Thiếu người “cầm chịch”

Thứ tư, 20/02/2008 00:00

(Cadn.com.vn) - Năm 2008 này, Hội Văn học- Nghệ thuật Quảng Nam (gọi tắt là Hội Văn nghệ) tiến hành Đại hội lần thứ VII (nhiệm kỳ 2008- 2013). Đây là công việc “đến hẹn lại lên”, sẽ không có gì để nói, nếu như không thiếu một yếu tố có tính chất quyết định, đó là: Thiếu người “cầm chịch”... Nhà văn Hồ Duy Lệ đã nghỉ hưu từ lâu nhưng vẫn ráng cáng đáng chức Chủ tịch Hội suốt thời gian qua, giờ coi bộ không còn “kham nổi”. Còn nhà văn Nguyễn Bá Thâm năm nay cũng đã ngấp nghé lục tuần! Ông bảo: “Sau Đại hội, tôi vẫn ở lại Quảng Nam, không chuyển về Đà Nẵng. Nhưng tôi nhất quyết không nhận cái chức Phó Chủ tịch Hội kiêm Tổng Biên tập Tạp chí Đất Quảng nữa! Tôi chỉ mong muốn làm “một anh hội viên” để được đi và viết...”.

Việc “hai cây đa, cây đề” của làng văn nghệ xứ Quảng không chịu tiếp tục “cầm chịch” Hội Văn nghệ Quảng Nam trong nhiệm kỳ tới đã tạo ra một “khoảng trống” khiến cho công tác chuẩn bị nhân sự của Hội gặp nhiều lúng túng. Đã có ý kiến đề nghị đưa một “quan chức” của sở nọ về thay thế... Khổ nỗi, vị “quan chức” ấy là dân “ngoại đạo” của làng văn nghệ xứ Quảng, lại chưa phải là hội viên của Hội Văn nghệ tỉnh. Còn những người trong làng văn nghệ xứ Quảng lại không muốn về “trụ trì” ở “ngôi đền thiêng” kia! Bởi hầu hết, nếu không muốn nói là tất cả, đều là cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước ở các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, địa phương... Họ tham gia làng văn nghệ xứ Quảng để có nơi gặp gỡ bạn bè, trao đổi kinh nghiệm sáng tác và... vui là chính! Còn chuyển hẳn về Hội Văn nghệ Quảng Nam công tác thì ai cũng lắc đầu quầy quậy vì chuyện “cơm áo không đùa với khách thơ”!

Văn nghệ sĩ thăm lại vùng chiến khu xưa và thắp hương tưởng niệm nhà thơ Nguyễn Mỹ tại NTLS Trà My.

Nguyên do khiến mọi người từ chối việc “cầm chịch” Hội văn  nghệ Quảng Nam là vì có nhiều điều tế nhị, khó nói! Theo lời tâm sự của nhà văn Nguyễn Bá Thâm, một khi đã nghỉ hưu nhưng vẫn đảm nhận trọng trách của Hội, chỉ được hưởng thêm phụ cấp chức vụ “chẳng đáng là bao”. Và khoản phụ cấp ấy được trích từ nguồn kinh phí hoạt động của Hội. Mà kinh phí của Hội quanh năm thiếu trước hụt sau! Thì đấy, nhà văn Hồ Duy Lệ suốt mấy năm trời làm “không công” cho Hội, vừa rồi mới được giải quyết một phần phụ cấp mà thôi! Cũng theo lời tâm sự của nhà văn Nguyễn Bá Thâm, hơn 10 năm nay, Hội Văn nghệ Quảng Nam luôn ở trong tình trạng “hết ở nhà thuê, lại thuê nhà ở”. Trụ sở cơ quan Hội được cấp đất, được lập hồ sơ thiết kế và được phê duyệt với dự toán gần 2 tỷ đồng, song lại không được cấp vốn xây dựng nên mọi chuyện cho đến nay vẫn chưa đâu vào đâu cả!

Và cũng có điều đáng mừng là, những khó khăn của Hội Văn nghệ Quảng Nam đã được lãnh đạo tỉnh xem xét giải quyết. Trong một buổi làm việc với lãnh đạo Hội, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Hải đã thông báo những tín hiệu vui: Tăng thêm kinh phí hoạt động cho Tạp chí Đất Quảng; tăng thêm số lượng nhân viên hợp đồng cho Hội Văn nghệ tỉnh; cấp một ô-tô con đã qua sử dụng cho Tạp chí Đất Quảng và Hội; cấp một phần ngôi nhà tầng của Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh cho Tạp chí Đất Quảng và Hội Văn nghệ tỉnh để có nơi làm việc. Ngoài ra, UBND tỉnh cũng sẽ sớm xem xét quyết định về Giải thưởng văn học - nghệ thuật Phan Châu Trinh. Riêng việc tìm người “cầm chịch” Hội Văn nghệ tỉnh nhiệm kỳ tới thì đang trong giai đoạn thăm dò, tìm kiếm...

Lại thêm những tín hiệu vui: Một nhà giáo chuyên viết truyện ngắn đã “đầu đơn” về Hội Văn nghệ Quảng Nam và được bố trí làm Chánh văn phòng Hội kiêm Thư ký Tòa soạn Tạp chí Đất Quảng. Và nghe đâu sắp tới có một nhà báo chuyên làm thơ cũng “đầu đơn” về Hội Văn nghệ Quảng Nam. Không rõ hai nhà giáo và nhà báo có “cầm chịch” nổi Hội Văn nghệ Quảng Nam trong nhiệm kỳ tới?

Nguyễn Tam Mỹ