển...
Cũng theo thứ trưởng Phạm Quang Vinh, điểm mới của diễn đàn lần này là đã xác định được những lĩnh vực hợp tác và tạo khung chính trị cho sự hợp tác đó. Bên cạnh đó, các nước cũng thống nhất đưa ra các giải pháp cụ thể để đảm bảo rằng luật pháp quốc tế được đi vào thực hiện trên thực tế.
THÁCH THỨC CHUNG
Ông Martin A.Sebastian- Giám đốc Trung tâm nghiên cứu An ninh biển của Malaysia cho rằng, an ninh trên biển đang đặt ra nhiều thách thức lớn với tất cả các nước. Ngày nay, khi các hoạt động giao thương trên biển mở rộng thì kèm theo đó các quốc gia phải đối mặt với những diễn biến khó lường từ thiên tai, cướp biển, tội phạm xuyên quốc gia. Để đảm bảo an ninh an toàn, tự do trên biển, đòi hỏi các nước phải hợp tác chặt chẽ với nhau, không chỉ ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản mà ngay cả Mỹ, Nga cũng phải có nghĩa vụ can dự. Bởi vì nó là tuyến biển xuyên châu lục. Việc hợp tác chặt chẽ sẽ quản lý xung đột, kịp thời ứng phó với các sự cố rủi ro, chia sẻ các thông tin tình báo về tội phạm xuyên quốc gia trên biển để phối hợp cùng nhau triệt phá.
Các đại biểu trao đổi bên lề diễn đàn. |
Bên lề diễn đàn, Giáo sư Carl Thayer – Đại học New South Wales (Australia) cho biết, hiện nay Việt Nam có nhiều đối tác tin cậy, họ sẵn sàng chia sẻ, hợp tác về an ninh, an toàn hàng hải. Đặc biệt, khi Việt Nam tham gia thành công TPP với Mỹ sẽ là cơ hội tốt để thúc đẩy hợp tác, và tới lúc đó, Trung Quốc cũng phải nhìn nhận lại, có sự hợp tác nhiều hơn với Việt Nam. Cũng theo GS Carl Thayer, căng thẳng trên biển Đông đã dịu xuống khi Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Nếu Trung Quốc muốn đưa giàn khoan trở lại sẽ càng gây mất lòng tin thêm với thế giới, đồng thời Việt Nam cũng sẽ có nhiều hơn tiếng nói ủng hộ từ cộng đồng thế giới, đặc biệt là các đối tác chiến lược.
Trong khi đó, ông Robert Harris (Hoa Kỳ) cho biết, khi đến diễn đàn này, Mỹ khẳng định lập trường và vị thế của mình ở biển Đông rất rõ ràng, nhất quán và có ý nghĩa quan trọng với sự phát triển chung. Rõ ràng với diễn đàn khu vực này là một công cụ hữu hiệu để những nước có chung lợi ích giải quyết tranh chấp trên biển và để chắc chắn rằng hệ thống quốc tế trợ giúp được các nước ASEAN đáp trả các yêu sách và tìm hướng giải quyết. Tại diễn đàn, đại diện phía Trung Quốc cũng chia sẻ sẽ đảm bảo an ninh an toàn hàng hải trên biển, khẳng định lại các cam kết với ASEAN đồng thời cam kết cùng ASEAN sớm có bộ quy tắc ứng xử COC.
Hải Quỳnh